Cải cách chính sách tiền lương: Chưa bao giờ dễ dàng!

Việc xây dựng mới hệ thống tiền lương rất quan trọng, nhưng không khó bằng việc giải quyết những vấn đề vượt tầm của hệ thống tiền lương.

Mới đây, tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo cải cách chính sách tiền lương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Nội vụ phải rà soát các vị trí hiện có trong hệ thống chính trị để xây dựng chế độ tiền lương.

“Phải xây dựng vị trí việc làm để có căn cứ tuyển dụng, đánh giá và trả lương. Vị trí nào mức lương đó, kể cả anh đang ở trên mà bị điều xuống dưới thì giảm lương, không có kiểu sống lâu lên lão làng” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Một lần nữa câu chuyện “lương bổng” lại được nhắc tới với quyết tâm cao, như một việc “không thể không làm”.  Việc trả lương theo vị trí việc làm và chức danh là cách làm khoa học, cả thế giới đang làm. Quyết tâm đó nhận được sự đồng thuận cao của dư luận, cũng như giới chuyên gia, song để thực hiện được vẫn không phải là điều dễ dàng.

Cải cách chính sách tiền lương: Chưa bao giờ dễ dàng! - 1

 

Có thể nói, tiền lương luôn là vấn đề nóng thu hút được sự quan tâm chú ý của dư luận. Nhìn vào thực trạng xã hội hiện nay, không khó để chúng ta thấy vấn đề tiền lương đang có sự phân hóa, chênh lệch lớn giữa các nhóm đối tượng lao động. Trong số đó, chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận rằng lương của công chức đang khá thấp.

Muốn tăng lương cho công chức thì chúng ta cần có lộ trình phù hợp và đặc biệt là phải làm tốt công tác cán bộ. Chúng ta phải có cơ chế để đánh giá định tính giá trị sức lao động, những đóng góp của từng người để đưa ra mức tiền lương phù hợp với tùng đối tượng. Đây là một việc khó nên rất cần sự quyết tâm và đồng thuận của toàn bộ hệ thống chính trị.

Nói vậy hoàn toàn có cơ sở, bởi từ thực tế của những lần cải cách hệ thống tiền lương vừa qua cho thấy, việc xây dựng mới hệ thống tiền lương là rất quan trọng, nhưng không khó bằng việc giải quyết những vấn đề vượt tầm của hệ thống tiền lương. Thậm chí, nằm ngoài hệ thống tiền lương, nhưng lại có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của cải cách hệ thống tiền lương. Đó là việc tinh giản biên chế và bố trí nguồn cho lương.

Theo đó, mối quan tâm lớn nhất khi xây dựng đề án vị trí việc làm là phải bảo đảm nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy gắn với tinh giản biên chế (mỗi năm giảm 2,5% biên chế). Không chấp nhận xây dựng, phê duyệt đề án vị trí việc làm, nhưng biên chế vẫn tăng, phình ra, không bảo đảm được mục tiêu.

Các chuyên gia tính toán: “Nếu có thể làm một cách kiên quyết có thể giảm được 30%, có nhiều cơ quan tuyên bố có thể giảm 50%. Điều này không phải chúng ta mong muốn mà trong quá trình hiện đại hóa nền kinh tế, sử dụng chính phủ điện tử, công nghệ thông tin, tăng cường giao tiếp của người dân, doanh nghiệp trên hệ thống mạng điện tử sẽ giảm khâu tiếp xúc giữa cán bộ Nhà nước với người dân, mọi việc sẽ được xử lý trên mạng, theo hệ thống”.

Ở góc độ vĩ mô, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từng cho rằng: “Không thể nói kinh tế quá khó khăn nên không cải cách tiền lương mà càng khó khăn thì càng cần phải cải cách. Trong ngân sách hiện nay có đến 70% dành cho chi thường xuyên. Trong chi thường xuyên thì có tới 47% cho tiền lương. Do đó, phần tiền lương chiếm tỷ trọng trong toàn bộ ngân sách, GDP là rất cao”.

Người ta thường nhắc đến một nghịch lý đó là “Tiền lương chết đói”, thế  nhưng đa số cán bộ, công chức vẫn sống đàng hoàng. Kêu là tiền lương quá thấp nhưng để vào được biên chế lại cực kỳ khó khăn, và không ít trường hợp phải chạy chọt mới vào được. Bởi, thu nhập ngoài lương rất lớn; nhiều khoản thu nhập chưa được đưa vào lương (nhà ở, xe cộ, điện thoại…)..v..v.

Bởi thế, đồng quan điểm với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng: “Quy định trả lương theo vị trí việc làm sẽ loại bỏ tư duy điều hành theo mô hình chức nghiệp, nâng lương theo kiểu “sống lâu lên lão làng”, cứ 3 năm, 5 năm lại tăng một bậc lương, làm hạn chế khả năng, động lực phát triển của con người”.

Vấn đề đặt ra ở đây là: Làm sao xác định được vị trí việc làm cho thật chuẩn khi mà hiện nay đang có tình trạng “có việc gì làm việc đó”, một người ngồi vào vị trí này thì có thể làm một việc, nhưng cũng có khi làm hai ba việc, thậm chí có người phải làm từ A tới Z. Đó không phải là vị trí việc làm mà mới chỉ là vị trí làm việc của từng người.

Tức là, muốn xác định được vị trí việc làm thì phải trải qua một quá trình rất phức tạp, gian nan để xác định được vị trí việc làm gắn với công việc của từng người được làm và phải làm. Làm sao để người người nhận lương phải làm việc xứng đáng với tiền lương cao hơn đó?

Trong khi, vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức đang làm việc với hiệu suất và chất lượng rất kém, kém tới mức mà ngay cả với tiền lương thấp như hiện nay cũng chưa xứng đáng chứ chưa nói gì đến tăng lương. Cả hai phía đều phải chuyển biến thì mới có lúc gặp nhau. Có như vậy, tiến trình thực hiện chính sách tiền lương mới mang lại hiệu quả thiết thực.

Theo Sông Hàn/Diễn đàn Doanh nghiệp