"Mẹ một tay" giặt đồ mướn thâu đêm, nuôi con vào đại học quốc tế
(Dân trí) - Khi giỏ quần áo dơ của một vị khách thuê giặt xổ ra trong nhà tắm, hai đứa con gái đứng đằng sau kêu "hôi quá", bỗng dưng, nước mắt người mẹ đơn thân Bích Liên túa ra.
Đó là thời điểm năm 2010, sau khi ly hôn, chị Liên dẫn hai con đến ở nhờ phòng trọ của người em gái ở quận Bình Tân. Chồng không chu cấp tiền nuôi con hằng tháng, sợ nghề may không đủ nuôi con ăn học nên ngoài giờ làm ở xưởng chị còn nhận sửa đồ, giặt đồ mướn đến tận khuya kiếm thêm thu nhập.
Nhờ những đồng lẻ cóp nhặt từng ngày của mẹ, cộng thêm thành tích tốt trong những năm cấp 3, con gái lớn của chị - bé Hiếu Ngân nhận được học bổng của trường đại học Greenwich (Anh) tại Việt Nam, cơ sở TPHCM. Hiện em đang là sinh viên năm thứ 3 ngành quản trị, quản lý kinh doanh.
"Thời gian vợ chồng còn hạnh phúc, tôi đã mua được 2 căn nhà ở Sài Gòn. Nhưng ly hôn xong, tôi không có một đồng trong túi", chị Liên kể và cho biết, lúc bấy giờ chị chỉ lo làm lụng, tiền bạc trong nhà một tay chồng quản lý.
Chị Liên quê ở Đồng Tháp, không có bàn tay trái từ lúc mới lọt lòng. Nhà có đến 8 anh chị em, cha mất sớm, chị Liên chỉ được học đến cấp hai. Năm 19 tuổi, Liên đạp xe lên thành phố Sa Đéc xin vào học nghề may và thêu ở một trường công giáo. Khiếm khuyết trên cơ thể không làm khó cô gái trẻ. Thay vào đó, sau 9 tháng học nghề, Liên tốt nghiệp và quay lại dạy cho các bạn khóa sau.
Trong quá trình học nghề, các sơ cho chị Liên học bổ túc cấp 3. Ước mơ của chị là trở thành cô giáo dạy văn. Nhưng vì mặc cảm cánh tay không lành lặn, sợ bị học trò chê cười, chị gác lại giấc mơ sư phạm dù đã thi đậu trường cao đẳng.
Năm 1999, chị rời trường nghề, theo bạn bè lên Sài Gòn xin việc. Dù khuyết tật, nhưng tay nghề giỏi, chị vượt qua thử thách may áo lông vũ một cách dễ dàng dù chưa từng may qua loại áo này. Chị Liên được nhận vào làm, mức lương bằng những công nhân lành lặn khác. Một năm sau, chị Liên quen rồi kết hôn với người đàn ông giờ là chồng cũ. Hai người rời nhà máy, mướn nhà trọ, mướn thợ về mở xưởng làm nghề may quai dép.
Năm 2010, sau khi con thứ hai được gần 2 tuổi, vợ chồng chị ly hôn. Không nhà cửa, không tiền bạc, nhiều người thân trong nhà nghĩ biến cố sẽ khiến chị gục ngã. Thế nhưng, với sức mạnh của một người mẹ, chị Liên lao vào làm việc để kiếm tiền.
Từ vị thế bà chủ xưởng may, chị quay trở lại làm thuê cho chính người em gái từng làm công cho mình nhiều năm trước. Mỗi ngày, chị thức dậy từ 5h, lo cho hai con ăn sáng, đưa đến trường xong, chị ngồi vào bàn may cho đến chiều tối. Suốt nhiều năm, người mẹ thường chỉ mua một phần đồ ăn sáng cho hai con chia nhau ăn, còn mình thì ăn cơm nguội.
"Có khi thèm một củ khoai lang, nhưng dằn bụng không dám mua vì nghĩ phải tiết kiệm, được đồng nào hay đồng đó", chị nói.
Suốt nhiều năm, chị cũng thường xin quần áo cũ của các em gái để mặc, chẳng dám mua sắm.
Không chỉ miệt mài làm việc từ sáng đến tối, chị Liên còn tranh thủ nhận quần áo về sửa. Cứ vài ngày, chị lại nhận giặt đồ mướn cho hàng xóm. Thời điểm khó khăn chưa sắm được máy giặt, chị Liên một tay giặt đồ thâu đêm để kiếm thêm 20 nghìn tiền công mỗi bộ đồ. Công việc phụ này giúp chị kiếm thêm được 4 -5 triệu đồng mỗi tháng để lo cho hai con đang tuổi ăn tuổi lớn.
Làm mẹ đơn thân, chị Liên không chỉ khó khăn về kinh tế mà người phụ nữ nhiều khi thấy tủi thân. Chị thường chỉ khóc một mình vào buổi tối, khi các con đã đi ngủ. Có lần, đưa con đi học về gặp trời mưa, đường ngập nước làm mấy mẹ con ngã nhào, với một cánh tay, chị cố dựng xe đứng dậy, nước mắt hòa lẫn nước mưa. Đó là lần đầu tiên chị khóc trước mặt con. Hôm sau, con gái chủ động xin mẹ cho tự đạp xe đi học.
Nhiều người khuyên chị, không có điều kiện thì cho con nghỉ học sớm, đi học nghề nhưng chị Liên chưa bao giờ có ý định đó. Chị tâm niệm: "Miễn là con chịu học, cực mấy chị cũng sẽ lo cho con đến cùng, để các con có nghề nghiệp ổn định sau này".
Chị tâm sự, điều may mắn nhất trong cuộc đời của mình là dù khuyết tật, chị vẫn có được cái nghề trong tay. Nhờ vậy mà sau biến cố, người mẹ vẫn có thể tự đứng dậy, làm việc để nuôi con.
Điều tiếc nuối nhất của bà mẹ đơn thân là thời gian sau ly hôn, chị mải lao đầu làm công việc, ít có thời gian chăm sóc con, đưa con đi chơi. "Một hôm tôi bảo con ngồi để cột tóc, lúc con đứng dậy đi tôi mới vỡ òa khi nhận ra con đã cao hơn mình cái đầu từ bao giờ", chị Liên xúc động kể.
Sau khi nhiễm Covid -19, sức khỏe chị Liên giảm sút. Nhiều năm ngồi may quần áo, chị Liên không những bị đau lưng mà khớp lưng đã bị trật, thường xuyên đau nhức và không thể mang vác vật nặng.
Từ năm ngoái, chị không còn đủ sức khỏe để tiếp tục làm thuê ở xưởng may. Lo lắng sắp tới sẽ không có đủ tiền lo cho hai con ăn học. Người mẹ xưa nay vốn rụt rè, ngại giao tiếp "liều mình" bắt chuyện, hỏi thăm kinh nghiệm bán hàng online của các chị em khuyết tật đồng cảnh.
Đổi lại những vất vả của chị, hai con gái học giỏi, chăm ngoan. Vì thế, chị luôn tâm niệm phải cố gắng làm việc để hai con được đến trường. Ngoài thành tích học tập, năm ngoái con gái lớn Hiếu Ngân của chị còn trở thành Thủ lĩnh tài ba trong chương trình "Truy tìm thủ lĩnh sinh viên" của trường.
Trong buổi lễ tuyên dương, giây phút nhìn con gái nhận giấy khen của trường, cô giáo của con hỏi: "Chị có thấy hạnh phúc và hãnh diện không?". Đáp lại câu hỏi đó, người mẹ nghẹn lời, chỉ biết gật đầu và quay mặt lén lau giọt nước mắt hạnh phúc ngập tràn.
Sơ Nguyễn Nguyệt Bạch, 73 tuổi, người từng là giáo viên dạy nghề may, thêu cho chị Bích Liên năm 1995 ở trung tâm Dạy nghề phụ nữ thành phố Sa Đéc cho biết, tuy khuyết tật nhưng chị Liên may đồ giỏi hơn những người bạn lành lặn trong lớp. Hồi mới lấy chồng và mở xưởng, hầu hết hàng xóm gần nhà đều là nhân công của cô ấy.
"Dù tay trắng nuôi con nhiều năm nay, nhưng tôi tin Bích Liên sẽ lo được cho hai con ăn học tới cùng. Ngày xưa, cô ấy cũng khao khát được học, được có nghề nghiệp. Không phải do trải qua biến cô gia đình mà Liên trở nên mạnh mẽ, cô ấy vốn đã là một người phụ nữ nghị lực từ nhỏ", sơ Nguyệt Bạch nói.