1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Món bánh tiến vua thành đặc sản nổi tiếng giúp dân quê kiếm tiền đều tay

Thanh Tùng

(Dân trí) - Từng dùng để dâng lên vua, bánh răng bừa ngày nay là đặc sản nổi tiếng ở xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Nhiều năm qua, nhờ làm bánh "tiến vua", người dân nơi đây có thu nhập ổn định.

Nhắc đến bánh lá răng bừa là nhắc đến món đặc sản nổi tiếng ở làng Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân. Nhiều năm qua, người dân nơi đây vẫn lưu giữ cách làm món ăn truyền thống này, thậm chí nhiều hộ còn "sống khỏe", có thu nhập ổn định.

Chị Đỗ Thị Thương (SN 1989, người dân làng Trung Lập) cho biết, gia đình chị đã có truyền thống 4 đời làm bánh răng bừa. Theo chị Thương, bánh lá răng bừa có nguồn gốc từ nghi lễ Tịch điền của vua Lê Đại Hành xưa kia.

Món bánh tiến vua thành đặc sản nổi tiếng giúp dân quê kiếm tiền đều tay - 1

Bánh răng bừa trở thành đặc sản nổi tiếng Thanh Hóa (Ảnh: Thanh Tùng).

"Sau khi dẹp xong giặc Tống, đất nước thái bình, cứ vào dịp đầu xuân năm mới, vua Lê Đại Hành lại đích thân xuống đồng cày ruộng để mở đầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, động viên nhân dân tích cực lao động sản xuất.

Để tỏ lòng biết ơn, sau này, người dân làng Trung Lập đã góp những hạt gạo ngon nhất và thịt lợn để làm nên một loại bánh với hương vị riêng dâng lên vua. Hình dáng chiếc bánh được làm giống chiếc răng bừa", chị Thương nói.

Theo chị Thương, đến nay, vào mỗi dịp lễ, Tết, đám cưới, bánh răng bừa còn là một trong những món không thể thiếu trong mâm cỗ ở làng Trung Lập.

"Sau nhiều năm lưu truyền, bánh răng bừa đã trở thành món ăn đặc sản. Vài năm trở lại đây, bánh răng bừa được nhiều thực khách yêu thích, đặt mua. Nhờ đó mà không ít hộ dân ở xã Xuân Lập đã mở rộng quy mô, kinh doanh làm bánh", chị Thương chia sẻ.

Món bánh tiến vua thành đặc sản nổi tiếng giúp dân quê kiếm tiền đều tay - 2

Để làm ra bánh răng bừa phải trải qua nhiều công đoạn (Ảnh: Thanh Tùng).

Hiện ở làng Trung Lập có hơn 200 hộ dân giữ nghề truyền thống làm bánh răng bừa. Trong đó có gần 20 hộ dân làm với quy mô lớn, mỗi năm sản xuất hàng triệu cái bánh bán ra thị trường, đem lại nguồn thu nhập khoảng 200 triệu đồng/hộ.

"Hiện nay có nhiều địa phương khác ở tỉnh Thanh Hóa làm bánh răng bừa, nhưng bánh răng bừa ở làng Trung Lập có hương vị và đặc trưng riêng nên nhiều người yêu thích", chị Thương chia sẻ.

Nói về quy trình làm bánh, chị Thương cho biết để làm ra chiếc bánh thơm ngon thì phải trải qua nhiều công đoạn, từ chuẩn bị lá, gạo xay, nhân bánh đến gói bánh.

Lá dùng để gói bánh răng bừa là lá cây chuối hột, nhân bánh được làm bằng thịt lợn nạc kết hợp với hành khô. Một nguyên liệu tạo nên thương hiệu của bánh lá răng bừa làng Trung Lập là gạo 13/2. Đây là loại gạo truyền thống của làng.

"Gạo 13/2 là loại gạo có thời gian sinh trưởng lâu, được trồng ở làng Trung Lập từ xa xưa. Loại gạo này có độ dẻo nhưng không ngậy như gạo nếp. Gạo sau khi xay xát được ngâm nước 3-4 giờ đồng hồ, sau đó vò kĩ và nghiền thành bột nước đặc sệt rồi đem đi gói bánh. Trung bình mỗi người thợ sẽ gói được 300-500 bánh mỗi ngày", chị Thương nói.

Theo chị Thương, thông thường, chiếc bánh răng bừa sau khi hoàn thiện được đem đi luộc trong 3 giờ mới sử dụng được. Đối với những chiếc bánh bảo quản đông lạnh, phải luộc 5-6 giờ.

Món bánh tiến vua thành đặc sản nổi tiếng giúp dân quê kiếm tiền đều tay - 3

Gạo 13/2, loại gạo đặc sản ở làng Trung Lập (Ảnh: Thanh Tùng).

"Bánh bảo quản đông lạnh có thể để được 60 ngày. Việc bảo quản này cũng xuất phát từ nhu cầu của người tiêu dùng. Nhiều người ở xa, nếu muốn ăn bánh răng bừa có thể mua hàng đông lạnh để bỏ tủ, ăn dần", chị Thương nói.

Ông Tống Cảnh Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, cho biết bánh lá răng bừa được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao (chương trình mỗi xã một sản phẩm). Hiện, địa phương đã hoàn tất các thủ tục, hồ sơ công nhận bánh lá răng bừa Xuân Lập là sản phẩm OCOP 4 sao.

Theo ông Tiến, bánh lá răng bừa đang là sản phẩm giúp bà con nông dân có thêm thu nhập ổn định vào những lúc nông nhàn. Để lưu giữ sản phẩm truyền thống này, địa phương đã xây dựng làng nghề. Dự kiến, Xuân Lập sẽ gây dựng thêm vùng trồng giống gạo 13/2 để duy trì nghề làm bánh.