Mở lại dịch vụ đưa khán hộ công gia đình và thuyền viên sang Đài Loan

(Dân trí) - Bộ LĐ-TB&XH vừa có văn bản cho phép doanh nghiệp xuất khẩu lao động đăng ký dịch vụ tuyển dụng lao động làm công việc khan hộ công gia đình và thuyền viên tàu cá đánh bắt gần bờ tại thị trường Đài Loan (Trung Quốc).

Lao động làm việc tại Đài Loan (Ảnh: TL)
Lao động làm việc tại Đài Loan (Ảnh: TL)
Theo Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), DN đưa lao động sang Đài Loan làm việc phải đáp ứng điều kiện sau: Có cơ sở đào tạo đáp ứng đủ phòng học, chỗ ăn, ở, sinh hoạt, học tập nội trú cho 100 lao động trở lên; có đủ trang thiết bị phục vụ đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng nghề; có tối thiểu 4 giáo viên có trình độ, kinh nghiệm chuyên trách đào tạo...

Doanh nghiệp tham gia dịch vụ này phải đảm bảo yêu cầu không bị xử phạt vi phạm hành chính do đưa người lao động ra nước ngoài làm việc; không có vụ việc nghiêm trọng phát sinh kéo dài, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của nhiều người lao động. Các doanh nghiệp đề xuất phía Đài Loan cấp phép hoạt động cần bổ sung giấy xác nhận không vi phạm quy định về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Trước đó, ngày 21/6, Bộ LĐ-TB&XH đã tạm dừng việc tiếp nhận hồ sơ của các doanh nghiệp gửi tới phía Đài Loan để xin cấp phép cho lao động sang làm khán hộ công và thuyền viên tàu cá gần bờ. Lý do được đưa ra là phía VN và Đài Loan (Trung Quốc) phát sinh thêm một số chi tiết thảo luận làm rõ nên chương trình hợp tác nên đã tạm dừng triển khai.

Theo Cục Quản lý Lao động Ngoài nước, năm 2013 và 2014, số lao động Việt Nam sang Đài Loan đã tăng gấp hơn 1,5 lần và 2 lần so với kết quả năm 2010. Đến cuối năm 2014, lao động Việt Nam được các công ty XKLĐ trong nước phái cử sang làm việc tại Đài Loan đạt 62.000 người.

Trong đó, thị trường Đài Loan (Trung Quốc) được đánh giá có tiềm năng nhất với ưu điểm: Khoảng cách địa lý không xa Việt Nam, mức lương cơ bản cho lao động khá (khoảng 600 USD/tháng) và hệ thống pháp luật về lao động đầy đủ và ổn định.

Hoàng Mạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm