1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Mức lương tối thiểu và đời sống công nhân: Không làm thêm thì đói!

Với đồng lương không đủ sống, nhiều công nhân (CN) không chỉ “tình nguyện” tăng ca đến tận đêm khuya, mà còn phải xoay xở kiếm việc làm thêm bên ngoài, từ bán nước mía, bán tạp hóa… để có thêm thu nhập lo cho cuộc sống còn thiếu thốn đủ bề. Họ đâu muốn phải như vậy, nhưng nếu không làm thêm sẽ đói!

Tan ca, nữ công nhân làm việc tại KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội) vừa phải đón con, đi chợ (chụp lúc 17h30 ngày 17.8.2015 tại thôn Bầu, Kim Chung, Đông Anh). Ảnh: KỲ ANH
Tan ca, nữ công nhân làm việc tại KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội) vừa phải đón con, đi chợ (chụp lúc 17h30 ngày 17.8.2015 tại thôn Bầu, Kim Chung, Đông Anh). Ảnh: KỲ ANH

Ngày làm công nhân, đêm bán mía

Tôi gặp anh Bùi Xuân K (CN Cty TOTO, KCN Bắc Thăng Long, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội) không phải đang ở công xưởng mà là khi anh đang tất tả… xay nước mía cho khách dưới chân cầu Thăng Long. Dưới tiết trời nóng nực, anh phải luôn chân luôn tay lo đồ uống cho khách, mồ hôi túa ra như tắm. Anh K quê ở Vĩnh Phúc.

Thu nhập của anh, kể cả tăng ca, một tháng không quá 5 triệu đồng. Chưa có vợ, con, nhưng với số tiền trên, anh phải chi cho rất nhiều khoản. Anh thuê nhà hết 500.000 đồng/tháng, 80.000 đồng tiền nước/tháng, rồi tiền điện, tiền ăn uống, sinh hoạt hằng ngày…, phải chắt bóp lắm, một tháng anh mới dành dụm được khoảng 1,5 triệu đồng. Đấy là không ốm đau, không có hiếu, hỉ.

Nếu có, tháng ấy anh “cháy túi”. Anh có ý định làm thêm từ lâu, nhưng không kiếm đâu ra việc.

4 tháng nay, anh K may mắn kiếm được việc làm thêm là bán nước mía dưới chân cầu Thăng Long. Nói may mắn, bởi khu vực chân cầu Thăng Long vẫn được mặc định là “địa bàn” của cư dân nơi đây, không có phần cho những CN ngoại tỉnh như anh. Người quen của anh K bán nước mía nhiều năm nay ở địa điểm này, do phải đi làm công việc khác nên chuyển nhượng suất bán nước mía cho anh K.

Một tháng anh K phải trả cho người quen này 500.000 đồng. Cứ từ 17h, sau khi cởi bỏ đồng phục CN, anh lại kéo chiếc xe với máy xay nước mía, bàn ghế, cây mía… ra gầm cầu. Đến 22h, anh mới thu dọn quán. Một mình anh phải lo tất cả, từ ép mía, bưng bê cho khách đến thu tiền, nên hầu như lúc nào cũng luôn chân luôn tay.

“Mỗi tối, tôi bán được 200.000 đồng tiền hàng, lãi khoảng hơn 100.000 đồng. Có những ngày nắng nóng kiếm được nhiều hơn, nhưng rất hãn hữu, còn trời mưa coi như “móm”. Nếu dính mưa 3 ngày liên tục, có bán cả tuần cũng không gỡ lại vốn. Trừ chi phí, công việc này cũng chỉ đủ tiền sinh hoạt hằng ngày, giúp tôi dành dụm được thêm chút đỉnh để còn lo cho nhiều chuyện sau này” - anh K chia sẻ.

Kiếm thêm chỉ đủ trả tiền nhà trọ!

Với mức lương hơn 4 triệu đồng/tháng, chị Ngọc Vân - CN Cty TNHH PouYuen Việt Nam, Q.Bình Tân, TPHCM - phải tranh thủ làm thêm mới có thể xoay xở cho cuộc sống của gia đình. Nhà ở Long An, nhiều năm nay, chị thức dậy từ 3h sáng để đón xe của Cty lên TPHCM làm việc.

Chồng làm “thợ đụng”, ai thuê gì làm đó, thu nhập không đáng kể nên chị phải gồng gánh chi phí sinh hoạt của gia đình. “Con đầu chuẩn bị đi học lớp mẫu giáo, trong khi đứa con nhỏ mới được vài tháng, tôi muốn tăng ca để có thêm tiền cũng không được, vì phải về sớm với con” - chị bộc bạch.

Từ nhiều năm nay, chị nhận đặt trái cà na ngâm cho anh chị em CN ở Cty. Chiều về đến nhà đã hơn 21h, cơm nước xong, chị qua chỗ mối quen lấy cà na ngâm, chia làm nhiều túi nhỏ để sáng mai lên trước cổng Cty bán. “Hôm nào “đắt” người mua cũng lời được 15.000 - 20.000 đồng, đủ ăn sáng cho các con” - chị Vân chia sẻ.

Không chỉ bán trái cà na ngâm, chị còn kết hợp với một đồng nghiệp đang thuê trọ gần Cty bán trà đá đường vào mỗi buổi sáng. “Từ Long An mang trà đá đường lên tới Cty thì hỏng hết, nên tôi góp tiền với một đồng nghiệp, chị ấy nấu trà, pha đường, bỏ đá, rồi cho vào từng túi để bán. Mỗi túi trà như vậy là 3.000 đồng, mỗi ngày hai chị em bán được 20-30 túi, lời thêm được 10.000 đồng.

Chịu khó một chút, mỗi tháng kiếm thêm từ 500.000 - 600.000 đồng, nếu ở trọ cũng đủ trả tiền phòng trọ, nếu đi xe buýt đi làm như tôi có thêm cho con được hộp sữa. Chỉ sợ những ngày mưa gió không bán được thôi” - chị Vân chia sẻ.

Để tăng thêm thu nhập, chị Thúy Hà (làm việc tại Cty PouYuen Việt Nam) nhận bán hàng tạp hóa cho người chị họ vào mỗi ngày trước cổng Cty. “CN đi làm tối ngày, không có thời gian để đi chợ nên mình đem hàng đến tận cổng Cty để bán, vừa tiện cho CN, công việc của mình cũng không bị ảnh hưởng, lại có thêm thu nhập” - chị Hà chia sẻ.

Mỗi sáng, vợ chồng người chị họ của chị Hà chở các mặt hàng từ giấy vệ sinh, tất tay chân, bông ngoáy tai đến áo quần trẻ con đến cổng Cty, chị Hà tranh thủ đến sớm, dọn hàng rồi phụ bán. “5h30 mỗi ngày là tôi đến Cty, vừa bán hàng, vừa ăn sáng, sau đó vào làm việc. Mỗi ngày phụ bán gần 1 giờ, tôi được trả 15 - 20 nghìn đồng.

“Bèo” lắm mỗi tháng tôi cũng kiếm thêm được 400.000 đồng, đủ để trả tiền nhà trọ. Những ngày đầu có hơi buồn ngủ vì dậy sớm, bởi tính ra mỗi ngày mình làm việc phải 9 - 10 tiếng đồng hồ, chưa kể tăng ca ở Cty. Nhưng có được việc như vậy là may, lương thấp thì mình phải cố gắng nhiều hơn” - chị Hà chia sẻ.

Theo Laodong.com.vn