Thanh Hóa:
Mùa sứa, ngư dân thu tiền triệu mỗi ngày
(Dân trí) - Từ cuối tháng Giêng đến tháng 4 Âm lịch hàng năm, ngư dân Thanh Hóa lại tất bật vào mùa thu hoạch sứa biển. Mỗi chiếc thuyền ra khơi mang về hàng tấn sứa, cho thu nhập tiền triệu mỗi ngày.
Sau Tết Nguyên đán chừng một tháng là đến mùa sứa biển, hàng trăm hộ ngư dân ở Thanh Hóa dồn nhân lực, tập trung khai thác, chế biến sứa.
Mùa sứa biển ở Thanh Hóa bắt đầu từ cuối tháng Giêng đến tháng 4 Âm lịch. Vì vậy, thời điểm này, ngư dân ở các địa phương ven biển xứ Thanh như Quảng Xương, Hoằng Hóa, thành phố Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn... bắt đầu mùa khai thác sứa.
9h sáng tại cửa biển xã Quảng Hải (huyện Quảng Xương), những chiếc thuyền trở về sau chuyến ra khơi với hàng trăm con sứa. Số "lộc biển" này, trừ chi phí, ngư dân có thể thu về tiền triệu.
Theo ngư dân, các thuyền thường ra khơi từ 4h sáng để kịp giờ con nước lên, ra cách bờ từ 6 - 12 hải lý thì bắt đầu thả lưới và trở về bờ lúc 8 - 9h sáng cùng ngày.
Vào mùa sứa, các gia đình đều huy động hết nhân lực, phương tiện để chở và sơ chế sứa ngay tại bãi biển. Ngoài tôm, cá, ghẹ… sứa là mặt hàng đem lại thu nhập khá cao cho ngư dân.
Ông Đới Ích Khải (xã Quảng Hải, Quảng Xương) cho biết, một mẻ lưới có thể kéo được khoảng chục con sứa với nhiều kích cỡ khác nhau. Thu hoạch sứa khá mất sức vì sứa mang theo cả nước biển nên rất nặng, trung bình mỗi con nặng khoảng 10 - 20 kg, có con to lên đến 60 kg.
"Năm nay mới chỉ bắt đầu vào mùa, mỗi chuyến có thể kiếm được 500 nghìn đến một triệu đồng, tuy nhiên vài hôm nữa, số lượng sứa bắt được có thể sẽ nhiều hơn. Như năm ngoái, vào chính vụ, mỗi ngày thuyền tôi cũng kiếm được 2 - 3 triệu đồng", ông Khải cho biết thêm.
Ông Phạm Văn Thanh (xã Quảng Hải) chia sẻ: "Giá sứa đầu mùa đang được thu mua từ 10 - 20 ngàn đồng/con tùy kích cỡ. Mỗi bè đi đánh bắt sứa gồm 2 người, mỗi chuyến đánh bắt được từ vài chục con đến cả trăm con nếu gặp đúng đàn sứa. Ngày ít thì cũng được 500.000 - 700.000 đồng, tuy nhiên có ngày "trúng quả" có thể thu vài triệu đồng là bình thường".
Sau khi cập bờ, ngoài việc nhập sứa cho các đại lý chuyên chế biến số lượng lớn để làm sứa khô. Những bè đánh bắt được ít, ngư dân sẽ sơ chế sứa ngay trên biển để chuyển đến những quán ăn hoặc bán sứa tươi cho người dân trong vùng.
"Sau đánh bắt, chế biến sứa là một khâu rất quan trọng, nếu làm không sạch thì chất nhầy trên cơ thể con sứa khiến người ăn bị ngứa và dị ứng.
Việc sơ chế sứa được làm theo từng công đoạn tuần tự, người dân sẽ phân loại ra chân và thân sứa. Riêng phần chân sứa, mỗi con có kích thước khác nhau, đây là bộ phận ngon và có giá trị nhất của con sứa, người làm phải biết lựa để cắt, không để bị vụn", chị Lê Thị Tuyến (xã Quảng Đại, thành phố Sầm Sơn), một thương lái thu mua cho biết.
Cũng theo thương lái này, sứa phải được sơ chế khi đang tươi mới đảm bảo chất lượng lúc ra thành phẩm. Sau khi được làm sạch nhớt, sứa cần ngâm muối khoảng một tuần cho đến khi không còn mùi tanh và độ mặn vừa phải. Trong quá trình ngâm sứa, người thợ phải liên tục kiểm tra độ mặn của bể muối, miếng sứa đạt tiêu chuẩn phải đảm bảo được độ trong suốt, cứng, giòn.
Theo ngư dân, năm nay sứa biển được mùa. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên vài năm nay không thể xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Thái Lan... mà chỉ tiêu thụ ở thị trường trong nước, sức mua cũng giảm hẳn đi.
Ông Nguyễn Văn Dạn, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Hải cho biết, toàn xã có 115 bè mảng công suất từ 24 - 30CV đang hoạt động, chủ yếu khai thác cá trích, moi, sứa biển; thu hút khoảng 365 lao động trực tiếp đánh bắt và hàng nghìn lao động phục vụ hậu cần nghề cá. Vào đầu năm, ngư dân thường thu hoạch cá trích, moi, sau đó đến mùa thu hoạch sứa. Hiện tại mới là đầu mùa sứa nhưng nguồn lợi hải sản này cũng mang lại cho ngư dân thu nhập khá.