1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

"Mái nhà chung" của nhiều cựu chiến binh Quảng Trị

Đăng Đức

(Dân trí) - Nỗ lực vượt khó, công ty của cựu quân nhân Nguyễn Hữu Chiến (Quảng Trị) còn là "mái nhà chung" tạo công ăn việc làm cho cựu chiến binh, bộ dội xuất ngũ và lao động địa phương…

Mái nhà chung của nhiều cựu chiến binh Quảng Trị - 1

Là quân nhân, ông Nguyễn Hữu Chiến muốn giúp đỡ các cựu chiến binh, quân nhân xuất ngũ có nguồn thu nhập ổn định.

Từ chăn nuôi ao chuồng…

Ông Nguyễn Hữu Chiến xuất thân từ vùng quê nghèo thuộc huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Khi vào quân ngũ, ông công tác tại Sư đoàn 968 (đóng quân tại Quảng Trị) và gắn bó với mảnh đất này đến tận hôm nay.

Năm 2004, trong một lần hành quân qua mảnh đất rộng có hồ nước lớn phía sau tại thôn Phan Xá Phường, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị (trụ sở của công ty hiện tại), người cựu quân nhân đã nảy ra ý tưởng xây dựng mô hình chăn nuôi vườn - ao - chuồng.

Từ đó, ông đã làm đơn gửi chính quyền địa phương để xin chủ trương, thuê đất làm trang trại chăn nuôi để mở hướng cho vợ con làm ăn.

Mái nhà chung của nhiều cựu chiến binh Quảng Trị - 2

Đàn gà hàng trăm con, đảm bảo nguồn thức ăn cho công nhân.

Bắt tay vào phát triển gia trại theo hình thức ao - chuồng, gia đình ông dồn mọi vốn liếng tích lũy được để chăn nuôi lợn, nhưng dịch bệnh xảy ra khiến đàn lợn chết phần lớn. Không chấp nhận thất bại, ông Chiến bàn với vợ vay thêm ngân hàng 60 triệu đồng tiếp tục chăn nuôi.

"Giai đoạn này, việc chăn nuôi đang khó khăn, hai vợ chồng cứ lo lắng nếu bị ảnh hưởng dịch bệnh thì toàn bộ vốn liếng sẽ mất sạch, nợ nần chưa biết khi nào mới trả hết. Trước đó, để có vốn làm ăn tôi cũng đã cầm luôn sổ lương của mình", cựu quân nhân tâm sự.

Qua nhiều lần thất bại, thậm chí rơi vào bế tắc, gia đình ông đã cố cầm cự qua thời điểm dịch bệnh hoành hành. Việc chăn nuôi cũng bắt đầu sinh lãi, gia đình ông trả được nợ và tích lũy vốn để phát triển sản xuất.

Sau đó, qua nhiều chuyến công tác ở các tỉnh, thành, cựu quân nhân tìm tòi, học hỏi mô hình kinh doanh sản xuất đá mỹ nghệ. 

… đến làm đá granite 

Bắt tay vào kinh doanh ở lĩnh vực vô cùng mới mẻ này, ông Chiến phải đầu tư nhiều thời gian và công sức. Để mô hình sản xuất đá đi vào hoạt động, ông kiên trì, không ngừng học hỏi kinh nghiệm từ những người trong nghề.

Mái nhà chung của nhiều cựu chiến binh Quảng Trị - 3

Hiện công ty có khoảng 60 lao động, trong đó hơn 20 người là cựu chiến binh, quân nhân xuất ngũ.

Ngoài giờ làm việc tại đơn vị, ông Nguyễn Hữu Chiến tranh thủ tìm kiếm thị trường, tiếp thị sản phẩm, mẫu mã. Việc kinh doanh dần trở nên thuận lợi, ông đầu tư mở rộng nhà xưởng sản xuất, chú trọng phát triển thị trường ra các tỉnh lân cận như Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh...

Với ý chí vượt khó của một người lính, vào năm 2013, cựu quân nhân đã xây dựng được công ty tại xã Cam Thành, huyện Cam Lộ chuyên về sản xuất, gia công đá thương mại. 

Công ty của ông Chiến đang thu hút khoảng 60 công nhân làm việc, trong đó gần 30 người là cựu chiến binh cùng con em của họ, bộ đội xuất ngũ tại địa phương.

Những người được nhận vào làm việc tại cơ sở sản xuất có mức tiền công đối với nam từ 7-9 triệu đồng/người/tháng, nữ từ 5-7 triệu đồng/người.

"Tôi là một người lính, muốn tạo công ăn việc làm cho những bộ đội xuất ngũ, cựu chiến binh, con em cựu chiến binh. Trong số cựu chiến binh, nhiều người có hoàn cảnh khó khăn nên mình giúp đỡ bằng cách tạo môi trường làm việc, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho họ", ông Nguyễn Hữu Chiến tâm sự.

Mái nhà chung của nhiều cựu chiến binh Quảng Trị - 4

Mô hình tạo ra nhiều việc làm cho lao động địa phương.

Mặc dù trong thời gian dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động, nhưng ông Nguyễn Hữu Chiến vẫn duy trì và đảm bảo các chế độ cho công nhân.

Trong khả năng, ông tạo điều kiện hết sức để giúp đỡ các cựu chiến binh và con em của họ, cùng bộ đội xuất ngũ. Vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cũng được công ty quán triệt hàng ngày, tập huấn an toàn cho lao động, duy tu bảo dưỡng máy móc để hạn chế tối thiểu các rủi ro phát sinh.

Cựu binh Hồ Văn Thuần cùng chung đơn vị công tác với ông Nguyễn Hữu Chiến. Sau khi xuất ngũ, ông về đây làm việc đã 4 năm.

"Khi về làm việc tại công ty, chúng tôi xem đây là "mái nhà chung", cảm thấy vô cùng ấm áp. Làm việc tại xưởng có nhiều thế hệ, đều là người lính nên có sự đồng cảm, giúp đỡ lẫn nhau trong sinh hoạt lẫn cuộc sống. Mọi chế độ của người lao động luôn được công ty đáp ứng đầy đủ", ông Hồ Văn Thuần chia sẻ.

Biết đến cơ sở sản xuất của ông Nguyễn Hữu Chiến nên sau khi xuất ngũ, anh Mai Giang (trú ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) xin vào làm việc tại đây.

"Được làm việc trong môi trường có nhiều cựu quân nhân, bộ đội xuất ngũ, tôi cảm nhận những tình cảm gắn bó, yêu thương lẫn nhau như chính nhà của mình. Các bác, các anh là chỗ dựa, tiếp thêm nghị lực để thế hệ trẻ cố gắng nhiều hơn trong cuộc sống", anh bộc bạch. 

Theo ông Lê Anh Chương - Chủ tịch UBND xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, là quân nhân xuất ngũ nên ông Nguyễn Hữu Chiến luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, đóng góp cho sự phát triển của địa phương.

"Nhiều năm qua, doanh nghiệp của ông Nguyễn Hữu Chiến đã tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương, trong đó có nhiều quân nhân xuất ngũ và cựu chiến binh. Những người được nhận vào làm việc đều có mức thu nhập khá", ông Lê Anh Chương cho hay.