Lừa "chạy" việc vào ngành y, người phụ nữ chiếm đoạt tiền tỉ
(Dân trí) - Không nghề nghiệp nhưng Oanh "nổ" thân thiết với lãnh đạo Sở Y tế, có thể "chạy" việc vào các cơ sở y tế trong tỉnh Nghệ An. Có 10 nạn nhân sập bẫy, "cống" cho Oanh và đồng bọn hơn 2,7 tỉ đồng.
Ngày 23/12, tại trụ sở TAND tỉnh Nghệ An (Nghệ An), TAND cấp cao mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xét xử vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" đối với Ngô Thị Oanh (SN 1969, trú TP Vinh, Nghệ An).
Bán "nước bọt" lừa tiền tỉ
Theo tài liệu điều tra, Ngô Thị Oanh đã từng bị tuyên phạt 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thử thách 15 tháng về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức".
Chấp hành xong bản án này, nhận thấy nhu cầu xin việc vào ngành y tế trên địa bàn cao, Oanh bàn bạc với Nguyễn Thị Hằng (SN 1985, trú tại TP Vinh) thực hiện hành vi lừa đảo.
Dù chỉ là lao động tự do nhưng có biệt tài khua môi múa mép, Oanh lân la làm quen với những gia đình có con cái tốt nghiệp các trường y nhưng chưa có việc làm.
Người phụ nữ này "nổ" mình rất thân thiết với lãnh đạo ngành y tế nên có thể "giúp" xin việc vào trung tâm huyết học và các bệnh viện trong tỉnh. Để các nạn nhân tin tưởng, Oanh chỉ yêu cầu đặt cọc 1 phần tiền kèm hứa hẹn trong vòng 3-6 tháng sẽ có quyết định tuyển dụng, khi đó mới phải đóng nốt số tiền còn lại.
Bị cáo Nguyễn Thị Hằng cũng có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt từ 3 năm tù giam sang tù treo. Tuy nhiên, nội dung kháng cáo này của bị cáo Hằng cũng không được cấp phúc thẩm chấp nhận.
Cuối năm 2016, tin lời Oanh, ông Bùi Văn H. (trú huyện Anh Sơn) đã chồng 100 triệu đồng trong tổng số 170 triệu theo yêu cầu để nhờ xin việc cho con gái vào Bệnh viện đa khoa huyện Anh Sơn. Nửa năm sau, Oanh nói sắp có quyết định đi làm nên yêu cầu người nhà ông H. chuyển tiếp 50 triệu đồng.
Một thời gian sau, Oanh nói không xin được cho con gái ông H. vào bệnh viện huyện nên sẽ "chạy" vào bệnh viện tỉnh. Người phụ nữ này còn thuyết phục ông H. bỏ 150 triệu để xin việc cho cậu con trai vừa tốt nghiệp trường y vào bệnh viện tỉnh làm cùng chị gái.
Sau nhiều lần đưa ra đủ các lý do để lấy tiền, Ngô Thị Oanh đã chiếm đoạt của ông H. 420 triệu đồng để xin việc cho 2 con ông này. Chờ mãi không thấy được đi làm, đòi lại tiền cũng không được, chị Bùi Thị H. (con gái ông Bùi Văn H.) đã làm đơn tố cáo Ngô Thị Oanh đến cơ quan điều tra. Ngày 28/12/2018, Ngô Thị Oanh bị bắt giữ.
Cơ quan điều tra xác định, trong quảng thời gian từ 2014-2018, với thủ đoạn tương tự, Ngô Thị Oanh đã thực hiện 9 vụ lừa đảo xin việc làm khác, chiếm đoạt hơn 2,7 tỉ đồng. Trong đó, nhận của chị Đoàn Thị L.N. 10 bộ hồ sơ xin việc cùng hơn 1,1 tỉ đồng để "chạy" cho người quen của chị này vào làm việc tại Trung tâm huyết học truyền máu tỉnh.
Ngô Thị Oanh đã đưa hồ sơ và tiền của 6 nạn nhân cho Nguyễn Thị Hằng để Hằng xin việc vào các bệnh viện nhưng không có kết quả. Ngoài ra Oanh còn câu kết với Nguyễn Thị Thúy (SN 1975, trú TP Vinh) thực hiện một vụ lừa đảo xin việc khác, chiếm đoạt của 1 nạn nhân 210 triệu đồng.
Khi sự việc vỡ lở, 3 bị cáo đã khắc phục được 1 phần cho các nạn nhân.
Xét vai trò của từng bị cáo trong vụ án, cấp sơ thẩm tuyên phạt Ngô Thị Oanh 10 năm tù; Nguyễn Thị Hằng 3 năm tù giam; Nguyễn Thị Thúy 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Các bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường số tiền đã chiếm đoạt, được trừ cho phần đã khắc phục trước đó.
Quanh co chối tội
Ngô Thị Oanh đã có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tại phiên tòa phúc thẩm, Oanh cho rằng có một số trường hợp bị cáo đã xin được việc cho bị hại. Do vậy, không thể quy kết bị cáo đã chiếm đoạt hơn 2,7 tỉ đồng. Bị cáo chỉ thừa nhận trách nhiệm hình sự với số tiền chiếm đoạt gần 400 triệu đồng.
HĐXX đã phải công bố các văn bản trả lời của các cơ quan liên quan về những trường hợp bị cáo Oanh nêu. Tại các văn bản này, các cơ quan liên quan đều khẳng định không có tên những nạn nhân kể trên trong danh sách biên chế hay hợp đồng làm việc dài hạn của đơn vị; các cơ quan này không tiếp nhận các lao động trên vào học việc.
Mặc dù vậy, Ngô Thị Oanh vẫn cho rằng các nội dung trả lời trên của các cơ quan chức năng là không chính xác. "Bị cáo đều có tin nhắn chụp các quyết định tuyển dụng, tiếp nhận vào làm việc của các bị hại trên". Dù khẳng định đã xin được việc cho một số nạn nhân nhưng Oanh không lý giải được vì sao lại bị các nạn nhân tố cáo hành vi lừa đảo của mình đến cơ quan chức năng.
Ngô Thị Oanh cũng thừa nhận bản thân không có quyền hạn, chức năng, quyền hạn bố trí việc làm cho người khác.
Luật sư bào chữa cho bị cáo có xuất trình một số biên lai thể hiện Ngô Thị Oanh đã bồi thường thêm cho các bị hại 110 triệu đồng. Tuy nhiên số tiền này chỉ là một phần nhỏ so với phần bị cáo phải khắc phục, bồi thường cho các bị hại theo bản án sơ thẩm.
Xem xét toàn diện vụ án cũng như quá trình xét hỏi, tranh tụng công khai tại phiên tòa, HĐXX nhận định nội dung kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Ngô Thị Oanh là không có căn cứ nên giữ nguyên bản án sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo 10 năm tù.