Luật hóa việc công chức không được nịnh bợ cấp trên

Bộ Nội vụ vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án Văn hóa công vụ trong đó các hành vi vi phạm sẽ bị xử lý.

Luật hóa việc công chức không được nịnh bợ cấp trên - 1

Quyết định nêu rõ: cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị mình trong việc thực hiện văn hóa công vụ, coi đây là tiêu chí để bình xét thi đua, đề nghị khen thưởng hàng năm. Các trường hợp vi phạm quy định về văn hóa công vụ sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định.

Việc thực hiện văn hóa công vụ sẽ được kiểm tra, giám sát và thực hiện chế độ báo cáo hàng năm, sơ kết, tổng kết theo quy định. Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu, đề xuất bổ sung các quy định về văn hóa công vụ trong luật Cán bộ, công chức; luật Viên chức và hoàn thành vào tháng 12/2019.

Đề án Văn hóa công vụ được phê duyệt vào đầu năm nay quy định 4 nội dung. Trong đó có quy định về chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức đối với lãnh đạo cấp trên phải tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng sự chỉ đạo, điều hành, phân công công việc của cấp trên; không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ, không nịnh bợ, lấy lòng vì động cơ không trong sáng.

Như vậy có thể thấy, khi Đề án Văn hóa công vụ được đưa vào Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, ai vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định. Các hành vi “nịnh bợ, lấy lòng cấp trên vì động cơ không trong sáng” của công chức, viên chức sẽ bị xử phạt đến nơi đến chốn.

Bình luận về chuyện này, nhiều người thấy vui mừng bởi như thế, những kẻ chuyên dùng ba tấc lưỡi nịnh hót để tiến thân sẽ bị trừng trị thích đáng. Trong các công sở, bao giờ cũng tồn tại rất nhiều những cán bộ như vậy, chuyên môn chính của họ chỉ là “đón ý” cấp trên để tung hứng, bợ đỡ. Họ trở thành “nô tài” của sếp cơ quan, không chỉ nịnh sếp, họ thậm chí còn nhanh nhẹn đi nịnh vợ sếp, con sếp. Chẳng nói đâu xa, vụ dùng xe biển xanh đi đón quý phu nhân tận chân máy bay gây ì xèo dư luận vừa mới đây cũng chính là một biểu hiện của chuyện “nịnh bợ, lấy lòng cấp trên” đó thôi?

Ấy thế nhưng, rất nhiều người lại tỏ ra nghi ngại về chuyện “luật hóa việc công chức không được nịnh bợ cấp trên” này. Bởi theo họ, chuyện nịnh bợ cấp trên chỉ có người nịnh và người được nịnh biết, mà sếp thì đa phần ông nào cũng thích nghe những lời nịnh hót du dương bên tai, vậy thì chả lẽ đang lúc sung sướng như ngự trên mây trên gió, cấp trên lại tỉnh ra mà xử lý cấp dưới vì tội “nịnh bợ, lấy lòng” mình?

Hơn nữa, cấm cấp dưới nịnh cấp trên với động cơ không trong sáng, còn nịnh với động cơ trong sáng như kiểu “dùng lời nói động viên cấp trên để cấp trên bớt mệt mỏi, tái tạo sức lao động để tiếp tục cống hiến” thì xử phạt thế nào được?

Riêng cái chuyện ngồi phân tích xem thế nào là “nịnh bợ không trong sáng” và thế nào là “nịnh trong sáng”, có lẽ đã đủ ù tai nhức óc lên rồi.

Thế mới nói, chuyện nịnh bợ, lấy lòng cấp trên nó chỉ tồn tại trong những môi trường công sở thiếu văn minh, nơi mà người lãnh đạo ưa nghe nịnh hót, nơi có những cán bộ thích khom lưng uốn gối để tiến thân thay vì tu dưỡng đạo đức, chuyên môn. Cơ quan nào có tình trạng nịnh nọt cấp trên, cơ quan ấy chắc chắn có tình trạng “đội trên, đạp dưới”. Bởi những kẻ khom lưng uốn gối trước lãnh đạo sẽ đì đọp đến chết cấp dưới của mình, để lấy oai.

Cái gốc rễ của vấn đề là làm sao để có những cơ quan, công sở khi đánh giá cán bộ, công chức thì lấy tiêu chí đạo đức, tư cách con người và khả năng chuyên môn làm đầu. Nếu làm được như thế thì việc gì ai phải nịnh nọt, bợ đỡ ai làm gì cho mệt người?

Còn một khi trong cơ quan công sở, vẫn còn tồn tại những ông sếp thích nịnh, thích tạo phe cách để đấu đá nhau, thích đưa cả họ làm quan để ngồi mát ăn bát vàng thì chuyện nịnh nọt, bợ đỡ sẽ muôn đời không thể chấm dứt, kể cả khi nó được đưa vào luật.

Theo Mi An/Báo Đất Việt