1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Năm 2017: Dự kiến sửa Luật Lao động

(Dân trí) - “Việc sửa đổi Luật Lao động nhằm giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện thời gian qua, đảm bảo tính đồng bộ giữa Luật Lao động và các luật khác mới được ban hành và phục vụ cho quá trình hội nhập quốc tế, tham gia Hiệp định TPP”.

Năm 2017: Dự kiến sửa Luật Lao động - 1

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân trao đổi về phương hướng sẽ sửa đổi đổi và bổ sung Luật lao động với PV Dân trí, bên lề Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về tình hình thực thi pháp luật lao động. Chương trình được Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 2/6 tại Hà Nội.

Để thực hiện 3 mục tiêu chính của việc sửa đổi Luật Lao động, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho rằng còn rất nhiều việc cần làm.

Theo dự kiến, đầu năm 2017, Bộ LĐ-TB&XH sẽ thực hiện công tác soạn thảo và điều chỉnh trên cơ sở được Chính phủ giao nhiệm vụ.

“Khi chỉnh sửa và bổ sung xong, Chính phủ sẽ trình Quốc hội phê duyệt vào cuối năm 2017. Tất nhiên, quy trình đều phải tuân theo quy định của Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, các cơ quan chức năng phải chuẩn bị hồ sơ và đăng ký vào chương trình của Chính phủ” - Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết.

Thứ trưởng Phạm Minh Huân
Thứ trưởng Phạm Minh Huân

Bàn về các nội dung sửa đổi và bổ sung của Luật Lao động, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho rằng sẽ phát sinh nhiều vấn đề mới và đó là điều đương nhiên: “Tuy nhiên, tôi lưu ý là mục tiêu chính của đợt sửa đổi sắp tới nhằm đáp ứng quá trình VN hội nhập các Hiệp ước quốc tế cũng như Hiệp định TPP”.

Việc sửa đổi sẽ phải tuân thủ 8 công ước quốc tế cơ bản về lao động mà VN đã tham gia cũng như tinh thần của Luật Lao động khi bắt đầu có hiệu lực - năm 1995.

Bên cạnh việc sửa đổi sẽ có nhiều nội dung bổ sung. Trong đó có nội dung quy định về hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở theo tinh thần Hiệp định TPP mà VN đã tham gia. Đây là quy định hoàn toàn mới mà đội ngũ soạn thảo cần xây dựng mới.

Được biết, nhiều nội dung về hoạt động của tổ chức đại diện trên còn chưa được nêu rõ: Cơ quan nào có thẩm quyền cấp phép hoạt động, quy chế hoạt động, cơ chế tài chính, phạm vi và thẩm quyền hoạt động…

Thứ trưởng Phạm Minh Huân cũng cho biết, qua triển khai thực hiện Luật Lao động năm 2012, nhiều vấn đề phát sinh và có thể được sửa đổi và bổ sung như: Quy định cụ thể hơn về lương tối thiểu vùng cho phù hợp với thực tế doanh nghiệp và mặt bằng của thị trường lao động; thời gian làm thêm; bổ sung các quy định liên quan tới bảo hiểm xã hội;

Bộ Luật Lao động năm 2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 05 năm 2013, bao gồm 17 Chương và 242 Điều. Một số nội dung chính của Luật Lao động như: Việc làm, lương, tiền giờ làm việc, hợp đồng lao động, học nghề, đối thoại lao động, thỏa ước tập thể, công đoàn, tranh chấp lao động…

Hoàng Mạnh