1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Lương tối thiểu 2024: Doanh nghiệp muốn trì hoãn, công nhân mong tăng 8%

Hoa Lê

(Dân trí) - Trong bối cảnh doanh nghiệp đối mặt không ít khó khăn, bước vào phiên đàm phán lương năm nay, phía đại diện người lao động đưa ra nhiều phương án tăng lương tối thiểu vùng.

Công nhân muốn tăng lương

Dự kiến ngày 9/8, Hội đồng tiền lương Quốc gia bước vào phiên họp chính thức đầu tiên để thảo luận phương án lương tối thiểu vùng năm 2024.

Trước thềm phiên họp, bà Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho hay, chi phí lương thực thực phẩm đã tăng nên nếu lương không tăng, cuộc sống của công nhân lao động sẽ gặp khó khăn.

Qua khảo sát, nhiều người lao động có thu nhập không đảm bảo chi tiêu tối thiểu. Vì vậy, không ít người mong muốn được làm thêm giờ. Ngoài ra, họ còn muốn tìm kiếm một công việc bên ngoài giúp gia tăng thu nhập.

Lương tối thiểu 2024: Doanh nghiệp muốn trì hoãn, công nhân mong tăng 8% - 1

Đời sống của công nhân lao động còn gặp nhiều khó khăn (Ảnh minh họa: Phạm Nguyễn).

"Chúng tôi rất buồn khi nghe người lao động nói như vậy", bà Lan trăn trở.

Thông thường trước kỳ họp lương, công đoàn đều muốn đàm phán lương tối thiểu tăng cao. Song thực tế, mức điều chỉnh đều không như kỳ vọng của phía đại diện người lao động.

"Thực tế, một bộ phận người lao động có thu nhập cao hơn lương tối thiểu. Song, nhiều doanh nghiệp tìm cách cắt giảm các khoản chi khác nên thực tế thu nhập của người lao động không tăng", Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho hay.

Hiện nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang thảo luận phương án điều chỉnh lương tối thiểu để vừa cải thiện đời sống của người lao động vừa chia sẻ với doanh nghiệp, giúp ổn định nền kinh tế.

"Qua khảo sát, mong muốn của người lao động lương tối thiểu tăng ít nhất 6-8%", bà Lan nhấn mạnh.

Chưa có mức tăng cụ thể

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho biết, cho đến thời điểm này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chưa ký văn bản gửi phương án đề xuất mức tăng cụ thể sang Hội đồng tiền lương Quốc gia như các năm trước đây.

Theo Nghị định số 38, mức lương tối thiểu tháng đang được áp dụng từ 1/7/2022 đến hết ngày 30/12/2023 theo 4 vùng gồm: Vùng 1 là 4.680.000 đồng/tháng; vùng 2 là 4.160.000 đồng/tháng; vùng 3 là 3.640.000 đồng/tháng và vùng 4 là 3.250.000 đồng/tháng.

Về mức lương tối thiểu giờ, vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ, vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.

Theo ông Quảng, phía đại diện người lao động đã chuẩn bị tất cả số liệu, trong đó có công bố khảo sát tình hình đời sống, việc làm, tiền lương của người lao động năm 2023; lấy ý kiến của các chuyên gia, cán bộ công đoàn…

Đại diện phía công đoàn cho hay: "Năm nay trong bối cảnh khó khăn cần đưa ra nhiều phương án nên chúng tôi không nêu mức đề xuất cụ thể mà trong quá trình thương lượng, các thành viên của tổ chức công đoàn trên cơ sở thông tin đã chuẩn bị sẽ thống nhất với nhau để đề cập mức tăng lương".

Ông Quảng cho biết, có những thông số cần quan tâm như thông số thu nhập của người lao động không đảm bảo được nhu cầu chi tiêu tối thiểu của họ tăng cao, chỉ số giá tiêu dùng, tiền thuê nhà, tỷ lệ phi lương thực, thực phẩm.

Theo vị này, hiện nay đời sống của người lao động còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn. Một trong những yếu tố để thương lượng tiền lương là khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Lương tối thiểu 2024: Doanh nghiệp muốn trì hoãn, công nhân mong tăng 8% - 2

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Chính sách pháp luật.

Vì vậy, phải xem xét điều chỉnh lương tối thiểu vùng một cách hài hòa, vừa động viên người lao động, tăng năng suất hiệu quả, vừa phù hợp với khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Liên quan đến ý kiến nhiều doanh nghiệp đề xuất lùi thời điểm tăng lương, ông Quảng cho rằng, đây cũng là nội dung các bên cần lưu tâm trong quá trình đàm phán. 

Mức lương tối thiểu vùng đang được áp dụng là thực hiện theo Nghị định 38, có mức tăng 6% so với trước đó, áp dụng từ ngày 1/7/2022 đến 31/12/2023. Theo tính toán của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thời điểm triển khai thực hiện Nghị quyết, doanh nghiệp đáp ứng được mức tăng lương 6% và người lao động thấy phù hợp.

Tuy nhiên, thời gian qua, chỉ số giá tiêu dùng tăng, nhu cầu người lao động tăng lên cần xem xét điều chỉnh tăng lương. Nếu lùi lại thì sẽ kéo dài thời gian chưa điều lương hưu. Vì vậy, yếu tố này cần phải xem xét kỹ lưỡng.

Rất nhiều quốc gia đã có mức lương đủ sống, mức lương "đàng hoàng", đảm bảo đời sống của người lao động và có phần tích lũy giảm thiểu rủi ro.

Ông Quảng cho rằng: "Thời gian tới, tiền lương tối thiểu cần làm đúng chức năng là mức thấp nhất bảo vệ những người yếu thế và căn cứ các bên thương lượng tiền lương".

Tổ chức công đoàn tăng cường đối thoại, thương lượng tiền lương. Ông Quảng thừa nhận, lâu nay, thương lượng về lương, thu nhập của công đoàn cơ sở chưa tốt. Vì vậy, người lao động phải dựa vào tăng lương tối thiểu doanh nghiệp tăng theo.

"Chúng ta phải thương lượng trực tiếp bằng tiền lương, thỏa ước lao động tập thể hay quy chế xây dựng thang lương, bảng lương", ông Quảng nhấn mạnh.