1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Lương tiến sĩ thấp hơn ô sin: Chán cảnh nịnh sếp

“Nếu chúng ta không thật sự tạo ra sự chân thành, thấu hiểu, chắc khó có thể níu giữ được người tài trong cơ quan nhà nước”.

Sau khi đăng bài chia sẻ về câu chuyện “Lương Tiến sĩ thấp hơn ô sin”, nhiều trí thức cả ở Việt Nam lẫn nước ngoài đã gửi ý kiến phản hồi. Nhiều người trong số đó đã chấp nhận bỏ việc tại cơ quan nhà nước để ra ngoài tự khởi nghiệp. Dưới đây là chia sẻ của anh Hoàng Văn H.- một Tiến sĩ ngành quản trị kinh doanh học tại Úc về quá trình lập nghiệp đầy sóng gió của mình.

Chán nản cảnh nịnh nọt sếp

Chuyện tạo môi trường lành mạnh, dành thêm những ưu đãi để khuyến khích đội ngũ cán bộ, trí thức có trình độ, học tập ở nước ngoài về làm việc trong các cơ quan nhà nước, viện nghiên cứu tôi thấy đã nhắc đến rất nhiều. Nhiều ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia tôi nghĩ rất tâm huyết. Nhưng càng chờ đợi, tôi và nhiều bạn đồng trang lứa càng thêm thất vọng.

Tôi vốn là sinh viên một trường Đại học có tiếng về kinh tế ở Hà Nội. Với chất lượng đầu vào khá tốt, chúng tôi ngay từ năm nhất đã được học một chương trình đào tạo chuyện sâu bằng Tiếng anh. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi nhanh chóng nộp hồ sơ dự tuyển học bổng thạc sĩ tại Úc và cũng không phải chờ đợi quá lâu để nhận được giấy báo nhập học.

Thời gian ở Úc ngoài việc học ra, tôi cũng tranh thủ làm thêm, chủ yếu là để quen dần với môi trường bên này. Mọi chuyện với tôi thời điểm đó khá suôn sẻ và thuận lợi.


TS Hoàng Văn H.

TS Hoàng Văn H.

Kết thúc năm đầu tiên, tôi về thăm nhà và không quên mang theo một số đồ vốn được ưa chuộng tại đây làm quà như rượu vang, dầu cây chè, gấu bông chuột túi… Mọi người trong gia đình cũng như bạn bè nhìn những món đồ đó vừa lạ, vừa thích thú và có đề nghị tôi mua thêm để sử dụng.

Thấy đây có thể là cách hay để kiếm tiền, tôi lập một fanpade trên mạng xã hội và tiếp nhận mọi nhu cầu từ người thân, bạn bè, khách hàng không quen biết.

Thấm thoát 6 năm, vừa học lên tiến sĩ, tôi vừa gửi hàng về Việt Nam để kinh doanh. Có tháng 1 lần, khi nào hàng nhiều quá có thể 2 lần/tháng. Nhờ thời gian kinh doanh đó đã giúp tôi có thêm kỹ năng xâm nhập thị trường và tiếp thị sản phẩm.

Hành trang về nước là những kiến thức rất thực tế về quản trị kinh doanh cùng với kinh nghiệm thực tế bản thân, tôi đã không mấy khó khăn để vượt qua vòng tuyển dụng của một công ty nhà nước trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Đi làm với sự háo hức, nhưng tôi nhanh chóng nhận ra rằng những gì trong suy nghĩ của mình quá đơn giản. Tôi cứ nghĩ làm ở đâu cũng không quan trọng. Quan trọng là mình đóng góp được gì. Nhất là môi trường nhà nước thì càng có sự quan tâm hơn của các ban, ngành.

Nhưng không, tôi đã nhầm. Cơ quan tôi từng làm rất lạ. Mà đó cũng có thể là đặc trưng của nhiều nơi hiện nay. Người nào làm vẫn cứ làm, người chơi cứ chơi. Nhưng nhiều khi kẻ làm nhiều, có tâm huyết lại không được nhìn nhận khách quan bằng kẻ biết quan hệ. Hơn 1 năm vào công ty tôi vẫn lẹt đẹt ở vị trí nhân viên. Thậm chí nhiều khi còn phải giải quyết những công việc không tên, do sếp, do đồng nghiệp để lại.

Tôi vẫn nhẫn nại không oán trách gì cả. Đợt xét tuyển nhân viên xuất sắc của phòng tôi trượt vì không nhận được nhiều phiếu bầu từ mọi người. Tôi cũng không nghĩ ngợi nhiều mà tặc lưỡi cho qua với ý nghĩ "có thể họ không thích mình".

Nhưng đến đợt ký hợp đồng chính thức, tôi tiếp tục bị đá sang một bên. Một người vào sau tôi khoảng nửa năm nghiễm nhiên được ưu ái, đặc cách dù năng lực cũng không phải quá xuất sắc. Sự khác biệt nằm ở chỗ anh ta biết làm vừa lòng sếp.

Uất ức, mệt mỏi bao lâu nay bỗng dưng dồn lại. Tôi ném thẳng những điều bức xúc bấy lâu nay vào mặt sếp và kẻ vừa được lên chức phó phòng. Sau đó tôi viết đơn xin nghỉ việc và rời khỏi cơ quan ngay chiều hôm đó.

Cần lắm sự chân thành, thấu hiểu

Nghỉ việc với tôi vào thời điểm đó coi như một thất bại. Tôi trắng tay. Bao nhiêu dự án kỳ vọng, những người đồng nghiệp tốt bấy lâu nay bỗng dưng tan biến.

Tôi nằm nhà một tuần suy nghĩ và đôi khi tức giận vì sự bồng bột của bản thân vào thời điểm đó. Giá như tôi biết kiềm chế hơn thì đã không mất việc, không mang tiếng nhân viên vô kỷ luật.

Nhưng cuộc đời không lấy đi hết của ai bao giờ. Tôi phải cảm ơn khoảng thời gian học tập 6 năm ý nghĩa tại nước ngoài.

Biết tin tôi vừa bị đuổi việc, mấy người anh thân thiết hồi cùng học bên Úc đã gọi tôi đến gặp mặt. Họ cũng chán cảnh làm nhà nước, chán cảnh làm thuê mệt nhọc bị bóc lột từ sáng đến khuya.

Nghĩ là làm, chúng tôi cùng nhau lên kế hoạch mở công ty riêng. Với số tiền tôi tích cóp được từ thời sinh viên cùng với sự giúp đỡ từ gia đình, tôi và 2 người bạn nữa chính thức thành lập công ty, kinh doanh nội thất.

Chúng tôi liên lạc với các chủ xưởng gỗ ở Đồng Kỵ, Vạn Điểm để học hỏi thêm kinh nghiệm và đánh những chuyến hàng đầu tiên. Công ty ban đầu vẻn vẹn có 5 thành viên cứ dựa vào nhau vượt qua những khó khăn. Có thời điểm chúng tôi điêu đứng, đã nghĩ đến việc giải thể vì thị trường gỗ chững lại hay không cạnh tranh nổi với những thương hiệu nổi tiếng.

Nhưng sự nhẫn nại, bền bỉ đã giúp chúng tôi vượt qua tất cả. Đến thời điểm này, ngoài trụ sở ở Hà Nội, chúng tôi có thêm cơ sở ở Đồng Kỵ và đang lên kế hoạch tiến sâu hơn vào thị trường miền Trung.

Tôi nghĩ rằng, không hẳn làm ở nhà nước đã tốt. Người trẻ đi học ở nước ngoài về hay ở trong nước hoàn toàn có thể nghĩ đến chuyện tự khởi nghiệp khi có những kiến thức đầy đủ nhất.

Chúng ta đang trong quá trình hội nhập hóa vì thế việc thay đổi và định hướng bản thân cực kỳ quan trọng. Và hơn hết đối với nhà nước, nếu không thật sự tạo ra sự chân thành, thấu hiểu, chắc khó có thể níu giữ được người tài.

Theo Báo Đất việt