Năm 2017: Cà Mau dành 54,5 tỷ đồng cho chương trình việc làm

(Dân trí) - Thực hiện chương trình việc làm năm 2017, tỉnh Cà Mau cho biết sẽ ưu tiên hỗ trợ vay vốn đối với người lao động ở khu vực nông thôn, thanh niên lập nghiệp, sinh viên khởi nghiệp, đầu tư cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, lao động tàn tật, và các đối tượng lao động đặc thù khác để ổn định việc làm.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, mục tiêu thực hiện chương trình việc làm năm 2017 là tạo việc làm cho người lao động, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế và phát huy thế mạnh nguồn lao động ở các địa phương trong tỉnh vào tăng trưởng, phát triển kinh tế xã hội, tạo nguồn thu nhập ổn định, bền vững, góp phần giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo kế hoạch, năm 2017, Cà Mau sẽ tạo việc làm cho 37.500 lao động (trong đó đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm sau khi học nghề khoảng 11.000 lao động). Cụ thể, tạo việc làm từ chương trình phát triển kinh tế xã hội và cho vay vốn ưu đãi để tạo việc làm tại địa phương: 18.000 lao động; tạo việc làm từ hoạt động tuyển chọn, cung ứng lao động cho các khu công nghiệp ngoài tỉnh: 19.450 lao động; tạo việc làm từ hoạt động tuyển chọn, cung ứng lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng: 50 lao động.

Một trong những giải pháp thực hiện chương trình việc làm năm 2017 của tỉnh Cà Mau là ưu tiên hỗ trợ chính sách tín dụng cho thanh niên lập nghiệp, sinh viên khởi nghiệp. (Ảnh minh họa)
Một trong những giải pháp thực hiện chương trình việc làm năm 2017 của tỉnh Cà Mau là ưu tiên hỗ trợ chính sách tín dụng cho thanh niên lập nghiệp, sinh viên khởi nghiệp. (Ảnh minh họa)

UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tổng nhu cầu kinh phí mà tỉnh này dành cho chương trình việc làm năm 2017 là 54,5 tỷ đồng.

Cụ thể, ngân sách tỉnh hơn 37,1 tỷ đồng; trong đó, 19,8 tỷ đồng để đào tạo nghề cho lao động nông thôn, 15 tỷ đồng bổ sung Quỹ quốc gia về việc làm, 300 triệu đồng hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, 1 tỷ đồng tổ chức thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động, 400 triệu đồng tổ chức các hoạt động sàn giao dịch việc làm, 600 triệu đồng tổ chức nâng cao năng lực, truyền thông, giám sát, đánh giá chương trình.

Kiến nghị Trung ương hỗ trợ 17,4 tỷ đồng; trong đó, 6 tỷ đồng để đào tạo nghề cho lao động nông thôn, 10 tỷ đồng bổ sung nguồn Quỹ quốc gia về việc làm, 1 tỷ đồng tổ chức, thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động, 400 triệu đồng để tổ chức các hoạt động sàn giao dịch việc làm.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, để chương trình việc làm năm 2017 có hiệu quả, tỉnh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, tạo nhận thức về giải quyết việc làm cho người lao động, các doanh nghiệp, các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị xã hội, với việc tạo cho người lao động nhận thức đầy đủ về thông tin thị trường lao động, chế độ lao động và chính sách việc làm, loại bỏ ý thức muốn làm việc trong các cơ quan Nhà nước, không muốn làm việc trong các thành phần kinh tế khác, hạn chế, xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.

Đa dạng hóa các loại hình, ngành nghề đào tạo, nâng cao chất lượng lao động đảm bảo phù hợp tình hình, điều kiện phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong và ngoài nước, với việc tập trung đào tạo nghề gắn chặt với yêu cầu phát triển, phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới, đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động.

Tạo điều kiện khôi phục, phát triển làng nghề nông thôn để tạo việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn; phát triển du lịch sinh thái, phát huy mọi tiềm năng từ biển, du lịch biển, góp phần thu hút lao động tham gia làm việc tại chỗ.

Thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi để hỗ trợ tạo việc làm, với việc ưu tiên hỗ trợ vay vốn đối với người lao động ở khu vực nông thôn chuyển dịch việc làm, hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp, xây dựng thực hiện hiệu quả đề án hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, đầu tư cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, lao động tàn tật, và các đối tượng lao động đặc thù khác để ổn định việc làm, tránh nguy cơ mất việc làm cho số lao động đang làm việc.

Khuyến khích thực hiện tốt các hoạt động đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, với việc phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH giới thiệu các doanh nghiệp hoạt dộng dịch vụ xuất khẩu lao động tham gia tuyển lao động Cà Mau nhằm phát triển thị trường lao động ngoài nước, góp phần tăng thu nhập, nâng cao trình độ tay nghề người lao động.

Và một trong những giải pháp quan trọng của tỉnh Cà Mau là phát huy hiệu quả hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm, đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, nâng cao chất lượng, hiệu quả các phiên giao dịch việc làm định kỳ; phát triển, mở rộng địa bàn tổ chức phiên giao dịch việc làm ở các cụm, khu vực có tập trung đông dân cư, nhất là các khu tái định cư; bố trí máy tính kết nối hệ thống sàn giao dịch việc làm (qua website: www.vieclamcamau.vn); niêm yết thông tin tuyển dụng lao động tại các xã, phường, thị trấn để phục người lao động tìm việc làm.

Huỳnh Hải