Xây dựng lương hưu tối thiểu bằng lương tối thiểu vùng

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Cán bộ công đoàn đề xuất xây dựng mức lương hưu tối thiểu bằng lương tối thiểu vùng để đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu, từ đó người lao động mới an tâm chờ hưu, không rút bảo hiểm xã hội một lần.

Lương hưu tối thiểu phải đủ sống

Ngày 9/5, Công đoàn Viên chức TPHCM tổ chức chương trình đối thoại giữa bảo hiểm xã hội (BHXH) với doanh nghiệp và người lao động.

Tại hội nghị, công đoàn cơ sở các doanh nghiệp nêu nhiều thắc mắc về việc thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp. Đại diện BHXH TPHCM thông tin, hướng dẫn cán bộ công đoàn các cấp nắm rõ chính sách, nghiệp vụ BHXH mới nhất.

Ngoài ra, đại diện công đoàn các doanh nghiệp còn nêu nhiều đề xuất, góp ý sửa đổi Luật BHXH về các nội dung như tuổi nghỉ hưu, phương án giải quyết BHXH một lần, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH… Đặc biệt, lương hưu là vấn đề nhiều đại biểu quan tâm, đề xuất thay đổi.

Xây dựng lương hưu tối thiểu bằng lương tối thiểu vùng - 1

Người lao động góp ý tại hội nghị (Ảnh: BHXH TPHCM).

Theo ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Nidec Việt Nam, hiện mức lương hưu của người lao động quá thấp so với mức sống. Mức lương tối thiểu vùng tại TPHCM hiện nay là hơn 4,68 triệu đồng nhưng lương hưu của nhiều lao động tham gia BHXH 20 năm chỉ ở mức 2-3 triệu đồng.

Do đó, ông Hồng đề nghị phải nghiên cứu quy định mức lương hưu tối thiểu đủ sống cho người lao động nghỉ hưu như lương tối thiểu vùng.

Theo bà Phạm Thị Hồng Yến, Chủ tịch Công đoàn công ty TNHH Intel Products Việt Nam, hiện mức lương tối thiểu vùng được xây dựng với tiêu chí là đáp ứng mức sống tối thiểu cho người lao động. Nếu mức lương hưu tối thiểu cũng bằng mức lương tối thiểu vùng thì người lao động sẽ an tâm ở lại với quỹ BHXH, ít ai muốn rút một lần.

Bà Yến cho rằng, lương hưu tối thiểu phải đáp ứng được nhu cầu tối thiểu, nếu thấp hơn mức sống tối thiểu thì người lao động khó an tâm chờ đến khi nhận lương hưu.

Trả lời tại hội nghị, ông Trần Dũng Hà, Phó giám đốc BHXH TPHCM ghi nhận ý kiến của các đại biểu. Cơ quan BHXH sẽ tổng hợp để đưa các kiến nghị của doanh nghiệp vào văn bản góp ý Luật BHXH sửa đổi.

Thu nhập cao nhưng mức đóng BHXH thấp

Trước đó, tại hội nghị góp ý sửa đổi Luật BHXH, ông Phạm Chí Tâm, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM cũng đánh giá, lương hưu là vấn đề quan trọng nhất để giữ chân người lao động ở lại với BHXH.

Theo ông Phạm Chí Tâm, việc Luật BHXH sửa đổi lần này đề xuất thay đổi cách tính tiền lương tháng đóng BHXH cũng là một giải pháp để tăng mức hưởng lương hưu. Bởi BHXH hoạt động theo nguyên tắc đóng - hưởng, đóng cao thì mức hưởng cao và ngược lại.

Khi tiền lương tháng tham gia BHXH được tính đúng, tính đủ, gần sát với mức thu nhập thực tế của người lao động chứ không chỉ đóng theo lương cơ bản ghi trên hợp đồng thì mức đóng sẽ cao hơn, mức hưởng lương hưu tất nhiên cũng sẽ tăng cao.

Xây dựng lương hưu tối thiểu bằng lương tối thiểu vùng - 2

Lương hưu đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu sẽ giữ chân người lao động ở lại với BHXH (Ảnh minh họa: Hữu Khoa).

Ông Tâm dẫn chứng từ bản thân, lương sau gần 20 năm đi làm của ông, tính theo hệ số lương cơ sở chỉ hơn 10 triệu đồng/tháng, còn thấp hơn thu nhập thực tế của nhiều công nhân lâu năm. Đây chính là mức lương dùng làm căn cứ để đóng BHXH cho ông. Vì thế, lương hưu đương nhiên không thể cao.

Tương tự, cách tính lương, thu nhập của đa phần công nhân cũng vậy. Công nhân tay nghề cao, thu nhập có thể tới 15-17 triệu đồng/tháng nhưng mức lương làm căn cứ để đóng BHXH thường chỉ cao hơn lương tối thiểu vùng một chút, loanh quanh mức 5 triệu đồng/tháng.

Theo quy định, tỷ lệ đóng vào quỹ hưu trí - tử tuất là 22% mức lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của người lao động; trong đó, 8% là trích từ tiền lương của người lao động, còn 14% là trích từ chi phí của doanh nghiệp.

Do đó, nhiều doanh nghiệp chia nhỏ các khoản đãi ngộ, chi trả với người lao động để mức đóng BHXH thấp hơn, để giảm chi phí vận hành. Việc ký hợp đồng lao động với mức lương cơ bản thấp để mức đóng BHXH thấp, dẫn đến lương hưu của người lao động khi nghỉ hưu rất thấp.

Trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất phương án tính tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc mới. Phương án mới này quy định "tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động".

Khác với quy định hiện hành, phương án mới không nêu rõ là "các khoản bổ sung khác được xác định bằng mức tiền cụ thể ghi trong hợp đồng lao động". Việc này hạn chế được tình trạng doanh nghiệp cố tình đặt ra các khoản bổ sung khác khó xác định mức tiền cụ thể trong hợp đồng (không phải tính vào tiền lương đóng BHXH) để giảm tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động.

Với phương án mới, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH sẽ bao gồm thêm cả các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động. Khi đó, tiền lương này sẽ cao hơn cách tính hiện nay, chế độ BHXH một lần hay chế độ hưu trí của người lao động sau này sẽ tốt hơn vì nguyên tắc của BHXH là đóng - hưởng, đóng nhiều hưởng nhiều.