1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Thanh Hóa:

Nai lưng trồng rau má, tưởng thoát nghèo, nhiều hộ dân lại bị "bùng" tiền

Hạnh Linh

(Dân trí) - 14 hộ dân trồng rau má ở làng cổ Đông Sơn, phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa điêu đứng khi công ty thu mua sản phẩm trong một thời gian dài mà chưa chịu trả tiền.

Phản ánh đến báo Dân trí, ông Lương Trọng Tuấn (trú tại làng cổ Đông Sơn, phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, 14 hộ dân trồng rau má ở địa phương này đang bị một công ty thu mua rau má "bùng" tiền.

Theo ông Tuấn, tháng 8/2021, Công ty cổ phần liên minh Hợp tác xã nông - lâm sản Thanh Hóa (nay đổi tên thành Công ty Cổ phần tập đoàn Ngọc Xanh xứ Thanh - gọi tắt là công ty Ngọc Xanh) ký hợp đồng bao tiêu đầu ra sản phẩm rau má tại làng cổ Đông Sơn của 14 hộ.  

Nai lưng trồng rau má, tưởng thoát nghèo, nhiều hộ dân lại bị bùng tiền - 1

Bà con làng cổ Đông Sơn bán rau suốt cả năm mà chưa nhận được tiền (Ảnh: Hạnh Linh).

Theo hợp đồng, công ty Ngọc Xanh sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm cây rau má (giống rau má cổ) của cánh đồng bãi, làng cổ Đông Sơn, phường Hàm Rồng.

Sản phẩm rau má theo hợp đồng phải đạt tiêu chuẩn VIETGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam). Giá thu mua sản phẩm rau má là 12.000 đồng/kg, cây giống là 14.000 đồng/kg. Trong hợp đồng đầu tiên (từ tháng 8/2021 đến tháng 2/2022), phía công ty trả tiền đầy đủ.

Kết thúc hợp đồng, công ty Ngọc Xanh đề nghị ông Tuấn ký tiếp, tuy nhiên ông không đồng ý. Theo ông Tuấn, mặc dù không ký hợp đồng với công ty, nhưng từ tháng 2 đến tháng 8/2022, khi công ty có nhu cầu, gia đình ông vẫn nhập rau cho công ty. Tuy nhiên, sau khi nhận rau, công ty Ngọc Xanh không thanh toán tiền.

"Trong khoảng thời gian 6 tháng, gia đình tôi nhập nhiều đợt rau cho công ty, hiện công ty đang nợ gia đình tôi 20 triệu đồng", ông Tuấn bức xúc.

Nai lưng trồng rau má, tưởng thoát nghèo, nhiều hộ dân lại bị bùng tiền - 2

Doanh nghiệp thu mua nêu lý do khó khăn, khất nợ 180 triệu đồng (Ảnh: Người dân cung cấp).

Theo ông Lê Văn Thanh, Giám đốc Chi nhánh làng cổ Đông Sơn, trước sự việc người dân trồng rau má ở đây bị công ty "bùng" tiền hàng, ông đã nhiều lần đại diện cho bà con, gọi điện thoại đề nghị công ty sớm giải quyết công nợ nhưng đến nay việc vẫn tắc. 

"Tính đến ngày 20/2, công ty Ngọc Xanh đã nợ tiền rau của chi nhánh làng cổ Đông Sơn hơn 180 triệu đồng", ông Thanh bức xúc.

Cũng theo ông Thanh, sau nhiều lần làm việc, phía công ty Ngọc Xanh đưa ra lý do chưa trả tiền cho bà con là bởi doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Đồng thời, đại diện công ty cũng hứa hẹn sẽ thanh toán tiền vào ngày 10/7. Trường hợp nguồn tiền có sớm, sẽ thanh toán trước.

Nai lưng trồng rau má, tưởng thoát nghèo, nhiều hộ dân lại bị bùng tiền - 3

Vất vả trồng, bán nhiều vụ rau, bà con làng cổ Đông Sơn méo mặt vì doanh nghiệp thu mua không trả tiền (Ảnh: Hạnh Linh).

Ông Dương Đình Long, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hàm Rồng cho biết, hiện nay công ty Ngọc Xanh đang nợ 14 hộ dân trồng rau má tại làng cổ Đông Sơn với số tiền hơn 180 triệu đồng.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Văn Vinh - Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Trưởng phòng hành chính pháp chế (công ty Ngọc Xanh) - thừa nhận việc công ty nợ tiền rau má của bà con ở làng cổ Đông Sơn.

Tuy nhiên, ông Vinh cho rằng việc nợ tiền hàng của người dân một phần xuất phát từ việc sản xuất ra không đúng với yêu cầu về chất lượng đề ra.

Bà Hoàng Thị Lan Hương - Phó tổng giám đốc công ty Ngọc Xanh - cho biết, theo điều 2 của bản hợp đồng đầu tiên, phía công ty có đưa ra yêu cầu, các hộ dân không được tự ý sử dụng các loại phân bón hóa học, chất kích thích gây biến đổi gen, thuốc diệt cỏ, trừ sâu ngoài quy định để sản phẩm đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Nai lưng trồng rau má, tưởng thoát nghèo, nhiều hộ dân lại bị bùng tiền - 4

Ông Nguyễn Văn Vinh - Phó chủ tịch hội đồng quản trị, kiêm Trưởng phòng hành chính pháp chế công ty Ngọc Xanh xứ Thanh (Ảnh: Hạnh Linh).

Mọi phương pháp, kỹ thuật, quy trình chăm bón phải theo hướng dẫn từ phòng kỹ thuật của công ty.

"Kết thúc hợp đồng đầu tiên, công ty đề nghị ký tiếp nhưng bà con không đồng ý. Dù không ký tiếp song công ty vẫn mua rau của bà con làng cổ và cũng chủ quan không kiểm tra chất lượng của rau má", bà Hương nói.

Theo bà Hương, trong giai đoạn vừa qua, công ty làm ăn khó khăn. Công ty đang kiện toàn lại bộ máy, khi ổn định, có tiền sẽ trả lại cho các hộ dân.