1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Người phụ nữ làm nghề "dọn dẹp nỗi buồn" người chết, thu tiền triệu mỗi giờ

Hạ Di

(Dân trí) - Khi người thân của khách hàng qua đời, người làm nghề "dọn dẹp nỗi buồn" ở Singapore sẽ giúp họ thu vén, xem giữ hay vứt bỏ những món đồ cụ thể của người quá cố.

Khi một người qua đời, gia đình thường không biết phải làm gì với chiếc cốc người thân thường dùng uống cà phê, bộ đồ ngủ vẫn còn ám mùi thân thuộc, chiếc điện thoại di động và những cuốn sách người đã khuất yêu thích.

Giữ hoặc bỏ một món đồ nào đó của người quá cố luôn là một quyết định khó khăn. Bởi một khi bỏ đi món đồ nào đồng nghĩa với việc xóa cả những kỷ niệm về thân nhân.

Người phụ nữ làm nghề dọn dẹp nỗi buồn người chết, thu tiền triệu mỗi giờ - 1

Martini Constance Lim, chuyên gia "dọn dẹp nỗi buồn" sau sự ra đi của một người (Ảnh: CNA).

Mỗi khi có ai gặp phải khó khăn này, Martini Constance Lim (43 tuổi, sống tại Singapore) sẽ đưa ra giải pháp cho họ. Lim rất thích giữ mọi thứ ngăn nắp, đến mức cô quyết định theo đuổi công việc kinh doanh, chuyên giúp khách hàng sắp xếp không gian sống.

Trong đó, "dọn dẹp nỗi buồn" là một dịch vụ đặc biệt Lim cung cấp. Thực hiện dịch vụ này, cô Lim sẽ phân loại đồ đạc của người mất và tư vấn cho người thân của họ nên giữ hay bỏ món nào.

Cách làm việc của Lim sẽ dựa trên nguyên tắc KonMari, được truyền đạt từ chuyên gia dọn dẹp nổi tiếng người Nhật, Marie Kondo. Các nguyên tắc KonMari yêu cầu người dọn dẹp phải có khả năng tự phản ánh, chiêm nghiệm và buông bỏ những gì không mang lại niềm vui cho khách hàng.

"Công việc "dọn dẹp nỗi đau buồn" không chỉ đơn thuần là gấp và cất đồ đạc của người quá cố, mà còn trở thành người đồng hành với người thân của họ. Tôi giúp người sống đối mặt với cảm xúc đau buồn, sợ hãi sau cái chết của người thân, sớm vượt qua nỗi đau buồn. Điều đó không hề dễ dàng nhưng tôi giúp người sống hiểu rằng cần phải hướng đến phía trước", cô Lim chia sẻ.

Người phụ nữ làm nghề dọn dẹp nỗi buồn người chết, thu tiền triệu mỗi giờ - 2

Chuyên gia khuyên rằng không nên giữ lại tất cả kỷ vật của người quá cố để tránh cảm giác đau buồn (Ảnh: CNA).

Đối với một số người, quá trình chữa lành có thể mất nhiều thời gian hơn. Lim kể, từng có 1 khách hàng đã phải đợi 2 năm ngày cha mất mới dám tìm đến cô nhờ giúp đỡ.  

"Trong suốt 2 năm, chàng trai ấy đã chọn đối diện, chịu đựng nỗi buồn mỗi ngày và nghĩ rằng sẽ vượt qua được. Tuy nhiên, mỗi ngày, khi nhìn những đồ vật mà cha để lại, anh càng lún sâu vào nỗi buồn. Chàng trai muốn bỏ bớt kỷ vật của cha nhưng không tài nào chọn được món có thể đem đi", Lim cho hay.

Người phụ nữ làm công việc đặc biệt phân tích, khi một người giữ lại quá nhiều đồ vật của người quá cố, họ sẽ cảm thấy gánh nặng về thể chất và tinh thần khi phải nhìn thấy món kỷ vật mọi lúc.

"Có nhiều cách để tưởng nhớ người đã khuất, không nhất thiết phải giữ lại tất cả đồ đạc của họ", cô Lim nói.

Cô thường khuyên khách hàng của mình nên chuẩn bị một chiếc hộp ký ức, sau đó bỏ một số món đồ gợi nhớ ký ức vui với người thân quá cố và chỉ mở nó ra khi cần thiết. Hộp ký ức ấy vừa giúp họ giữ được kỷ niệm với người thân, vừa tránh được việc lúc nào cũng nhìn thấy nó, gợi ý thức về sự mất mát và cảm giác đau buồn.

Theo nữ chuyên gia, trung bình mỗi buổi dọn dẹp kéo dài khoảng 5-6 giờ, công việc thường mất 4-5 buổi. Tuy nhiên, đối với những trường hợp đặc biệt, cô Lim chỉ cần dành ra 3-12 giờ để hoàn thành. Mức phí cho dịch vụ này được tính là 1,5 triệu đồng/giờ.

Theo cnalifestyle.channelnewsasia.com