Lương khủng phải gắn với hiệu quả DNNN

ĐBQH cho rằng luật Doanh nghiệp sửa đổi phải triệt tiêu được tình trạng lương cán bộ quản lý DN 100% vốn nhà nước được tính chỉ dựa trên các con số tuyệt đối theo quy định mà không dựa vào hiệu quả sản xuất kinh doanh.

 ĐBQH Bùi Sĩ Lợi.
 ĐBQH Bùi Sĩ Lợi. Ảnh: Minh Thăng

Chiều 9/9, Hội nghị ĐBQH chuyên trách đã cho ý kiến về dự án luật Doanh nghiệp sửa đổi. Vấn đề lương của các DN 100% vốn nhà nước được các ĐBQH nêu ra như một nội dung mà luật cần điều chỉnh để “bớt đi dư luận bấy lâu nay”.

ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) dẫn quy định “Lương, thưởng và quyền lợi khác của chủ tịch công ty do cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định và được tính vào chi phí quản lý DN” trong luật. Ông đánh giá nếu quy định như vậy thì không rõ tiền lương, thưởng này được xác định thế nào, có gắn với hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN không?

“Đây chính là vấn đề ta phải nêu ra để làm sao khắc phục tình trạng trả lương khủng thời gian qua”, ông Lợi nói.

Theo ông Lợi, cần làm rõ cơ chế trả lương cho các đối tượng là chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên của các DN 1 thành viên, DN do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

“Một số DN tại sao trả lương khủng? Chúng tôi nghiên cứu thì thấy là ông giám đốc mang tiền lương của khu vực quản lý DN hòa với thang bảng lương của khu vực sản xuất kinh doanh nên có ông hưởng lương đến mấy trăm triệu. Bản chất đó là tiền lương của người lao động, là khe hở, nếu không xử lý lần này là điều đáng tiếc trong luật Doanh nghiệp mới” - ĐB Bùi Sỹ Lợi đánh giá.

Nghị định 51 của Chính phủ quy định lương cán bộ quản lý DNNN tối đa là 38 triệu, nếu làm hiệu quả thì được trả thêm 18 triệu nữa, như vậy giám đốc DNNN tối đa được 54 triệu tiền lương.

Như vậy không gắn gì với hiệu quả sản xuất kinh doanh. “Anh nào đang là công chức mà được bổ nhiệm làm giám đốc tập đoàn, tổng công ty hay các DNNN thì quá sướng, chưa kể các khoản thưởng. Tiền lương trả cho cán bộ quản lý DNNN phải gắn với hiệu quả sản xuất kinh doanh và mức độ đóng góp, kết quả quản lý chứ không phải cứ căn theo con số tuyệt đối” - ông nói.

Đồng tình với ông Bùi Sỹ Lợi, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội nêu câu hỏi tại sao lương của nhóm quản lý các công ty TNHH 1 thành viên 100% vốn nhà nước lại đồng loạt là hơn 30 triệu đồng, có nơi hơn 50 triệu đồng/tháng, trong khi mức độ hiệu quả sản xuất kinh doanh của các công ty rất khác nhau? Nếu cứ thế này thì không thể đẩy năng lực sản xuất kinh doanh của DNNN lên mức cao được.

Bà Mai đề nghị luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cần tách riêng nội dung này (lương của nhóm quản lý các công ty 100% vốn nhà nước) thành một điều, với nguyên tắc xác định lương là phải dựa vào hiệu quả sản xuất kinh doanh, thể hiện khả năng quản trị và hiệu quả công việc.

“Ai sẽ là người quyết định lương của nhóm này? Trong luật đang quy định ông chủ tịch Hội đồng thành viên thì do cơ quan chủ sở hữu quyết định, còn các thành viên còn lại do Hội đồng thành viên quyết định. Tôi nghĩ ông chủ sở hữu nên quyết định toàn bộ việc này. Hàng năm công ty phải báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh để bớt đi dư luận xã hội bấy lâu nay”, bà Trương Thị Mai nói.

Theo Cẩm Quyên/Vietnamnet.vn