Muốn tiết kiệm tiền, đừng... nghĩ nhiều đến tiền
Các ứng dụng quản lý ngân sách và bảng tính có thể giúp người ta kiểm soát được tình hình tài chính của mình, nhưng nhà khoa học thần kinh Moran Cerf nói rằng có một cách đơn giản hơn để tiết kiệm tiền: Đó là tạo dựng một cuộc sống dựa trên một lịch trình tài chính.
Hãy xem xét một người tiêu dùng Mỹ đặc trưng. Người này được trả lương hàng tháng, trả tiền hóa đơn hàng tháng, mua đồ tạp phẩm 4 lần/tháng, ăn 3 bữa/ngày, và trả khoản nợ học đại học trong vòng 20 năm.
"Tất cả những thước đo này làm bộ não chúng ta rối lên", Cert – Phó giáo sư marketing ở Đại học Northwestern cho biết.
Giải pháp của Cerf là để người ta thử nghiệm với các thời gian biểu khác nhau - hàng ngày, hàng tháng, hàng quý, thậm chí hàng năm - để cuối cùng tìm ra thời gian biểu hữu ích nhất cho các khoản chi tiêu.
Ví dụ, một người có thể quyết định anh ta cần có một khoản tiêu vặt hàng ngày. Một khi đã để dành ra số tiền cần thiết cho các chi phí cố định (như tiền hóa đơn và trả nợ ngân hàng), anh ta sẽ phân phối phần còn lại theo mỗi ngày. Mỗi khoản chi tiêu đều được lọc qua lăng kính "Hôm nay tôi có thể mua cái này không?" Nếu câu trả lời thường xuyên là "Có", thì anh ta sẽ không bao giờ tiêu lạm vào ngân sách trong tháng đó.
Trong khi đó, một người khác có thể thấy cô ta cần nghĩ về thứ tự ưu tiên hàng tháng, hoặc hàng quý. Cô có thể thấy khó khăn khi phải tự nấu ăn và ăn ngoài khá nhiều. Miễn là cô không tiêu vượt quá ngân sách dành cho việc ăn uống trong tháng đó (hoặc 3 tháng liền), thì hệ thống này có tác dụng, bất kể chi phí của mỗi bữa ăn là bao nhiêu.
Cerf thừa nhận là phương pháp này cần phải có thời gian làm quen, nhưng ông khuyến khích mọi người suy nghĩ như một nhà khoa học và thử nghiệm với nhiều thời gian biểu khác nhau.
Phương pháp này bắt nguồn từ nghiên cứu cho thấy việc đưa ra quyết định có thể tốn rất nhiều công sức. Mỗi ngày, người trưởng thành phải đưa ra hàng chục ngàn quyết định, chỉ riêng 200 trong số đó đã liên quan đến việc ăn uống. Cerf khẳng định cách tốt nhất để tối ưu hóa mức độ thỏa mãn là đưa ra những quyết định cấp cao sáng suốt hơn nhằm loại trừ những quyết định nhỏ hơn.
Một cách khác là tỏ ra chủ động kiểm soát những đối tượng mà mình tiếp xúc. Nghiên cứu của Cerf cho thấy hoạt động não bộ của 2 người trở nên giống nhau khi có sự xuất hiện của cả 2 người. Kết quả này cho thấy người ta có thể dễ dàng đạt được mục tiêu hơn nếu tiếp xúc nhiều hơn với những người đã thành công với cùng mục tiêu đặt ra.
Vì tiền bạc thường là điều gây phiền nhiễu cho nhiều người, nên Cerf nhận thấy con người cần có một cách để ít phải đưa ra các quyết định liên quan đến tiền bạc hơn.
Đặt ra một lịch trình cơ bản cho việc chi tiêu sẽ loại bỏ được những quyết định nhỏ nhặt hơn. Thay vì băn khoăn không biết liệu bạn có đủ khả năng chi trả cho một thứ gì đó từng ngày (hoặc thậm chí từng giờ), Cerf gợi ý là hãy suy nghĩ trước về việc đó và thanh thản sống với ít nỗi lo về tiền bạc hơn.
Theo Doanh nhân Sài gòn