Năm mới 2021, người lao động mong mỏi điều gì?
(Dân trí) - Bước sang năm Tân Sửu, nhiều người lao động đang làm việc ở Hà Nội có nhiều mong ước mới về công việc, thu nhập, sự nghiệp và cuộc sống.
Có tiền thuê cửa hàng để hành nghề
Từ miền quê Ninh Giang (Hải Dương) lên Hà Nội làm thợ cắt tóc, anh Phùng Văn Quân chưa bao giờ nghĩ đến việc mưu sinh lại khó khăn đến thế trong năm vừa qua.
Trước đây, anh Phùng Văn Quân từng thuê một cửa hàng đàng hoàng để làm việc. Nhưng do công việc ít ỏi vì dịch bệnh trong năm qua, cộng thêm gánh nặng nuôi vợ con, anh đành phải dựng một "cửa hàng" cắt tóc di động cạnh bờ sông Tô Lịch (đoạn quận Thanh Xuân, Hà Nội) để duy trì cuộc sống.
"Cắt tóc dạo như thế này vừa vất vả khói bụi, lại thêm khách hàng không được đa dạng lứa tuổi như trước. Trong năm mới 2021, tôi mong mỏi tình hình công việc được cải thiện. Qua đó, tôi có điều kiện thuê lại 1 cửa hàng để làm nghề" - anh Phùng Văn Quân bày tỏ.
Dịch sớm qua đi, việc làm ổn định
Giống với anh Quân, anh Trần Xuân Cần (quê ở Phủ Lý, Hà Nam) - làm nghề sửa chữa máy tính ở Hà Nội đã 8 năm nay - chia sẻ: "Hai đợt dịch đầu năm vừa rồi, khiến cho người thì bị cách ly, người thì về quê tránh dịch hết. Nhiều tháng qua, tôi gần như không có rất ít việc làm, cuộc sống gia đình cũng vì thế lâm vào cảnh khó khăn".
Nói về ước muốn đầu xuân mới, anh Cần mong Nhà nước sớm có biện pháp dập dịch, để mọi người lao động yên tâm làm việc.
Trước khi dịch bệnh bùng phát, thu nhập của anh Trần Xuân Cần khá ổn định từ 12-15 triệu đồng/tháng, trừ chi phí sinh hoạt cũng có của ăn, của để. Nay trong tình trạng "thắt lưng buộc bụng" nhưng anh vẫn phải chật vật trong chi tiêu.
"Vợ của tôi làm giáo viên hợp đồng cho một trường mầm non. Dịch bệnh ập đến, trường mầm non cũng đóng cửa nên vợ và con tôi đã về quê để giảm chi phí sinh hoạt" - anh Trần Xuân Cần ngao ngán nói.
Mong được tăng ca nhiều hơn
Cũng rơi vào tình cảnh khó khăn, chị Phan Thị Mai Dung, làm công nhân KCN Bắc Thăng Long đã gần 16 năm.
Chị tâm sự: "Khó khăn quá, dịch bệnh năm qua, công ty ít việc nên chúng tôi phải giảm giờ làm, thu nhập cũng từ đó mà đi xuống theo. Cả Hai vợ chồng đều làm công nhân nên năm qua đúng là một năm "kinh tế buồn" đối với gia đình tôi".
Được biết, trước đây thu nhập của vợ chồng chị nếu tăng ca cũng đủ nuôi 2 đứa con ăn học, còn dư giả phụ giúp bố mẹ già. Nay thu nhập giảm quá nửa khiến cuộc sống công nhân như chị đã vất vả nay càng trở nên vất vả hơn.
"Bước sáng thềm năm mới, tôi không mong ước gì hơn việc gia đình người tôi có nhiều sức khỏe, công ty thì nhiều việc để có thể tăng ca, qua đó có thêm thu nhập" - chị Phan Thị Mai Dung tâm sự.
Trong khi có không ít lao động mất việc đã nhanh chóng trở về quê thì nhiều người ở Hà Nội vẫn cố gắng bám trụ với nghề, hy vọng "kiếm được đồng nào hay đồng ấy". Thế nhưng, dịch bệnh khó lường trong năm qua đã khiến họ lâm vào thế chuyển hướng đi khác.
Sẽ tạm gác công việc để nhập ngũ
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Lê Minh Quân (quê Tiền Hải, Thái Bình) lên Thủ đô xin vào làm nhân viên 1 quán Bi - a nằm trên quận Thanh Xuân (Hà Nội). Chia sẻ về công việc một năm qua, chàng trai năm sinh 2001 cho biết không đạt được dự định ban đầu của mình.
"Do dịch Covid-19, cơ sở làm dịch vụ của tôi cho nhân viên nghỉ giãn cách xã hội. Những tháng đi làm, tôi chỉ được nhận lương khoảng 4,5 triệu đồng/tháng chỉ đủ ăn uống và đóng tiền trọ chứ không dành ra được ít nào mua quà về biếu bố mẹ" - anh tâm sự.
Nói về dự định sau Tết Nguyên đán, Lê Minh Quân đã tình nguyện viết đơn đi tham gia nhập ngũ và được nhà nước tin tưởng tuyển chọn. Chàng trai 19 tuổi quyết tâm vào hàng ngũ quân đội rèn tính kỷ luật để thuận tiện cho công việc, sự nghiệp sau này.
Thu nhập được cải thiện hơn
Năm 2020 cũng là một năm vô cùng khó khăn với vợ chồng anh Nguyễn Đình Bắc (quê ở Đô Lương, Nghệ An) khi mà cả hai vợ chồng làm công nhân. Anh chị kết duyên được gần 5 tháng, số tiền dành dụm sau 2 năm làm công nhân được dùng để tổ chức đám cưới.
Cuộc sống mới của anh chị còn gặp nhiều khó khăn. Năm nay, anh cùng vợ quyết định không về quê mà ở lại ăn Tết ở Hà Nội
"Trong năm vừa qua, tôi cũng như nhiều công nhân khác đã nỗ lực hết mình lao động sản xuất. Tuy nhiên dịch Covid-19 đã làm đảo lộn cuộc sống của tôi. Cũng may mắn trong năm qua tôi tìm được "một nửa" của cuộc đời mình để cùng nhau cố gắng" - anh Nguyễn Đình Bắc tâm sự.
Tâm sự với PV, anh Nguyễn Đình Bắc mong rằng, năm mới công việc sẽ ổn định hơn và thu nhập cải thiện hơn. Ngoài ra anh chị cũng mong trong năm mới, gia đình đón chào thành viên mới.