1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Tăng lương cơ sở lên 1,49 triệu đồng từ 1/7/2019:

Lương tăng, công chức vẫn không đủ sống

Dù đón chờ mức lương mới từ ngày 1.7.2019, nhưng nhiều công chức, viên chức khẳng định mức tăng này vẫn không đáp ứng được mức sống tối thiểu.

Dù đón chờ mức lương mới từ ngày 1/7/2019, nhưng nhiều công chức, viên chức khẳng định mức tăng này vẫn không đáp ứng được mức sống tối thiểu. 

Bộ Nội vụ vừa xây dựng “dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở đối với các đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội”.

Nghị định này nhằm thực hiện Nghị quyết 70/2018 của Quốc hội điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,39 triệu đồng/tháng lên 1,49 triệu đồng/tháng (tăng thêm 7,19%) từ ngày 1/7/2019.

Lương tăng, công chức vẫn không đủ sống - 1

Cán bộ, công chức nhận mức lương thấp hơn mặt bằng lao động trực tiếp là một thực tế. Ảnh: Hải Nguyễn
 

15 năm vẫn duy trì một… công thức

Về đối tượng áp dụng và công thức tính lương, phụ cấp, dự thảo của Bộ Nội vụ vẫn căn cứ vào cách tính của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, tức hệ số lương nhân với mức lương cơ sở. Cách tính này duy trì đã 15 năm, nhưng cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có phương án nào khả thi hơn.

Với cách tính này, ngạch công chức đang có hệ số lương thấp nhất là nhóm C3 với hệ số lương là 1,35. Nếu như trước đây, ngạch công chức này nhận mức 1,876 triệu đồng/tháng thì từ 1/7/2019 sẽ được nâng lên là 2,0155 triệu đồng/tháng.

Mức lương này còn thấp hơn lương tối thiểu vùng VI được quy định tại Nghị định 157/2018/NĐ-CP áp dụng cho năm 2019 là 2,920 triệu đồng/tháng và chỉ bằng 48% mức lương tối thiểu vùng 1.

Nếu ngạch có hệ số lương thấp nhất là 1,35 thì công chức đang giữ hệ số lương cao nhất hiện nay là công chức loại A3, nhóm 1.

Công chức ở nhóm này có hệ số lương là 8,0 gồm Kiến trúc sư cao cấp, Nghiên cứu viên cao cấp, Kỹ sư cao cấp, Bác sĩ cao cấp, Dược sĩ cao cấp, Huấn luyện viên cao cấp, Điều tra viên cao cấp tài nguyên, môi trường, Kiểm soát viên cao cấp khí tượng thủy văn…

Mức lương hàng tháng cho nhóm này từ ngày 1/7/2019 sẽ là 11,92 triệu đồng/tháng, tăng hơn 800.000 đồng/tháng so với hiện nay.

Số nhận lương đông đảo nhất là nhóm công chức A1, A2 có hệ số từ 2,34 đến 4,4. Nếu được tăng lương, nhóm này sẽ nhận thêm từ 200.000-400.000 đồng/tháng với mức lương từ 3,49 triệu đến gần 6 triệu đồng/tháng.

Thực tế, so với lương tối thiểu vùng, mức lương công chức không có sự chênh lệnh đáng kể, thậm chí chỉ tương đương mức tối thiểu của công nhân - lao động.

Con số mới nhất được công bố tháng 4/2019 do Trung tâm Phát triển và Hội nhập công bố sau khi khảo sát công nhân ngành dệt may cho thấy: Tổng thu nhập công nhân may hiện trung bình đạt 6,48 triệu đồng/tháng và đây là mức mới bắt đầu có tích lũy.

Lương tăng, công chức vẫn không đủ sống - 2

Cán bộ, công chức nhận mức lương thấp hơn mặt bằng lao động trực tiếp là một thực tế. Ảnh: Hải Nguyễn.

Việc cán bộ, công chức nhận mức lương thấp hơn mặt bằng lao động trực tiếp là một thực tế. Để giải quyết vấn đề này, Ban Chấp hành Trung ương cũng đã ban hành Nghị quyết 27-NQ/TW nêu rõ, mục tiêu đến năm 2021, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức thấp nhất bình quân của vùng của khu vực doanh nghiệp.

Nguồn chi lương - bài toán khó giải

Về kinh phí thực hiện, theo Bộ Nội vụ, đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác ở trung ương sẽ sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên tăng thêm theo dự toán được giao năm 2019 của các cơ quan.

Một phần nguồn thu được để lại theo chế độ, hoặc sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2018 chưa sử dụng hết chuyển sang nếu có.

Đối với các tỉnh, thành trực thuộc trung ương sẽ sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên; 50% tăng thu ngân sách địa phương; 50% phần ngân sách giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực hành chính; sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2018 chuyển sang nếu có; hoặc sử dụng nguồn còn dư nếu có.

Bên cạnh đó, ngân sách Trung ương sẽ bổ sung nguồn kinh phí còn thiếu do điều chỉnh mức lương cơ sở năm 2019 cho các đơn vị.

Theo Nghị quyết số 73/2018/QH14 ngày 14/11/2018 của Quốc hội thì tổng chi ngân sách Trung ương cho năm 2019 là 1.019.599 tỉ đồng trong đó, chi thường xuyên là 454.748 tỉ đồng và chi cải cách tiền lương, tinh giản biên chế 16.200 tỉ đồng. Điều đáng nói, khoản tiền để chi lương chiếm tới 60 - 70% chi thường xuyên.

Sẽ tiến tới bỏ lương cơ sở

Nghị quyết 27-NQ/TW đã chỉ ra chính sách tiền lương vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Nghị quyết nêu các yếu tố để thiết kế bảng lương mới. Theo đó, cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương), bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).

Bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.

Để tổ chức triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 107/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ.

Rõ ràng, để công chức có được khoản lương đảm bảo cuộc sống, giải pháp chủ yếu đưa ra là tinh giản biên chế. Theo đó, đến năm 2021, mỗi năm giảm 1,7% biên chế công chức so với số được giao năm 2015; giảm tối thiểu 2,5% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với số giao năm 2015.

Đồng thời, hàng năm dành khoảng 50% tăng thu dự toán và 70% tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương, khoảng 40% tăng thu ngân sách Trung ương cho cải cách chính sách tiền lương…

Theo Báo Lao động