1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Lương tối thiểu theo giờ, tại sao không?

(Dân trí) - Quy định lương tối thiểu được tính theo tháng đã tồn tại nhiều năm nay. Tuy nhiên, tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Hương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động, cho rằng nên quan tâm tới lương tối thiểu tính theo giờ vì yếu tố linh hoạt, thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động.


Năm 2017, lương tối thiểu theo tháng được đề xuất tăng thêm 7,3 % so với mức của năm 2016.

Năm 2017, lương tối thiểu theo tháng được đề xuất tăng thêm 7,3 % so với mức của năm 2016.

Để tìm hiểu thêm vấn đề này, PV Dân trí đã có cuộc phỏng vấn tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Hương.

Thưa bà, khái niệm lương tối thiểu theo giờ vẫn còn mới mẻ tại Việt Nam. Nhưng vì sao bà cho rằng nên quan tâm tới yếu tố lương trên vào thời điểm này?

Khi nghiên cứu kinh nghiệm kinh tế thị trường của nhiều nước, chúng tôi nhận thấy việc trả lương tối thiểu theo giờ đã được áp dụng từ lâu.

Việc trả lương tối thiểu theo giờ chỉ dành cho những lao động làm công việc trong điều kiện lao động giản đơn, công việc không đầy đủ, công việc trong thời gian ngắn và linh hoạt. Những công việc này có đặc thù ngắn hạn, người lao động làm việc bán thời gian.

Đứng về hợp đồng lao động, những người hưởng lương tối thiểu theo giờ thường là hợp đồng lao động ngắn hạn hoặc có thời hạn. Về phía doanh nghiệp, nếu như dùng lương tối thiểu tháng, vô tình tạo bất lợi cho doanh nghiệp chỉ có nhu cầu tuyển lao động làm việc theo giờ.

"Nếu chúng ta nghiên cứu thêm phương án trả lương tối thiểu theo giờ sẽ giúp doanh nghiệp có thêm lựa chọn và thị trường lao động không bị xáo trộn nhiều" - bà Nguyễn Thị Lan Hương nói.

Chưa kể tới việc, nếu áp dụng lương tối thiểu tháng, người sử dụng lao động sẽ phải tính tới các chính sách như BHXH cho đối tượng chỉ có nhu cầu làm việc ngắn hạn hoặc theo giờ.

Trường hợp áp dụng cứng nhắc lương tối thiểu theo tháng, vô tình gây khó cho một số quan hệ lao động trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay. Ví dụ việc tuyển công nhân làm vệ sinh, công việc làm việc ngoài trời, những công việc có tính phụ trợ trong ngành xây dựng.

Tất nhiên, lương tối thiểu theo giờ có nhược điểm là phụ thuộc vào tổng số giờ làm việc. Nếu người lao động không được bố trí đủ thời gian làm việc hoặc bị lạm dụng để trả cho công việc toàn thời gian hoặc theo tháng, mức lương tháng của họ sẽ không đảm bảo được mức sống tối thiểu.

Theo bà đánh giá, lương tối thiểu tháng hiện nay đã tương ứng với 60% mức lương trung bình. Vậy điều này đã hợp lý chưa? Và những kịch bản gì về năng suất, hiệu quả lao động sẽ xảy ra trong tương quan giữa người sử dụng lao động và người lao động?

- Về lý thuyết, lương tối thiểu chỉ nên duy trì ở mức dưới 40 % lương trung bình, còn lại tùy thuộc vào cái cơ cấu nguồn nhân lực ở các thị trường lao động.

Chẳng hạn thị trường Singapore, Nhật bản là những thị trường nguồn nhân lực chất lượng cao mối tương quan giữa lương tối thiểu và lương trung bình không cao.

Với thị trường lao động Việt Nam có đặc thù: Tỉ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật thấp, thường giãn cách lương tối thiểu và lương trung bình cao. Theo kinh nghiệm các nước, tôi cho rằng không nên cao quá mà chỉ là khoảng cách 40% lương tối thiểu so với lương trung bình.

Nếu cao quá, khoảng cách lương tối thiểu và lương trung bình nó không phản ánh hết nỗ lực của nguồn nhân lực. Đặc biệt là những người hưởng tiền lương trung bình cao hơn làm cho tiền lương có tính bình quân.

Điển hình nhất ở khu vực nhà nước, tiền lương thấp nhất và tiền lương cao nhất không chênh nhau nhiều.

Trong thực tế, tiền lương tối thiểu tăng quá khả năng chịu đựng của doanh nghiệp, sẽ khiến họ có nhiều cách để làm như giảm thời gian làm việc, nhưng họ vẫn giữ lao động lại. Còn nếu vượt quá giảm thời gian làm việc thì doanh nghiệp phải sa thải lao động.

Ngoài ra, doanh nghiệp có thể tính tới việc cắt giảm các chi phí liên quan khác.

“Theo tính toán của Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), nếu tăng lương tối thiểu lên 3%, sẽ có khoảng 10.000 lao động đóng/trốn đóng BHXH trong ngắn hạn và khoảng 30.000 lao động khách sẽ bị giảm đóng trong dài hạn. Các lao động này, sẽ phải chuyển sang lao động phi chính thức, không tham gia BHXH hoặc nếu không sẽ mất việc làm” - bà Nguyễn Thị Lan Hương cho biết.

Xin cảm ơn bà

Hoàng Mạnh thực hiện