'Lướt' qua làng báo Nhật Bản
Nhật Bản là một đất nước phát triển hiện đại nhưng dân số đang già hóa, bởi vậy, để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, báo chí ở xứ sở Phù Tang cũng có những đặc điểm vừa hiện đại, vừa… “rất cũ”.
Truyền thống như báo giấy
Theo số liệu của Hiệp hội báo chí Nhật Bản, số lượng phát hành của báo giấy trên toàn quốc của Nhật là khoảng 42,13 triệu tờ/ngày vào năm 2017, bình quân cứ 4 hộ gia đình thì có 3 hộ đặt mua 1 tờ báo, trong đó chủ yếu là báo phát hành buổi sáng, có một số lượng nhỏ phát hành buổi chiều hằng ngày, và hầu như được phát đến tận nhà theo đăng ký mua dài hạn chứ rất ít báo bán tại sạp.
Trước đó, từ năm 2000 đến năm 2007, số lượng phát hành báo giấy ở Nhật cơ bản không thay đổi, vào khoảng hơn 52 triệu tờ/ngày, như vậy trong 10 năm qua báo giấy sụt giảm 10 triệu tờ/ngày.
Mặc dù đang có những mối lo ngại vì xu thế sụt giảm không thể đảo ngược của báo giấy, nhưng con số phát hành trên cũng cho thấy sự phát triển cực thịnh của báo giấy tại Nhật và tốc độ sụt giảm cũng chậm chạp hơn nhiều nếu so sánh với các nước khác.
Nhà báo Tsuji Kazuhiro, giảng viên của Đại học Rikkyo nhận xét, dù các tờ báo vẫn đang loay hoay với phương án kinh doanh (báo chí Nhật Bản thuộc tư nhân và mỗi tờ báo như một công ty kinh doanh - PV) thì báo giấy hiện tại vẫn đang có thu nhập tốt hơn báo điện tử.
Lý giải về số lượng phát hành “khủng” của báo giấy, nhiều chuyên gia báo chí Nhật Bản đều cho rằng đó là thói quen của người dân, sau khi ăn xong bữa sáng tại nhà sẽ tranh thủ đọc tờ báo để nắm bắt những thông tin cần thiết rồi mới đi làm.
Thêm nữa, độc giả phần lớn là người cao tuổi, quen đọc báo giấy hơn là chuyển sang các thiết bị điện tử. Thậm chí báo giấy những năm gần đây đã phải tăng cỡ chữ lên 10% để phù hợp với đặc thù bạn đọc cao tuổi này.
Asahi là một trong 5 tờ báo hàng đầu của Nhật, xuất bản số báo đầu tiên năm 1879. Nhà báo Kenichi Miyata, giám đốc điều hành Viện nghiên cứu báo chí của Asahi cho biết, hiện báo có 4.500 nhân viên, trong đó 2.300 phóng viên, biên tập viên.
Dù có đủ các loại hình thông tin đa phương tiện như truyền hình, báo điện tử, nhưng báo giấy vẫn đem lại doanh thu chủ yếu với lượng phát hành hơn 6,1 triệu tờ/ngày.
Còn với báo Akahata (Cờ Đỏ), cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Nhật Bản, dù lượng phát hành khiêm tốn, nhưng Tổng biên tập Yoji Ogiso cũng tự hào cho biết nguồn thu từ bán báo chiếm 80% tổng doanh thu của Đảng Cộng sản Nhật Bản.
Báo Akahata ra số đầu tiên vào năm 1928, là tờ báo có tiếng nói mạnh mẽ nhất chống chiến tranh và đã từng bị đình bản vì lý do này trong thế chiến thứ 2.
Phóng viên Isayo Takano của báo được nhiều người Việt Nam biết đến khi hy sinh tại Lạng Sơn trong lúc đưa tin về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 của quân và dân ta.
Một điểm đặc biệt là báo Akahata không nhận quảng cáo hay truyền thông cho doanh nghiệp nào. Tổng biên tập Yoji Ogiso cho biết là nếu nhận tiền quảng cáo cho các công ty thì sẽ phải nghe theo họ, làm mất tính độc lập của tờ báo.
Cũng vì báo giấy phát triển nên các tòa soạn báo của Nhật đều có nhà máy in và hệ thống phát hành riêng rất hiện đại, chuyên nghiệp. Giáo sư Akihiro Nonaka, giảng viên báo chí của Đại học Waseda cho biết, giấy báo chủ yếu làm từ rác tái chế và đã có một số dự án chuyển phát báo bằng máy bay không người lái để tiết kiệm nhân lực cũng như nhanh chóng hơn.
Hiện đại như phát thanh - truyền hình
Nếu như báo giấy của Nhật Bản được tự do xuất bản, thậm chí còn chẳng buồn đính chính nếu đưa tin sai như lời của giáo sư Nonaka, thì các đài phát thanh truyền hình lại có một đạo luật về phát sóng với các nguyên tắc, quy định cụ thể, chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản.
Theo thống kê thì có 47 đài có giấy phép phát sóng toàn quốc (trong đó 32 đài phát thanh kiêm truyền hình) và 52 đài phát sóng tại địa phương. Các đài (hay còn gọi là công ty) phát thanh truyền hình này chia làm 2 loại: Phát sóng công cộng là đài NHK, cũng là đài lớn nhất của Nhật Bản, hoạt động như một công ty công ích, thu phí của người xem tương tự như các dịch vụ thiết yếu điện, nước, viễn thông… Các đài còn lại thì đều là công ty tư nhân, doanh thu chủ yếu từ quảng cáo.
Bảo tàng của đài NHK (cũng có thể coi là bảo tàng của ngành phát thanh truyền hình Nhật Bản) được xem là bảo tàng chuyên về phát thanh truyền hình đầu tiên trên thế giới, đặt tại một quả đồi ở Tokyo nơi phát sóng radio đầu tiên vào năm 1925. Khi ấy, phòng thu chỉ có duy nhất 1 micro và thêm một cây đá lạnh để bớt nóng.
Điều ấn tượng với khách tham quan là quá trình phát triển của NHK luôn đi đầu hoặc bắt kịp với lịch sử phát thanh truyền hình thế giới, cũng như có những nét riêng mang đậm dấu ấn văn hóa xứ sở hoa anh đào.
Năm 1929, chương trình phát thanh tập thể dục buổi sáng được mở ra, người ta phải bắt một con gà trống gáy để thu âm làm nhạc hiệu. Và đến nay chương trình này vẫn bắt đầu đều đặn vào các buổi sáng. Năm 1926, Nhật Bản đã có tivi với những hình đơn giản; đến năm 1964 thì có tivi màu; và đến cuối năm 2018, đài NHK đã phát sóng truyền hình công nghệ 8K.
Với các đài phát thanh truyền hình tư nhân khác, cuộc canh tranh để giành khán giả vô cùng khốc liệt. Đài truyền hình Fuji nằm bên bờ vịnh Tokyo phát sóng đầu tiên vào năm 1959, đến nay đã phát sóng vệ tinh, mặt đất và cả thuê bao, nhưng doanh thu chủ yếu từ quảng cáo với giá trị khoảng 200 tỷ yên/năm.
Nhà báo Inoue, Trưởng phòng biên tập cho biết, các thông tin quan trọng, hấp dẫn nhất được tập trung vào khung giờ buổi tối. Còn chương trình phát buổi chiều chủ yếu cho người cao tuổi xem trước khi ăn tối nên có nội dung phần lớn là du lịch, ẩm thực nhẹ nhàng.
Đứng trên tầng cao nhất của đài phát thanh Tokyo FM nhìn xuống Hoàng cung Nhật Bản, cô Kaori Kobayashi, Giám đốc sản xuất của đài Tokyo FM chia sẻ chiến lược của đài là thu hút đối tượng thính giả từ 20 - 34 tuổi bằng các chương trình giải trí, ca nhạc, văn hóa, giáo dục.
Đài Tokyo FM cũng đang nỗ lực mở rộng nguồn thu bằng các hoạt động tổ chức sự kiện, lập trò chơi bằng ứng dụng trên điện thoại thông minh, mở kênh radio online có thu phí… nhưng đến giờ nguồn thu vẫn chủ yếu từ quảng cáo.
Nỗi lo của báo chí
Điều lạ lẫm là các chuyên gia báo chí, nhà báo kỳ cựu từ nhiều báo, đài, hãng thông tấn mà chúng tôi gặp đều nhận định ở Nhật Bản chưa có báo điện tử đúng nghĩa, trái ngược với sự phát triển của báo giấy, phát thanh - truyền hình.
Thậm chí việc các tờ báo giấy mở thêm phiên bản điện tử cũng không phải là phổ biến. Ngoài yếu tố bạn đọc cao tuổi như đã đề cập ở trên, có lẽ sự phát triển của báo điện tử còn liên quan đến văn hóa của người Nhật.
Khác với các đài phát thanh truyền hình sống bằng quảng cáo (trừ đài NHK), các tòa soạn báo giấy của Nhật lại coi nguồn thu từ bạn đọc là chủ yếu, bạn đọc là khách hàng bỏ tiền ra mua thông tin. Bởi vậy, phiên bản điện tử miễn phí cũng rất ít thông tin mà bạn đọc phải trả thêm phí thuê bao tháng để được xem thông tin hay.
GS Nonaka đã chỉ ra những “ưu điểm” của báo giấy so với báo điện tử là thông tin trên báo giấy có sự kiểm định chính xác hơn, có tính chất làm bằng chứng.
Báo điện tử đăng rất nhiều tin hàng ngày nhưng bạn đọc không quan tâm hết mà báo giấy sẽ là người chọn lọc thông tin cho bạn đọc, thời gian để tiếp cận thông tin trên báo giấy cũng nhanh hơn so với báo điện tử nhờ cách trình bày, rút tít nhấn mạnh.
Ông cho rằng trên Internet, đọc nhiều tin không thông minh hơn mà trở nên lười suy nghĩ, không còn khả năng phân tích thông tin. Lạ hơn nữa là Tổng biên tập báo Akahata, nhà báo Yoji Ogiso cho biết, khi triển khai phiên bản điện tử, ông nhận thấy bản điện tử không kết nối gắn chặt với bạn đọc được như báo giấy.
Đồng quan điểm này, nhà báo Tsuji Kazuhiro, giảng viên của Đại học Rikkyo cho biết, người Nhật rất ít khi bình luận (comment) trên báo điện tử.
Trong khi đó, một mối lo của Hiệp hội báo chí Nhật Bản chỉ ra là giới trẻ đang bỏ dần thói quen đọc báo. Đi nhiều buổi trên tàu điện ngầm ở Tokyo, tôi cũng quan sát các bạn trẻ đang cắm mặt vào điện thoại thì quả thật hầu như là xem truyện tranh, chương trình ca nhạc giải trí hoặc tán gẫu mà không thấy ai đọc báo.
Một trong những nỗ lực để thu hút các bạn đọc báo mới mà các tòa soạn đưa ra là tiếp cận các trường học, tạo thói quen đọc báo cho các em học sinh. Tuy vậy, đại diện Hiệp hội báo chí Nhật Bản và cả GS Nonaka hay nhà báo Tsuji Kazuhiro đều có chung nhận định: Xu thế báo chí ở Nhật Bản như thế nào đều không đoán định được.
Theo Ngọc Tú/Baotintuc.vn