1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Lương tối thiểu và năng lực cạnh tranh

Cuộc họp bàn lần thứ 2 về vấn đề tăng lương tối thiểu vùng 2018 sẽ được diễn ra trong vài ngày tới. Tuy nhiên, dù tăng hay không thì mức tăng cũng cần đảm bảo được sức cạnh tranh của DN.

Trên thực tế, trong suốt 10 năm qua (2007 - 2017), mức tăng lương tối thiểu đều từ 7 đến 12% mỗi năm, trong khi đó, GDP chỉ tăng khoảng 6%/năm, năng suất lao động chỉ tăng 2%/năm.

Mức lương tối thiểu vùng từ năm 2011 - 2017 và dự kiến đến 2020.
Mức lương tối thiểu vùng từ năm 2011 - 2017 và dự kiến đến 2020.

3 phương án tăng lương tối thiểu:

Phương án 1 điều chỉnh bù mức tăng CPI (4%) và tăng thêm 1% theo mức tăng năng suất lao động. Theo đó, lương tối thiểu 2018 tăng từ 130.000 - 180.000 đồng, trung bình là 5%.

Phương án 2 điều chỉnh bù mức tăng CPI (4%) và tăng thêm 2% theo mức tăng năng suất lao động. Theo đó, lương tối thiểu 2018 tăng từ 160.000 - 220.000 đồng, trung bình là 6%.

Phương án 3 điều chỉnh bù mức tăng CPI (4%) và tăng thêm 2,8% theo mức tăng năng suất lao động. Theo đó, lương tối thiểu 2018 tăng từ 180.000 - 250.000 đồng, trung bình là 6,8%.

DN FDI lo ngại

Theo ghi nhận của Báo DĐDN tại không ít các DN Nhật Bản và Mỹ tại Việt Nam đều tỏ ra lo ngại việc tăng lương nhanh có thể kéo giảm sức cạnh tranh của Việt Nam và việc tăng lương tối thiểu năm 2018 nếu bằng với mức tăng 2017 sẽ khiến cho họ khó càng thêm khó.

Ông Hiroshi Karashima, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) đánh giá, trong những năm qua, mức tăng lương tối thiểu hàng năm tại Việt Nam đã vượt đáng kể so với chỉ số CPI. Năm 2016, tiền lương tối thiểu ở Việt Nam đã tăng bình quân 7,3%, cao hơn hẳn so với tỷ lệ tăng 2,6% của CPI.

Kết quả là, mức lương tối thiểu hiện tại của Việt Nam (ở khu vực 1) cao hơn mức lương ở lĩnh vực công nghiệp chính của Philippines, trong khi Malaysia và Thái Lan đã hạn chế tăng lương tối thiểu. Thừa nhận rằng, việc tăng lương tối thiểu sẽ góp phần mở rộng nhu cầu trong nước.

Tuy nhiên, theo ông Hiroshi Karashima: “Với tốc độ tăng nhanh như vậy, chúng tôi lo ngại rằng Việt Nam sẽ mất khả năng cạnh tranh tương đối so với các nước láng giềng. Tôi cho rằng sẽ là chiến lược khi xác định mức tăng lương tối thiểu thích hợp hàng năm dựa trên mức tăng CPI” - ông Hiroshi Karashima cho biết.

Về phía đại diện cộng đồng DN Mỹ tại VN (AmCham) cũng cho rằng, VN quyết định tăng lương tối thiểu phải được xem xét dựa trên năng suất lao động nếu VN muốn duy trì khả năng cạnh tranh.

TS Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may VN cũng nhận định, hiếm có quốc gia nào lại tăng lương tối thiểu vùng hằng năm và tăng ở mức cao như ở VN. Trong 10 năm qua (2007 – 2017), bình quân mỗi năm VN đã tăng lương tối thiểu ở mức 21,8% đối với DN trong nước và tăng khoảng 15% với DN nước ngoài. Điều này khiến DN gặp nhiều khó khăn… Ngoài ra, theo ông Cẩm, hiện chỉ 9,4 triệu lao động có hợp đồng phải áp dụng lương tối thiểu, phần lớn người lao động ở các khu vực phi chính thức không được kiểm soát về lương, gây mất công bằng trên thị trường lao động.

Vì vậy, ông Cẩm đề xuất chưa nên tăng lương tối thiểu năm 2018, hoặc có kế hoạch hoãn 1 - 2 năm mới tăng lương 1 lần, để DN có tích lũy, cải thiện năng lực cạnh tranh.

Bù lạm phát

Theo TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), năm nay lạm phát và tăng trưởng đều được xác định ở mức thấp, năng suất lao động tăng cũng chỉ như các năm trước. Cùng đó, lương hiện tại đang đáp ứng được 90% nhu cầu sống tối thiểu, nên mức tăng lương nên cân nhắc mức độ hợp lý.

Bà Hương cũng lưu ý, “mục tiêu tăng lương tối thiểu để cải thiện thu nhập của nhóm đối tượng có lương thấp nhất tại DN, nhóm này được tăng lương sẽ kéo theo các nhóm khác cùng tăng”.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, tăng lương DN sẽ buộc phải cắt giảm lao động, làm gia tăng số người mất việc làm. Chưa kể, đi kèm là các khoản phí về bảo hiểm xã hội, công đoàn… được tính trên cơ sở lương cũng tăng. Bà Hương cho rằng, tăng lương sẽ thúc đẩy các DN đầu tư nhiều hơn cho công nghệ để nâng cao năng suất lao động. “Các DN phải tính phương án từ bỏ các công nghệ lạc hậu chủ yếu sử dụng lao động, tiêu tốn năng lượng, ô nhiễm môi trường”, bà Hương nhấn mạnh.

Tăng lương tối thiểu là vấn đề lớn không chỉ đối với Việt Nam mà với tất cả các nước trong khu vực vì nó gắn liền với năng lực cạnh tranh quốc gia. Đặc biệt, khi lương tăng đòi hỏi năng suất lao động cũng phải tăng tương xứng. Do vậy, ngoài việc đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động thì rất cần có những chính sách quan tâm đặc biệt đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động để tăng năng suất lao động. Đây chính là đòn bẩy tăng thu nhập, tăng tiền lương cho người lao động và tăng sức cạnh tranh cho DN.

Lương tối thiểu và năng lực cạnh tranh - 2

Bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam: Cần “liệu cơm gắp mắm”.

Với ngành da giày, tốc độ tăng trưởng năm 2016 chỉ đạt 8%, những năm trước đây là 15-20%. Cùng với đó, tình hình kinh tế EU suy giảm, khiến lượng đơn hàng của các DN trong ngành da giày sang thị trường này giảm 60%, DN VN trong ngành tăng trưởng -2%. Do đó có thể thấy DN VN ngành da giày đang gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy, Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam kiến nghị không tăng lương tối thiểu trong năm 2018.

Ông Herb Cochran - Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham): Gần 400 nghìn việc làm có thể bị cắt giảm.
Ông Herb Cochran - Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham): Gần 400 nghìn việc làm có thể bị cắt giảm.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, mức lương tối thiểu của Việt Nam cao, vượt xa tăng trưởng năng suất lao động. Chẳng hạn, lương tối thiểu điều chỉnh chỉ cần như 2017 (tăng trung bình 7,3 % - PV) sẽ làm tăng mạnh chi phí nhân công của DN, bởi vì nó đẩy mạnh các khoản đóng bắt buộc đối với BHYT, BHXH, BHTN.

Tất cả kết hợp lại tăng gánh nặng cho bảng lương phải chi trả. Điều này có thể dẫn đến việc mất 371.000 việc làm. Trong đó, khoảng 110.000 việc làm có thể bị cắt giảm trong ngành dệt may, 105.000 thuộc lĩnh vực sản xuất và 59.000 thuộc dịch vụ...

Thy Hằng ghi

Theo Báo Diễn đàn Doanh nghiệp