Lý do làng dệt chiếu 500 tuổi bị thu hồi công nhận làng nghề
(Dân trí) - Thị trường bấp bênh, thu nhập quá thấp, thiếu người kế nghiệp… khiến làng nghề dệt chiếu cổ 500 tuổi An Phước dần rơi vào "bế tắc", phải xin thu hồi công nhận làng nghề được cấp 20 năm trước.
Đề nghị thu hồi công nhận làng nghề
Lần đầu tiên tỉnh Quảng Nam thu hồi bằng công nhận làng nghề truyền thống sau 20 năm cấp cho làng dệt chiếu An Phước, xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên.
Quyết định thu hồi được ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam ký ban hành hôm 14/10. Lý do làng nghề dệt chiếu An Phước không còn hoạt động, hầu hết dân làng đã bỏ nghề.
Theo quy định, để được công nhận, làng nghề truyền thống phải đáp ứng tiêu chí tối thiểu 20% tổng số hộ trên địa bàn tham gia một trong các hoạt động, hoặc các hoạt động ngành nghề nông thôn; sản xuất, kinh doanh ổn định tối thiểu 2 năm liên tục tính đến thời điểm đề nghị công nhận.
Ông Lê Hai, Chủ tịch UBND xã Duy Phước, cho biết theo tiêu chí trên, làng dệt chiếu An Phước không đáp ứng. Hơn 5 năm qua, đa số người dân đã ngừng sản xuất, trên địa bàn xã chỉ còn 6 hộ có lao động trên 60 tuổi còn duy trì nghề dệt chiếu, quy mô nhỏ lẻ và chủ yếu làm vào thời gian rảnh rỗi.
Từ năm 2013 đến nay, làng nghề không còn hoạt động như thời điểm được công nhận. Thị trường bấp bênh, thu nhập quá thấp, không thể chủ động nguồn nguyên liệu tại chỗ, thiếu người nối nghiệp… khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của làng nghề dệt chiếu An Phước dần rơi vào bế tắc.
"Làng nghề không hoạt động sẽ ảnh hưởng đến việc công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Vì thế chính quyền xã đề nghị tỉnh thu hồi bằng công nhận làng nghề", ông Hai nói.
Chủ tịch xã Duy Phước cho hay, để đi đến quyết định đề nghị thu hồi công nhận làng nghề truyền thống dệt chiếu An Phước, các cấp lãnh đạo địa phương cũng đã đắn đo, trăn trở. Những năm qua, người dân và chính quyền địa phương đã cố gắng tìm mọi biện pháp, nhiều cách khác nhau để vực dậy làng nghề nhưng đều không hiệu quả.
"Đối với 6 hộ còn duy trì, xã sẽ thường xuyên vận động bà con cố gắng giữ gìn và phát huy các giá trị, truyền thống của nghề, góp phần tạo việc làm cho các lao động lớn tuổi có thêm thu nhập lúc nông nhàn…", lãnh đạo xã Duy Phước chia sẻ.
"Hết đời tôi chắc chẳng còn ai nối nghiệp…"
Nằm dọc sông Thu Bồn, làng nghề dệt chiếu An Phước có tuổi đời hơn 500 năm. Tương truyền ông tổ quê Thanh Hóa, theo chân người mở cõi vào đây từ thế kỷ XV. Khi dừng chân ở đất này, ông mang theo cây lác (cói) và phát triển nghề dệt chiếu.
Tại làng An Phước, có những gia đình làm chiếu tới 14 đời. Năm 2004, UBND tỉnh Quảng Nam công nhận làng nghề truyền thống dệt chiếu An Phước.
Chiếu của làng An Phước có hoa văn sắc sảo, màu sắc hài hòa, cân đối, từng giúp nhiều người ăn nên làm ra. Nhưng ngày nay, chiếu cói An Phước không cạnh tranh được với các loại chiếu hiện đại, không thể tiêu thụ, dân làng dần bỏ nghề.
Ông Nguyễn Tố - trưởng thôn Mỹ Phước, xã Duy Phước - cho hay, trước năm 2004, làng nghề dệt chiếu An Phước duy trì và phát triển rất mạnh, thu hút đông đảo lao động địa phương tham gia; thời điểm cao nhất có 161 hộ làm nghề chiếu cói, tập trung đông nhất tại thôn Mỹ Phước.
Năm 2010, nhà trưng bày làng nghề đã được xây dựng khang trang tại thôn Mỹ Phước, với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng nhằm góp phần quảng bá làng nghề và phát triển du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, năm 2015, nhà trưng bày đã ngưng hoạt động và bị bỏ không đến nay, đang xuống cấp.
"Nhờ nghề dệt chiếu mà nhiều hộ gia đình đã nuôi con ăn học đến chốn, phát triển kinh tế. Giờ đây chỉ còn vài hộ còn giữ nghề, tiếc nuối lắm nhưng không còn cách nào", ông Tố nói.
Ngồi bên khung dệt chiếu lâu đời của gia đình, bà Nguyễn Thị Sáu (72 tuổi, thôn Mỹ Phước) cho biết, bà là thế hệ thứ 3 cũng là thế hệ cuối cùng giữ nghề. Do thu nhập thấp, đầu ra bấp bênh, thiếu nguồn nguyên liệu… người dân dần bỏ nghề.
Theo bà Sáu, một đôi chiếu dệt mất khoảng 2-3 giờ, tiền công 80.000 đồng, chia ra cho 2 người, mỗi người chỉ 40.000 đồng (một ngày nhiều nhất 2 người dệt được 3 chiếc chiếu). Mà không phải lúc nào cũng có việc, nên nhiều người không còn mặn mà giữ nghề. Lớp trẻ thì chọn làm ở các khu công nghiệp, khu du lịch…
"Chúng tôi lớn tuổi rồi, ngồi lâu sẽ rất đau lưng, nên một ngày nhiều nhất cũng chỉ được 3 chiếc. Mặc khác, đầu ra rất bấp bênh, nhiều lúc làm rồi chẳng biết bán cho ai", bà Sáu nói.
Sau vụ mùa, vợ chồng ông Đặng Huy (54 tuổi, thôn Mỹ Phước) lại mang khung ra để dệt chiếu. Đây là công việc lúc nông nhàn của vợ chồng ông, giúp kiếm thêm thu nhập và cũng là cách để vợ chồng cố gắng giữ gìn nghề truyền thống đang dần mai một.
"Cả làng nghề giờ chỉ còn 6 hộ, buồn, tiếc lắm chứ nhưng biết làm sao đây. Hết đời tôi chắc chẳng còn ai nối nghiệp", ông Huy nói.