Lương tối thiểu vùng năm 2016: Vì sao giới chủ đưa mức tăng trên 10 %?

(Dân trí) - “Về sơ bộ, Phòng công nghiệp và Thương mại VN và các Hiệp hội doanh nghiệp đang trao đổi về tốc độ tăng tiền lương tối thiểu vùng năm 2016 để kiến nghị Chính phủ sẽ dừng ở mức trên 10 %”.

Lương tối thiểu vùng năm 2016: Vì sao Giới chủ đưa mức tăng trên 10 %?
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Công nghiệp và thương mại VN
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Công nghiệp và thương mại VN (VCCI) - trao đổi với báo chí liên quan tới đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 tại buổi “Đối thoại với doanh nghiệp về chính sách lao động tiền lương và bảo hiểm xã hội” do Phòng Công nghiệp và Thương mại VN (VCCI), Bộ LĐ-TB&XH tổ chức hôm 3/7 tại Hà Nội.

Lý giải về dự kiến đề xuất mức tăng trên 10 % của VCCI, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, mức tăng này sẽ đáp ứng được 3 yêu cầu chính: “Đó là bù được sự mất giá của đồng tiền hiện nay, phù hợp với nhịp độ tăng năng suất lao động và có một tỉ lệ phần trăm nhất định để rút ngắn mức sống hiện tại của người lao động và mức sống tối thiểu theo Nghị quyết của Đảng đề ra”.

Nếu không tính tới các yếu tố khác mà tăng lương quá nhanh, ông Vũ Tiến Lộc cảnh báo: “Mức lương tối thiểu vùng tăng quá cao so với nhịp độ tăng năng suất lao động làm các doanh nghiệp không thể mở rộng và phát triển sản xuất, ảnh hưởng sự cạnh tranh nền kinh tế và tăng trưởng GDP”.

Đưa ra giải pháp cho bài toán năng suất lao động thấp “ghìm” mức lương tối thiểu, đại diện giới chủ sử dụng lao động cho rằng: Chỉ có thể dùng giải pháp tổng thể bằng việc tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước để hướng tới lĩnh vực công nghệ cao, sản xuất chế tạo chứ không đơn thuần gia công.

“Từ đó nâng cao năng suất lao động và qua đó tăng tiền lương bền vững và thúc đẩy sản xuất thời gian tới” - ông Vũ Tiến Lộc nói.

“Tính tới tăng lương tối thiểu cần duy trì 2 mục tiêu: Cải thiện đời sống của người lao động và đảm bảo sự duy trì cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nền kinh tế đang hội nhập mạnh mẽ” - ông Vũ Tiến Lộc nói.

Đại diện VCCI thừa nhận thực tế tiền lương của người lao động còn thấp và chưa đảm bảo được mức sống tối thiểu. Tuy nhiên VCCI lại có quan điểm riêng về những yếu tố ảnh hưởng tới việc tăng lương tối thiểu.

Theo đó, việc tăng lương thời gian tới cần căn cứ vào 3 dữ liệu quan trọng.

“Trước hết, việc tăng lương cần đảm bảo bù đắp được sự mất giá của đồng tiền, tức là phù hợp với tỉ lệ lạm phát. Chính phủ đang cố gắng duy trì mức độ lạm phát từ 4-5 %. Việc tăng lương tối thiểu phải đảm bảo bù được sự mất giá đó.

Việc tăng lương phải căn cứ vào thực tế tỉ lệ tăng năng suất lao động hàng năm. Năng suất lao động tăng trung bình khoảng 3 %/năm. Vậy việc tăng lương tối thiểu phải phù hợp với tỉ lệ tăng đó.

Cuối cùng, chúng ta cần quan tâm tới một tỉ lệ phụ thêm nhằm đảm bảo rằng rút ngắn được khoảng cách giữa mức lương hiện nay và mức sống tối thiểu của người lao động” - ông Vũ Tiến Lộc nói.

Được biết, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp trong năm 2015 là: Vùng I: 3.100.000 đồng/tháng; vùng II: 2.750.000 đồng/tháng; vùng III: 2.400.000 đồng/tháng; vùng IV: 2.150.000 đồng/tháng.

Mức lương tối thiểu vùng này cao hơn mức lương tối thiểu vùng năm 2014 từ 250.000-400.000 đồng/mức.

Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ quyết định phương án dung hòa các bên.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân, Bộ LĐ-TB&XH là một thành phần của Hội đồng tiền lương Quốc gia. Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng tiền lương, đại diện của Bộ sẽ dung hòa 2 phương án trên cơ sở thương lương giữa VCCI - đại diện giới chủ và Tổng LĐLĐ VN - đại diện người lao động.

“Việc điều chỉnh lương tối thiểu tăng lên sẽ giúp cuộc sống người lao động tốt hơn. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp phải tính toán thật kỹ. Vì trong năm 2016, các chi phí của doanh nghiệp sẽ phát sinh thêm do mức đóng bảo hiểm xã hội tăng lên (dần tiến tới đóng theo tổng thu nhập), chi phí hỗ trợ cho các chế độ đặc thù cho lao động nữ, an toàn vệ sinh lao động…” - Thứ trưởng Phạm Minh Huân nói.

Hoàng Mạnh