1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Thiếu kiến thức, phụ huynh vô tình “tiếp tay” cho kẻ xấu trên mạng xã hội

(Dân trí) - “Do chưa có ý thức và kỹ năng bảo vệ con mình, nhiều bậc phụ đã vô tình tiết lộ hình ảnh, thông tin trên mạng xã hội, thậm chí còn “tiếp tay” cho kẻ xấu làm hại con em mình”.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), cảnh báo tại Hội thảo định hướng truyền thông về bảo vệ trẻ em và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 19/5 tại Ninh Bình.

Mạng ảo - tổn thương thật

Thống kê của các cơ quan chức năng, Việt Nam đang giữ vị trí hàng đầu về tỷ lệ sử dụng internet tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Tính đến tháng 1/2017, cả nước có 50.05 triệu người dùng internet (chiếm 53% dân số), trong đó có hơn 1/3 số là người chưa thành niên và thanh niên, trong độ tuổi 15-24.

Việc sử dụng internet nhiều đã giúp nhiều bậc phụ huynh chọn xu hướng xử dụng mạng xã hội để giao tiếp và chia sẻ thông tin.

“Phụ huynh chụp hình ảnh con em mình và lưu giữ làm kỷ niệm thì không sao. Nhưng khi đăng những hình ảnh này lên mạng xã hội thì cần cân nhắc xem điều này đã vì lợi ích tốt nhất của trẻ em hay chưa?” - ông Đặng Hoa Nam nêu vấn đề.


Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH).

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH).

Phân tích thêm về vấn đề này, Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết: “Nhiều người vẫn cho rằng thế giới mạng là ảo. Nhưng những tác động từ mạng xã hội lại hoàn toàn thật, như: Các tổn thương với trẻ em, những sang chấn tâm lý với trẻ em từ mạng xã hội gây nên”.

Theo lãnh đạo Cục Trẻ em, đã có nhiều vụ bắt cóc hoặc xâm hại trẻ em bắt nguồn từ việc phụ huynh đăng tải thông tin, hình ảnh của trẻ em trên mạng xã hội. Những thông tin này đã vô tình cung cấp thông tin để các đối tượng xấu có thể hãm hại trẻ em.

Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng Viên nghiên cứu quản lý phát triển bền vững - cho hay: “Theo kết quả nghiên cứu của Anh quốc, cứ 1/4 trẻ được hỏi đã chia sẻ về việc từng có trải nghiệm đau buồn khi sử dụng mạng xã hội. Tương tự như vậy, cứ 1/3 trẻ là nạn nhân của bắt nạt trên mạng”.

Cũng theo bà Nguyễn Phương Linh, mỗi ngày có hơn 720.000 hình ảnh về xâm hại trẻ em được đưa lên mạng xã hội.

Cha mẹ cần làm gì?

Chia sẻ về thực tế trên, ông Đặng Hoa Nam cho biết: “Các bậc phụ huynh cần trang bị cho mình và con em những kiến thức, kỹ năng cần thiết và an toàn khi sử dụng mạng xã hội. Làm sao để trở thành công dân thông minh trong thế giới số. Đồng thời cần làm bạn, lắng nghe những vấn đề trẻ em gặp phải khi sử dụng mạng internet”.

Theo ông Đặng Hoa Nam, nhiều phụ huynh vẫn chưa hướng dẫn và kiểm soát việc trẻ sử dụng các công cụ như điện thoại thông minh, máy tính bảng, sử dụng internet hàng ngày.

“Trước đây chúng ta đã chứng kiến sự nguy hiểm của việc trẻ em nghiện game online thì nay trẻ nghiện mạng xã hội, nghiện điện thoại thông minh cũng nguy hiểm không kém. Và việc trẻ em đang bị bạo lực, xâm hại trên mạng là có thật” - ông Đặng Hoa Nam nói.

Cung cấp thêm thực tế giao tiếp hiện nay, ông Nguyễn Sơn Tùng - Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), nói: “Các hoạt động của trẻ em trên mạng internet thường là: Giao tiếp (nhắn tin, gọi điện thoại có camera, email...), chia sẻ dữ liệu (hình ảnh, vị trí...), chơi trò chơi trực tuyến, tạo nội dung số (blog, livestream, youtube...), sử dụng mạng xã hội (Facebook, Twitter...), giao dịch trực tuyến (mua vật phẩm trò chơi, mua sắm qua trang thương mại điện tử...)”.

Cũng theo ông Nguyễn Sơn Tùng, các bậc cha mẹ cần để các thiết bị truy cập internet ở vị trí có thể quản lý được, kích hoạt chức năng an toàn cho trẻ em của hệ điều hình và trình duyệt web. Bên cạnh đó cần thiết lập chức năng tìm kiếm an toàn đối với công cụ tìm kiếm để loại bỏ những kết quả không phù hợp với trẻ em, cài đặt một số công cụ để lọc hoặc ngăn chặn những nội dung không phù hợp với trẻ em…

Trong tháng 6/2018, Cục Trẻ em sẽ tổ chức Tháng hành động Vì trẻ em năm 2018 với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số”. Nhiều hoạt động thiết thực sẽ được tổ chức trong Tháng, như: Tập huấn cho trẻ em về quyền trẻ em và kỹ năng an toàn khi sử dụng công nghệ số và mạng xã hội; tổ chức diễn đàn để trẻ em thảo luận, đề xuất các kiến nghị, sáng kiến xây dựng cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số và tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ trẻ em trên mạng...

Thanh Hà