1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Lương thấp, nhiều bác sĩ xin nghỉ việc

Thời gian qua đã có 24 bác sĩ thuộc các cơ sở y tế công lập Bình Phước đã nghỉ việc, trong đó đáng chú ý Bệnh viện Đa khoa Bình Phước có 9 bác sĩ.

Ông Nguyễn Đồng Thông, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước cho biết, thời gian qua đã có 24 bác sĩ thuộc các cơ sở y tế công lập đã nghỉ việc, trong đó đáng chú ý Bệnh viện Đa khoa Bình Phước có 9 bác sĩ, còn lại thuộc các trung tâm y tế Đồng Xoài, Phước Long, Chơn Thành, Bù Gia Mập, Bù Đốp, Đồng Phú, Lộc Ninh, Bệnh viện Y học cổ truyền.

Trong số các bác sĩ xin nghỉ việc có 3 trưởng khoa, 3 phó khoa, 2 trưởng trạm y tế, 3 phó trạm y tế, nhiều người có thâm niên lâu năm, trình độ chuyên môn cao, bác sĩ trẻ mới ra trường...

“Lý do bác sĩ xin nghỉ việc đa số là do mức lương và chế độ đãi ngộ quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống nên họ ra làm y tế tư nhân”, ông Thông lý giải và cho biết tính đến cuối năm 2017, ngành Y tế tỉnh Bình Phước có 505 bác sĩ công tác tại các cơ sở y tế công lập và thiếu 278 bác sĩ, trong đó, tuyến tỉnh thiếu 118 bác sĩ, tuyến huyện thiếu 129 bác sĩ, tuyến xã thiếu 31 bác sĩ.

Bác sĩ N.C.C., 46 tuổi, vừa nghỉ việc tại Bệnh viện Đa khoa Bình Phước sau gần 20 năm công tác để chuyển đến làm việc tại một bệnh viện tư nhân ở thị xã Đồng Xoài, tâm sự: “Tôi về Bình Phước công tác từ những ngày đầu thành lập bệnh viện (Bình Phước tái lập năm 1997) nhưng vừa qua, tôi quyết định xin nghỉ việc và đã được giải quyết theo nguyện vọng. Trước khi xin nghỉ tại nơi mà mình đã gắn bó gần 20 năm tôi cũng đắn đo, suy nghĩ cả năm trời nhưng cuối cùng cũng phải đi đến quyết định rời đi, bởi thu nhập quá thấp, cuộc sống khó khăn, không thể mãi vậy được”.

Lương thấp, nhiều bác sĩ xin nghỉ việc - 1

Hiện nguồn nhân lực ngành Y tế tỉnh Bình Phước chưa đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.

Theo lời bác sĩ C., để có tấm bằng bác sĩ trong tay, anh đã học tập suốt hơn 7 năm trời, thêm 2 năm làm việc theo hợp đồng, sau đó mới đử điều kiện thi vào biên chế. Nhưng qua gần 20 năm công tác, lương hàng tháng của anh chỉ được gần 6 triệu đồng cộng thêm tiền độc hại cũng chỉ được gần 7,1 triệu đồng, trong khi phải nuôi 2 đứa con ăn học.

“Hiện tôi ra bệnh viện tư nhân công tác tuy thời gian có gò bó hơn nhưng bù lại, thu nhập tăng hơn gấp đôi nên cũng tương đối ổn định. Thời điểm về Bình Phước công tác tôi cũng như nhiều bác sĩ khác cũng được lãnh đạo tỉnh hứa hẹn được ưu đãi mua đất, chỉ phải góp một khoản tiền nhỏ, để xây nhà nhưng gần 20 năm cũng chẳng thấy gì”, bác sĩ C., chia sẻ thêm.

Nhằm khắc phục tình trạng thiếu bác sĩ nghiêm trọng hiện nay và giảm số bác sĩ xin nghỉ việc, Sở Y tế đã kiến nghị HĐND tỉnh bổ sung vào nghị quyết của HĐND tỉnh một số nội dung như: bổ sung phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của nghị quyết nhằm thu hút người có trình độ chuyên môn cao, bác sĩ đa khoa hệ chính quy về công tác tại tỉnh.

Bên cạnh đó, kiến nghị UBND tỉnh và các cơ quan hữu quan có biện pháp để 142 trường hợp đang được cử đi đào tạo cử tuyển sau khi tốt nghiệp phải trở về công tác tại địa phương. Ngoài ra, tăng cường đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế, xây dựng cơ sở vật chất để bác sĩ có máy móc, trang thiết bị làm việc, thực hành y khoa, phát huy chuyên môn.

Theo ghi nhận, hiện vẫn còn tình trạng bác sĩ thuộc các cơ sở y tế ở tỉnh Bình Phước viết đơn xin nghỉ việc nhưng chưa được lãnh đạo ngành y tế tỉnh này chấp thuận. Tình trạng bác sĩ xin nghỉ việc diễn ra phổ biến thời điểm từ cuối năm 2017. Hầu hết các bác sĩ rời bệnh viện công đều đến đầu quân cho các bệnh viện tư nhân trong tỉnh với thu nhập hấp dẫn hơn.

Theo Đức Trí/Báo Công an Nhân dân