Muôn kiểu… trừ tiền thu nhập của công nhân

Theo báo cáo Tiền lương không đủ sống và hệ lụy (nghiên cứu một số DN may xuất khẩu ở Việt Nam) của tổ chức Oxfam, hiện nay, công nhân trong ngành may xuất khẩu đang bị khấu trừ thu nhập ở rất nhiều khoản nếu họ vi phạm.

Muôn kiểu… trừ tiền thu nhập của công nhân - 1

Cùng với lương thấp, nhiều CN trong ngành may còn bị nguy cơ trừ vào nhiều khoản tiền lương nếu họ vi phạm. Ảnh minh họa. 

Theo báo cáo Tiền lương không đủ sống và hệ lụy (nghiên cứu một số DN may xuất khẩu ở Việt Nam) của tổ chức Oxfam, hiện nay, công nhân trong ngành may xuất khẩu đang bị khấu trừ thu nhập ở rất nhiều khoản nếu họ vi phạm.

Theo báo cáo này, hầu hết các Cty và quản lý của các Cty được phỏng vấn đều nói rằng, lo lắng nhất của họ là khi CN nghỉ việc, vì ảnh hưởng đến sản xuất. Theo quy định của pháp luật, trong mục quy định về “nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm” và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại”, thời gian nghỉ phép năm đối với ngành may là 14 ngày/năm.

Tuy nhiên, khá nhiều DN vi phạm quy định này và thường chỉ cho NLĐ nghỉ 12 ngày phép năm. Một phần ba số Cty được khảo sát xác nhận việc này.

Chiến dịch thanh tra 152 DN may của Bộ LĐTBXH cho thấy 23,7% DN không thực hiện đúng quy định về nghỉ hàng tuần, nghỉ lễ, nghỉ hàng năm và nghỉ việc riêng có lương của NLĐ. Một quản lý sản xuất nói với đoàn khảo sát:

“Nghỉ phép bị giới hạn vào mùa cao điểm. Những sự việc đột xuất, nghiêm trọng hoặc cực kỳ quan trọng thì CN mới được nghỉ”.

Nếu muốn nghỉ phép, CN phải xin phép và phải gặp trực tiếp quản lý để xin phép trước, không được xin phép qua điện thoại. Có CN có việc gia đình đột xuất, thậm chí có CN chóng mặt không đến được công ty, không trực tiếp được gặp quản lý để xin phép, ngày nghỉ đó không được tính là ngày nghỉ phép và bị trừ lương.

Không chỉ vậy, tiền chuyên cần được trả cho CN hàng tháng để khuyến khích CN đi làm đầy đủ, nhưng tại 1 Cty được khảo sát, chỉ cần nghỉ 2 ngày, thậm chí chỉ nghỉ 1 ngày là mất toàn bộ tiền chuyên cần. Nhiều CN đăng ký nghỉ phép, song vì phải hoàn thành công việc, họ không được sử dụng ngày phép của họ. Ở một Cty, trong CN xuất hiện khái niệm “bán phép” nghĩ là khi tổ/chuyền chưa hoàn thành định mức trong tuần/tháng, tổ trưởng yêu cầu CN làm thêm giờ và bán phép năm của mình cho Cty, có nghĩa là họ “bất đắc dĩ tự nguyện” không nghỉ phép năm. Nếu CN nghỉ quá 12 ngày phép năm, họ sẽ bị trừ thu nhập.

Ngoài ra, có nhiều quy tắc nội bộ khác của Cty nếu CN vi phạm, họ sẽ bị khấu trừ thu nhập: Nghỉ ốm tối đa 6 ngày trong năm, nếu nghỉ đến ngày thứ 7 không xin phép bị trừ 10% hưởng cuối năm; nghỉ 1 ngày không xin phép trừ 10% lương tháng; hai lần quên quẹt thẻ chấm công bị trừ 150.000 đồng; nếu không đạt định mức, sản phẩm bị lỗi phải sửa lại, vi phạm nội quy, quên dọn vệ sinh, quên chốt sản lượng  trong ngày, nghỉ quá phép… sẽ bị xếp lại B hoặc C và bị trừ tiền thưởng cuối năm; nếu nghỉ hai ngày, dù có phép vẫn bị trừ 100% tiền chuyên cần; mang đồ ăn vào xưởng bị trừ lương hoặc trừ thưởng cuối năm…

“Tết chỉ được có một tháng lương, nhưng vi phạm trong năm, có người bị trừ gần hết”- một công nhân đau xót nói với nhóm khảo sát.

Oxfam cùng với Viện Công nhân- Công đoàn thực hiện phỏng vấn hơn 88 công nhân ở 6 nhà máy trong lĩnh vực may mặc thuộc 4 vùng lương, 6 cuộc thảo luận nhóm ở nhà máy, 67 cuộc phỏng vấn sâu, trong đó có 14 chuyền trưởng, 5 quản lý cấp cao, 38 cán bộ công đoàn, 6 cán bộ Sở Lao động Thương binh Xã hội; 1 cán bộ Bộ Lao động Thương binh Xã hội, 2 thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia và 1 chuyên gia tiền lương, cùng với 14 nghiên cứu tình huống điển hình.

Theo Quế Chi/Báo Lao động