Lương tối thiểu 2020: Các bên "bật mí" về đề xuất trước phiên đàm phán chiều 11/7

(Dân trí) - Nhận định của nhiều chuyên gia, với các điều kiện hội tụ, phiên đàm phán lần 2 diễn ra vào chiều 11/7 tại Hà Nội rất có khả năng đem lại kết quả cuối cùng về mức đề xuất lương tối thiểu vùng 2020. Trước giờ đàm phán, PV Dân trí đã ghi lại ý kiến của các bên.

Tổng LĐLĐ VN đề xuất 3 kịch bản tăng lương

Ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, chuyên gia đàm phán lương tối thiểu của Tổng LĐLĐ VN, cho rằng, kết quả đàm phán vòng 2 sẽ có nhiều cam go nhưng khả năng 2 bên sẽ tìm được tiếng nói chung ngay trong phiên đàm phán chiều nay (11/7).

Được biết, kết thúc vòng đàm phán lương tối thiểu 2020 lần 1, VCCI đưa ra mức tăng từ 2-3 %  so với mức lương tối thiểu của năm 2019 và Tổng LĐLĐ VN đề xuất mức tăng cao nhất là 8 %.

“Lương tối thiểu hiện đã đáp ứng được hơn 95 % mức sống tối thiểu. Tuy nhiên, để bám sát được yêu cầu thực tế, cần xác định rõ được tỷ lệ giữa nhu cầu lương thực thực phẩm và phi lương thực thực phẩm. Trên cơ sở đó sẽ có các kịch bản khác nhau về sự đáp ứng của lương tối thiểu với mức sống tối thiểu” - ông Lê Đình Quảng nói.

Căn cứ vào các chỉ số GDP tăng khoảng 7%, CPI tăng khoảng 4%, năng suất lao động xã hội tăng gần 6% và các tín hiệu tích cực từ hiệu ứng của Hiệp định EVFTA, CTPPT, ông Lê Đình Quảng cho biết, Tổng LĐLĐ VN dự kiến đề xuất 3 phương án tăng lương nhằm kết thúc sớm phiên đàm phán trong chiều 11/7.

 Ba phương án đề xuất của Tổng LĐLĐ VN:

Lương tối thiểu 2020: Các bên bật mí về đề xuất trước phiên đàm phán chiều 11/7 - 1

Phương án 1: Mức đề xuất tăng lương tối thiểu là 8.18 % so với mức của năm 2018, tương ứng với tỉ lệ lương thực thực phẩm là 46,5 %, còn lại là tỉ lệ phi lương thực thực phẩm.

Lương tối thiểu 2020: Các bên bật mí về đề xuất trước phiên đàm phán chiều 11/7 - 2

Phương án 1: Mức đề xuất tăng lương tối thiểu là 7,06 % so với mức của năm 2018, tương ứng với tỉ lệ lương thực thực phẩm là 47 %, còn lại là tỉ lệ phi lương thực thực phẩm.

Lương tối thiểu 2020: Các bên bật mí về đề xuất trước phiên đàm phán chiều 11/7 - 3

Phương án 1: Mức đề xuất tăng lương tối thiểu là 6,52 % so với mức của năm 2018, tương ứng với tỉ lệ lương thực thực phẩm là 47,5 %, còn lại là tỉ lệ phi lương thực thực phẩm.

VCCI: Tuỳ điều kiện cụ thể để ứng biến

Trao đổi với PV Dân trí, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), cho biết: Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã trả mức lương tối thiểu 2019 tăng thêm tới trên 6 % so với mức của năm 2018.

“Trong khi đó, mức lương tối thiểu 2019 được Hội đồng tiền lương quốc gia đề xuất tăng chỉ là 5,3%. Vậy vấn đề là tăng tiền lương tối thiểu chỉ tác động vào các chi phí khác của doanh nghiệp. Điều này ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh, “sức khoẻ” của doanh nghiệp…” - ông Hoàng Quang Phòng cho biết.

“Thời gian qua, trung bình cứ 3 doanh nghiệp được thành lập thì có hơn 2 doanh nghiệp thoát ly khỏi thị trường. Điều này cho thấy thành lập được doanh nghiệp đã khó, nhưng giữ vững và phát triển còn khó khăn hơn nhiều. Việc tồn tại của doanh nghiệp cũng ảnh hưởng tới công ăn việc làm của người lao động” - ông Hoàng Quang Phòng cho biết.

Bên cạnh những tín hiệu tốt của thị trường, ông Hoàng Quang Phòng cũng lo lắng tới yếu tố bền vững trong phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là “sức khoẻ”, khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Với kết quả đánh giá của Bộ phân kỹ thuật (Hội đồng tiền lương quốc gia) về lương tối thiểu đã đáp ứng được khoảng 95 % mức sống tối thiểu, ông Hoàng Quang Phòng cho rằng điều đó đã là tín hiệu đáng mừng: “Dù có thể còn chưa đáp ứng hết mức sống tối thiểu nhưng người lao động còn có việc là ổn định và duy trì thu nhập, tránh tình trạng thiếu việc làm sẽ gây ra những bất ổn không mong muốn”.

Tuy nhiên, vị Phó chủ tịch VCCI cũng cho rằng, khái niệm mức sống tối thiểu còn được hiểu với nhiều cách khác nhau. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến quan điểm của các bên về mức lương tối thiểu 2020 còn có sự khác biệt.

Đề cập tới mức đề xuất tăng lương tối thiểu trước vòng đàm phán lần 2, ông Hoàng Quang Phòng cho biết: “Chúng tôi sẽ nghiên cứu đề xuất của Tổng LĐLĐ VN và diễn biến của phiên đàm phán để có những điều chỉnh hợp lý. Con số ban đầu vẫn bảo lưu như mức của Phiên đàm phán lần 1”.

Mức lương tối thiểu cao nhất là 4.180.000 đồng/tháng

Theo Nghị định 157/2018/NĐ-CP, từ ngày 1/1/2019, tiền lương tối thiểu vùng đã tăng 5,3 %, tương đương từ 160.000 đồng - 200.000 đồng trên 4 vùng lương so với mức hiện hành của năm 2018.

Nghị định 157/2018/NĐ-CP đã phân ra 4 vùng lương khác nhau, cụ thể:

Vùng I: Mức lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1/2019 là 4.180.000 đồng.

Vùng II: Mức lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1/2019 là 3.710.000 đồng.

Vùng III: Mức lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1/2019 là 3.250.000 đồng.

Vùng IV: Mức lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1/2019 là 2.920.000 đồng.

Hoàng Mạnh