1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Miễn giảm thuế và nhiều hỗ trợ khác cho doanh nghiệp hợp tác cùng trường nghề

(Dân trí) - “Thực hiện chính sách miễn giảm thuế doanh nghiệp đóng góp và tham gia đào tạo, có cơ chế, chính sách hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp, như: Hỗ trợ học phí, chi phí đào tạo, hỗ trợ thông tin truyền thông trong tuyển sinh, tuyển dụng…”.

Đây là một phần nội dung Công văn số 786/LĐTBXH-TCGDNN do lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH ban hành ngày 02/03/2018 gửi các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương nhằm gắn kết giáo dục nghề nghiệp (GDNN) với doanh nghiệp, thị trường lao động.

Kết nối doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang được Bộ LĐ-TB&XH coi là giải pháp đột phá lớn. Qua đó nhằm đảm bảo người học từ các nhà trường sẽ được tiếp nhận thực tập, thực tế và làm việc tại doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp.

Trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết, việc hợp tác như trên giúp người học được đào tạo theo đúng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Bản thân doanh nghiệp sẽ bớt được nhiều chi phí tuyển dụng nếu tự làm, giúp giảm tỷ lệ nhân viên nghỉ việc và chi phí đào tạo lại. Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp có thể giảm cả chi phí đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Những doanh nghiệp hợp tác được hưởng ưu đãi thuế theo quy định.

Miễn giảm thuế và nhiều hỗ trợ khác cho doanh nghiệp hợp tác cùng trường nghề - 1

Theo công văn 786/LĐTBXH-TCGDNN, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các cơ sở GDNN thuộc phạm vi quản lý tổ chức triển khai đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ và báo cáo kết quả thực hiện ban đầu cùng các đề xuất trước ngày 30/06/2018.

Cụ thể, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị triển khai việc cung cấp thông tin về nhu cầu về tuyển dụng lao động như: Số lượng, kỹ năng, nhu cầu sử dụng lao động theo ngành, nghề và nhu cầu tuyển dụng lao động từng năm trong giai đoạn 2018-2021 (theo quy định tại Khoản 1 Điều 52 của Luật GDNN).

Bộ cũng yêu cầu các bên nêu trên hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các quy định về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.

Liên quan tới vấn đề tài chính, các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành thực hiện chính sách miễn giảm thuế doanh nghiệp đóng góp và tham gia đào tạo theo Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015; có cơ chế, chính sách hỗ trợ các cơ sở GDNN đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp, bao gồm các hỗ trợ trong kết nối nhà trường và doanh nghiệp, hỗ trợ học phí, chi phí đào tạo, hỗ trợ thông tin truyền thông trong tuyển sinh, tuyển dụng ...

Bộ LĐ-TB&XH cũng lưu ý việc ưu tiên ngân sách đặt hàng cho các cơ sở GDNN đào tạo đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, kể cả hỗ trợ đào tạo lao động nông thôn chuyển đổi nghề nghiệp theo đặt hàng của doanh nghiệp;

Công văn 786/LĐTBXH-TCGDNN của Bộ cũng nêu rõ, cán bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành trực thuộc T.Ư cần phân công nhân sự cụ thể phụ trách, theo dõi việc gắn kết GDNN với doanh nghiệp, thị trường lao động, đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp; tăng cường tiếp cận, truyền thông và thiết lập kênh thông tin (website, email, điện thoại.v.v…) về hợp tác với các doanh nghiệp trong GDNN.

Ngoài ra, cần chú trọng các chính sách hỗ trợ của nhà nước, địa phương cho doanh nghiệp khi tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, nhất là các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI có nhu cầu sử dụng nhiều nhân lực lao động kỹ thuật.

Đồng thời, Bộ cũng khuyến khích thực hiện việc hợp tác chặt chẽ hơn nữa 3 bên nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp. Đa dạng hóa các hình thức hợp tác như: Xây dựng chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo; tổ chức ký kết đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp; liên kết đào tạo giữa trường và doanh nghiệp; khuyến khích động viên người lao động trong doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề cho người lao động; hợp tác tổ chức, bồi dưỡng kỹ năng giảng dạy, kỹ năng tổ chức, quản lý đào tạo cho nhà giáo của nhà trường và cán bộ kỹ thuật (người dạy) của doanh nghiệp tham gia giảng dạy…

Trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Bộ LĐ-TB&XH luôn sẵn sàng tiếp nhận các yêu cầu và đơn hàng tuyển dụng của các doanh nghiệp qua Cổng thông tin của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH). Qua đó, Tổng Cục sẽ giới thiệu các doanh nghiệp với các đơn vị đào tạo có năng lực để phối hợp triển khai.

Hoàng Mạnh