Mời khách thăm vườn sen, lão nông xứ Quảng có tiền xây nhà khang trang
(Dân trí) - Cải tạo hơn 4.000m2 ruộng sau nhà, lão nông Trần Thanh Ba thả sen hồng, nuôi cá, làm cầu tre… thu hút khách bốn phương đến tham quan, trải nghiệm. Nhờ đó ông lại có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Khu sinh thái của gia đình ông Trần Thanh Ba (65 tuổi) nằm tại thôn Thi Thại (xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) rộng hơn 4.000m2, vào mùa sen nở rộ, ngày nào cũng có khách ghé thăm, đặc biệt các kỳ nghỉ lễ, dịp cuối tuần.
Ông Ba kể, cách đây gần 20 năm, nhận thấy công việc trồng lúa rất vất vả, thu nhập lại không cao, ông mạnh dạn chuyển đổi sang trồng sen lấy hạt. Ông Ba cho hay, trồng sen cho thu nhập cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa.
Năm 2019, được sự động viên của chính quyền địa phương, ông Trần Thanh Ba quyết định đưa cánh đồng sen thành khu sinh thái cho khách check-in, trải nghiệm.
Nhờ kinh nghiệm gần 20 năm trồng sen, ông nắm rõ kỹ thuật để sen nở rộ đúng dịp, rực rỡ sắc hồng. Ngoài ra, ông còn nuôi thêm cá, làm cầu tre, trồng dừa, tạo tiểu cảnh… để du khách thỏa thích chụp ảnh.
Thông thường từ tháng 11 âm lịch, ông Ba bắt đầu thả củ sen (tùy tình hình thời tiết mà lựa chọn thời điểm cấy sen thích hợp). Từ tháng 5 sen bắt đầu nở hoa, kéo dài khoảng 3-4 tháng.
"Một năm, chúng tôi nghỉ khoảng 3 tháng vào mùa bão lũ, đây cũng là thời gian cho đất nghỉ ngơi, tái tạo. Du khách đến đây không chỉ ngắm sen mà còn được ngắm cánh đồng lúa bát ngát xung quanh từ thời điểm gieo hạt đến thu hoạch…", ông Ba chia sẻ.
Cách thành phố Hội An chưa đầy 10km, khu sinh thái của gia đình ông Ba thu hút rất đông khách tại địa phương và từ Đà Nẵng vào; ngoài ra còn có khách nước ngoài cũng ghé tham quan. Cao điểm, mỗi ngày cơ sở đón hơn 100 lượt khách.
Khu sinh thái của gia đình ông Ba không bán vé mà chỉ bán nước uống, giá cả bình dân 10.000-29.000 đồng/món. Bên cạnh đó, hạt sen thu hoạch được ông chế biến thành món sữa sen.
Nhiều hình ảnh mô hình tham quan Sen House Garden Coffee & Tea của ông Trần Thanh Ba đã được đưa lên các trang mạng xã hội; nhờ thế lượt tương tác và lượng khách tìm đến ngày càng tăng, nguồn thu đem lại cho gia đình ông khá ổn định.
Nhờ có khu vườn sinh thái, ông Trần Thanh Ba không chỉ tạo việc làm cho các thành viên trong gia đình mà còn tạo việc làm thời vụ mỗi dịp lễ, Tết cho học sinh, sinh viên trên địa bàn.
Thời gian qua, nhiều nông dân ở huyện Duy Xuyên biến khung cảnh thơ mộng làng quê, cánh đồng thành điểm tham quan thú vị. Nông dân là chủ thể vừa sản xuất, vừa làm hướng dẫn viên du lịch phục vụ du khách thập phương trên chính mô hình của mình.
Tại huyện Duy Xuyên hiện có 25 hộ dân đầu tư làm du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.
Địa phương cũng có nhiều chính sách hỗ trợ người dân làm du lịch, tập huấn kỹ năng phục vụ khách, đưa bà con tham quan, học hỏi ở các địa phương khác.