Một năm, hơn 100 lao động Việt Nam chết ở Malaysia: Quốc hội sẽ vào cuộc
Thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN), từ tháng 4/2002 đến nay đã có hơn 300 trường hợp người lao động VN chết tại Malaysia.
Qua khảo sát của PV, để được đi xuất khẩu lao động tại Malaysia, người lao động phải chi ra 18-19,5 triệu đồng cho các công ty môi giới, trong khi đó thu nhập bình quân của họ là khoảng 2,5 triệu đồng. Với thu nhập như trên, họ phải mất 1/3 thời gian trong hợp đồng lao động (thời hạn ba năm) để trả nợ.
Tiến sĩ Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội - đã phân tích khá cụ thể trong cuộc trao đổi với PV. “Tôi giật mình khi biết con số người lao động VN chết tại Malaysia. Bởi khi còn làm chánh thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, tôi chưa bao giờ thấy Cục QLLĐNN báo cáo chuyện này. Số người chết chắc chắn còn lớn hơn bởi có nhiều lao động đi theo đường bất hợp pháp hay theo đường du lịch rồi trốn ở lại”, ông cho biết.
Luật Malaysia còn nhiều hạn chế
Việc bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động ở Malaysia còn nhiều hạn chế. Chính phủ nước này ủy quyền cho các doanh nghiệp tự kiểm soát dịch chuyển công việc của lao động nhập cư. Chính sách xuất nhập cảnh và các hợp đồng lao động tư nhân lại cấm quyền được lập hội hoặc tham gia hiệp hội. Điều này trái với luật lao động của Malaysia và trái với tiêu chuẩn lao động cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).
Lao động nhập cư ở Malaysia phải đối mặt với việc bị không trả lương, giảm lương theo luật và các vi phạm hợp đồng khác; lao động nữ phải chịu đựng bạo lực và ngược đãi; khi xảy ra tranh chấp, bên sử dụng lao động thường tùy tiện bãi bỏ giấy phép lao động của lao động nhập cư...
Nhà nước hiện nay mới chỉ có chính sách ưu tiên đào tạo hướng nghiệp và hướng dẫn cho người lao động nên đi nước nào thôi. Theo tôi, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ bằng cách mua bảo hiểm thân thể toàn diện cho họ để phòng khi xảy ra rủi ro. Quy định này đã có từ lâu nhưng thực tế chẳng doanh nghiệp nào mua cả.
Theo luật pháp Malaysia, người lao động trong nước và lao động nhập cư được bảo vệ như nhau. Khi người lao động gặp rủi ro, các doanh nghiệp sử dụng lao động sẽ có tiền đền bù nhất định. Ngoài ra, doanh nghiệp môi giới cũng hỗ trợ một số tiền nhất định nữa cho gia đình người tử nạn.
Về việc nhiều gia đình có con em tử nạn nói rằng họ chưa hề biết đến số tiền đó, chúng ta cũng cần làm rõ. Nếu chết do nguyên nhân từ phía doanh nghiệp thì doanh nghiệp đó phải có trách nhiệm đền bù. Nhưng nếu nguyên nhân do người lao động thì họ sẽ không được hưởng gì cả.
Do chưa có một tổ chức công đoàn để bảo vệ quyền lợi cho người lao động nhập cư. Và khi lao động chết, chẳng ai chịu trách nhiệm đi tìm rõ nguyên nhân để đòi hỏi quyền lợi cho gia đình họ cả.
Việc kiểm tra y tế lỏng lẻo dẫn đến người lao động bị đột tử vì bệnh tật có sẵn, trách nhiệm thuộc về cơ quan y tế. Công ty môi giới xuất khẩu lao động cũng phải chịu trách nhiệm vì đã không kiểm tra cẩn thận.
Sẽ chất vấn bộ trưởng LĐ-TB&XH
Cục QLLĐNN cũng chỉ có chức năng tìm kiếm thị trường, định hướng cho lao động và thẩm định về mức lương tối thiểu, điều kiện làm việc, ngành nghề phù hợp; kiểm tra, giám sát và đôn đốc việc xử lý của các DN môi giới này đối với người lao động.
Tuy nhiên, nếu một thị trường lao động mà có nhiều người chết trong một năm như Malaysia thì Cục sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới là đã không giám sát, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động.
Theo tôi, Quốc hội nên có yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo các cơ quan chức năng phải kiểm tra, đánh giá nguyên nhân. Thậm chí rất cần chất vấn trước Quốc hội tất cả vấn đề đó.
Tôi sẽ bàn bạc với Ủy ban Các vấn đề xã hội để có văn bản yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH kiểm tra và báo cáo. Sau khi xem xét, chúng tôi sẽ cho chất vấn bộ trưởng ngay tại cuộc họp Thường vụ QH. Chúng ta phải sớm ngăn chặn và tìm ra nguyên nhân để khắc phục. Cơ quan chức năng phải chấn chỉnh ngay các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, theo dõi điều kiện làm việc của lao động. Nơi nào sử dụng lao động không đảm bảo các điều kiện trong hợp đồng phải có kiến nghị để chuyển lao động làm công việc phù hợp hơn. Đặc biệt, không để lao động làm việc quá sức của mình.
Chúng ta vẫn có thể tìm thêm nhiều thị trường mà ở đó quyền lợi người lao động được bảo đảm hơn. Bộ LĐ-TB&XH phải yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu lao động tổng kiểm tra tất cả số người lao động đang làm việc không chỉ ở Malaysia mà ở tất cả các nước đang có người Việt Nam làm việc.
Nhà nước cũng nên coi đây là thiên tai, tai nạn nghề nghiệp để có thêm hỗ trợ. Cục QLLĐNN nên đề nghị với Bộ trích từ quỹ rủi ro trong xuất khẩu lao động cho những gia đình này.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình: Tôi xót xa và phẫn nộ!
Chiều nay, tôi vừa gọi điện thoại cho chị Ngân (Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH) hỏi có biết thông tin này không. Chị ấy nói với tôi có biết và đang chỉ đạo kiểm tra.
Thật sự, tôi rất đau lòng và đã phẫn nộ. Dân mình sang xứ người là để có công ăn việc làm, có thêm thu nhập, tại sao họ phải chịu những cái chết đau đớn, xót xa như vậy? Tại sao tình trạng lao động chết đã xảy ra từ năm 2004 nhưng đến nay vẫn tiếp diễn, vẫn chưa có biện pháp cụ thể nào để hạn chế?
Tình trạng khổ cực của lao động VN ở nước ngoài, kể cả bị chết đâu phải bây giờ mới xảy ra. Trước đây tôi đã từng gọi cho chị Hằng (nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH) hỏi nguyên nhân, giải pháp. Chị Hằng có hứa với tôi sẽ lưu ý và xử lý thật nặng các doanh nghiệp đưa người đi nước ngoài rồi “đem con bỏ chợ”, làm ẩu, cũng như các vấn đề liên quan đến quyền lợi người lao động.
Quan điểm của tôi là Bộ LĐ-TB&XH cần xem xét một cách nghiêm túc và nhanh chóng có các giải pháp khắc phục, giảm thiểu tình trạng lao động VN chết ở Malaysia, cũng như bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho họ.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH: Có những vấn đề quá tầm của chúng tôi
Những thông tin trên báo chí là đúng sự thật, đặc biệt là thống kê về con số lao động VN chết tại Malaysia.
Cục QLLĐNN luôn xác định đã đưa người lao động đi nước ngoài là phải đảm bảo mọi quyền lợi hợp pháp và sinh mạng cho họ. Tuy nhiên, tình trạng báo chí phản ánh là những vấn đề mang tính rủi ro và có thể rủi ro này cao hơn mức bình thường. Chúng tôi đã làm hết trách nhiệm, đã chỉ đạo các doanh nghiệp và người lao động thực thi đúng quy định luật pháp của VN và nước bạn, kiểm tra rất gắt gao về năng lực đưa người đi xuất khẩu lao động của các doanh nghiệp.
Trước đây, khi có thông tin về tình trạng lao động chết do không đủ các điều kiện về sức khỏe, chúng tôi đã đề nghị Bộ Y tế thực hiện việc khám sức khỏe kỹ lưỡng hơn, thậm chí còn có văn bản đề nghị những bệnh viện nào mới đủ điều kiện để kiểm tra sức khỏe cho lao động.
Có một thực tế là đi xuất khẩu lao động tại Malaysia chỉ có thu nhập thấp, rủi ro cao. Vậy đặt vấn đề là có nên đưa lao động đi hay không? Chúng tôi không ép buộc ai cả mà đây là nhu cầu của bản thân người lao động. Và những rủi ro xảy ra là điều không ai mong muốn.
Về tình trạng lao động VN chết tại Malaysia do bị sát hại, chúng tôi nhận được khá nhiều thông tin và đã báo cáo với Bộ LĐ-TB&XH, với Chính phủ, Bộ Công an... Tuy nhiên, trong thực thi giải pháp vẫn còn những vướng mắc mà ở cấp của chúng tôi không thể giải quyết được. |
Theo Thái Sơn - Tố Như
Pháp luật TPHCM