1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Lương cơ sở: Hướng tới cải cách tiền lương cho nhóm 500.000 công chức

(Dân trí) - Trao đổi về đề xuất tăng lương cơ sở lên 1.300.000 đồng, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm uỷ Ban các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho rằng, cần tập trung cải cách chính sách tiền lương cho 500.000 công chức từ T.Ư tới xã phường. Nhóm viên chức còn lại nên tính tới phương án tính lương theo kết quả “đầu ra”.

Ông cho rằng đề xuất tăng thêm lương cơ sở từ 1.210.000 đồng lên 1.300.000 đồng dự kiến sẽ được đưa ra bàn thảo tại Quốc hội tới đây, chỉ có tính giải pháp tình thế?

- Tôi hoan nghênh ý tưởng của Chính phủ về đề xuất nâng thêm 7-8% lương cơ sở, tương ứng với 90.000 đồng (tăng từ 1.210.000 đồng lên 1.300.000 đồng). Đây là việc làm cần thiết trong thời điểm hiện nay.

Lương cơ sở: Hướng tới cải cách tiền lương cho nhóm 500.000 công chức - 1

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm uỷ Ban các vấn đề xã hội của Quốc hội

Điều này chứng tỏ Chính phủ đã nhìn thấy những khó khăn trong đời sống cán bộ công chức. Rõ ràng, việc nâng mức lương cũng là cách hỗ trợ đời sống của người làm công ăn lương, người về hưu, người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi.

Nhưng nói một cách căn cơ, việc nâng lương nói trên chỉ là một giải pháp tình thế tạm thời. Dù giải pháp này có tác động tới đời sống xã hội nhưng không là cải cách chính sách tiền lương, chưa thể đáp ứng được rốt ráo đời sống của cán bộ công chức.

Đội ngũ công chức, viên chức trong cả nước hiện có khoảng 2,8 triệu người. Nếu chúng ta đồng loạt cải cách tiền lương cho 2,8 triệu công chức, viên chức thì sẽ rất khó cho nguồn lực tài chính.

“Xin dẫn một ví dụ hiện nay, chúng ta đang chuyển từ việc công chức thực hiện công việc trả lương hưu bằng hình thức thuê dịch vụ bưu điện thực hiện. Dịch vụ này đã tới tận nhà người hưu trí và trả đầy đủ. Dịch vụ này chỉ tốn bằng khoảng 0,7 % chi phí”- ông Bùi Sỹ Lợi nói.

Tôi cho rằng nên tập trung vào cải cách tiền lương của nhóm 500.000 công chức quản lý nhà nước từ trung ương tới cấp xã, phường.

Với số 2,3 triệu người còn lại chủ yếu thuộc khu vực dịch vụ công. Chúng ta cần chuyển đổi sang mô hình tự chủ, tự chịu trách nhiệm, giao quyền tự chủ cho các đơn vị, tự quyết định chức năng nhiệm vụ và tự tuyển lao động.

Một số chuyên gia cho rằng, khoảng 700.000 công chức, viên chức chưa làm việc chưa hiệu quả, ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?

Đây là dự báo của các chuyên gia. Điều này có thể không bằng nhưng cũng có thể tăng cao hơn.

Ông Bùi Sỹ Lợi: Việc cải cách phải toàn diện và căn cơ, cải cách bảng lương, thang lương, phụ cấp lương và bội số tiền lương.

Giả sử câu chuyện đó xảy ra, điều đó tức là có tới khoảng 1/3 công chức, viên chức chất lượng thấp - sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về. Điều này làm cản trở tới năng suất lao động và sự phát triển xã hội. Nguồn tài chính có thể bị thiệt hại tới hàng ngàn tỉ đồng.

Thực chất đúng ra sao, chúng ta cũng chưa có câu trả lời cụ thể. Trước đây, một vị bộ trưởng có trả lời khoảng 1 % công chức, viên chức làm việc chưa hiệu quả và cho rằng số liệu do các cơ quan đưa lên. Con số này khó có thể tin được. Nhưng nếu đúng là 30% thì việc hiệu quả thấp là điều hiển nhiên.

Một số ý kiến cho rằng nên bỏ biên chế ở khu vực dịch vụ công, quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

- Tôi ủng hộ việc cải cách biên chế trong khu vực dịch vụ công. Khu vực dịch vụ này hoàn toàn không cần biên chế và có thể dựa vào chức năng, nhiệm vụ và kết quả hoạt động. Trên cơ sở đó, đơn vị cần chủ động xác định cần bao nhiêu người và trong lúc nào,

Còn nếu duy trì cả một bộ máy như vậy mà không có việc làm thì sẽ không bao giờ giải quyết được bài toán đó cả.

Với viên chức, chỉ có ngành giáo dục, y tế căn cứ vào nhu cầu phục vụ người bệnh hoặc học sinh để xác định biên chế và chi phí của nhà nước khoán cho dịch vụ.

Còn các dịch vụ công khác, chúng ta phải lấy từ kết quả dịch vụ hoạt động. Nhà nước sẽ căn cứ với kết quả đó để trả lương. Không nên giao biên chế cho các đơn vị sự nghiệp công mà phải dựa vào nhiệm vụ và kết quả hoạt động.

Xin cảm ơn ông

Hoàng Mạnh thực hiện