Lo lương thấp, người lao động tìm việc được... tăng ca
(Dân trí) - Bối cảnh nhiều doanh nghiệp giảm đơn hàng, người lao động đi tìm việc cũng rất trăn trở. Họ mong được nhận vào các đơn vị có việc làm ổn định, được tăng ca.
Quan tâm có được tăng ca hay không
Chiếc xe máy cà tàng cua gấp vào khu vực bảng tin tuyển dụng cổng Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội), anh Lý Quốc Đạt (30 tuổi) cùng em họ là Lý Văn Hậu (25 tuổi) rảo bước đến vị trí dán những tờ thông báo tuyển dụng của các doanh nghiệp.
Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, anh Hậu vượt quãng đường hơn 25km từ xã Ngọc Thanh (Phúc Yên, Vĩnh Phúc) đến đây tìm việc. "Ở nhà lâu, công việc không ổn định cũng chán nên anh em tôi xuống đây xin làm công nhân", anh Đạt chia sẻ.
Khoanh tay trước ngực, anh Lý Văn Hậu đi tới đi lui, ghé sát mặt vào bảng tin để đọc kĩ thông tin tuyển dụng. Như trước đây, các doanh nghiệp tuyển dụng dán thông báo kín mít tấm bảng thì nay chỉ lác đác hơn chục đơn vị có nhu cầu tìm người.
Thông tin doanh nghiệp, yêu cầu tuyển dụng được liệt kê chi tiết và không thể thiếu con số tiền lương được in đậm, nổi bật nhất. 7 - 8 triệu đồng/tháng là mức thu nhập thường được các doanh nghiệp trong khu công nghiệp này đưa ra.
Mong muốn duy nhất của anh Đạt là không làm ở "phòng sạch" (căn phòng được thiết kế khép kín, yêu cầu khống chế lượng bụi, khí, vi khuẩn ở mức thấp nhất có thể - PV). "Đứng không sợ, vất cũng được, nhưng nhất quyết tôi không muốn làm ở phòng sạch", anh Đạt quả quyết.
Hóa ra, người lao động này từng có 6 năm làm công nhân tại phòng sạch của một công ty sản xuất linh kiện điện tử trong khu công nghiệp này. Thu nhập trung bình khoảng 8 - 9 triệu đồng/tháng. Nếu một tháng không nghỉ ngày nào, tăng ca đều, anh Đạt có thể đạt mức thu nhập 11,5 triệu đồng sau khi trừ các khoản tiền đóng bảo hiểm, thuế…
Dù cho thu nhập tốt, song làm trong môi trường đó khá vất vả, bí bách, quy định nghiêm ngặt khiến nam công nhân đến giờ vẫn còn ám ảnh.
Sau một hồi tìm kiếm, anh Đạt dường như đã nhắm được công ty có mức thu nhập khá, phù hợp tiêu chí công việc của mình. Song lao động này chợt thốt lên: "Ôi, đã hết hạn nộp hồ sơ hôm 30/4".
Em họ của anh Đạt là Lý Văn Hậu cũng ra sức đọc thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp. Hậu kể do bản thân ít học, không có bằng cấp nên buộc phải chọn làm công nhân. Trước đó, Hậu từng làm công nhân tại khu công nghiệp ở Vĩnh Phúc.
Làm việc ở quê gần nhà, song thu nhập không thể bằng ở Hà Nội. Vì vậy, Hậu cùng anh họ xuống đây tìm việc để mong có thu nhập cao hơn.
"Em đang xem các công ty tuyển dụng mức lương như thế nào. Điều em quan tâm nhất là lương thế nào, công việc có được tăng ca hay không. Vì nhiều công ty trong khu công nghiệp chỉ được đi làm hành chính", Hậu chia sẻ.
Nếu tìm được công việc phù hợp, Hậu cùng anh họ thuê trọ tại xã Kim Chung cho thuận lợi đi lại. Thêm chi phí sinh hoạt, nên nam công nhân mong mỏi được tăng ca. Bởi nếu chỉ làm chuẩn giờ, công nhân mới như Hậu chỉ nhận về mức lương 6 - 7 triệu đồng/tháng, cũng khó khăn trong việc trang trải cuộc sống tại thủ đô.
Dự báo nhiều ngành nghề tiếp tục giảm việc
Tổng cục Thống kê cho biết, có gần 294.000 lao động phải nghỉ, giãn việc do các doanh nghiệp thiếu đơn hàng trong 3 tháng đầu năm. Cả nước có gần 118.000 động bị mất việc tại các doanh nghiệp trong quý IV/2022. Sang quý I/2023, con số này không giảm đi mà tăng lên, với số lượng gần 149.000 người.
Trong khi đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự báo các ngành may mặc sẽ tiếp tục giảm 38.100 việc làm ; sản xuất giường tủ bàn ghế giảm 38.000; in, sao chép bản ghi các loại giảm 37.800 người…
Trước thực trạng trên, các địa phương tăng cường kết nối việc làm cho người lao động. Trong tháng 4, Hà Nội đã giải quyết việc làm cho hơn 20.000 lao động. Còn Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự báo, sẽ có khoảng 51,25 triệu người có việc làm trong quý II, tăng thêm 150.000 người so với quý I (51,1 triệu người có việc làm).
Thời gian tới, các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tham mưu cơ quan liên quan ban hành Kế hoạch thu thập thông tin thị trường lao động năm 2023 và chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ Việc làm địa phương tiếp tục tổ chức thu thập, cung cấp thông tin về nhu cầu tìm việc, học nghề, xuất khẩu lao động của người lao động qua các hình thức; định hướng đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho người lao động khi bị mất việc làm.