Lỡ hẹn nhiều năm, công nhân ngóng nghỉ lễ 5 ngày: "Nhớ nhà lắm rồi!"
(Dân trí) - Dịch Covid-19, kinh tế khó khăn, không ít công nhân tại TPHCM chưa thể về quê trong nhiều năm. Đặc biệt, với những người trụ lại thành phố Tết vừa rồi, lễ 30/4-1/5 được nghỉ 5 ngày là cơ hội bù đắp.
Trở về nhà trọ sau ca làm, chị Thu Hương (35 tuổi, quê tại An Giang) mở điện thoại gọi về gia đình, thông báo: "Má ơi, lễ con về!".
Đầu dây điện thoại bên kia, mẹ của chị Hương vừa mới xuất viện về nhà, reo lên: "Mừng quá! 3 năm qua con tôi không về rồi".
Chị Hương có 20 năm làm công nhân cho một công ty sản xuất giày trên địa bàn TPHCM. Năm 15 tuổi, chị rời quê hương lên thành phố để lập nghiệp. Thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống, số lần về quê đếm trên đầu ngón tay. Trước đây, chị Hương vẫn cố về thăm ba mẹ ít nhất 1 lần/năm vào mỗi dịp Tết Nguyên đán.
Thế nhưng, từ giai đoạn Covid-19 đến nay, chị chưa về quê được lần nào. Con trai chị nay đã 3 tuổi mà ông bà mới chỉ biết mặt cháu qua màn hình điện thoại.
"Lúc dịch Covid-19 đến, tôi đang mang bầu nên không thể đi đâu được, phải ở trong phòng trọ để tránh dịch. Lúc đó gia đình cũng lo lắm, nhưng không thể làm gì khác.
Hết dịch thì kinh tế khó khăn. Mấy năm qua, hai vợ chồng đều bị giảm giờ làm, nghỉ luân phiên suốt, chỉ đến nhà máy 3 ngày/tuần. Hết tiền, làm sao dám về, mà cứ phải nghĩ lí do để né tránh câu hỏi "khi nào về thăm nhà" của ba mẹ", chị nghẹn ngào.
Từ cuối năm ngoái đến nay, chị Hương mừng rỡ khi hai vợ chồng được tăng ca trở lại. Mỗi ngày đều đặn làm 2 ca, thu nhập có cải thiện nhờ được tăng ca 1 giờ mỗi ngày. Đón tin được nghỉ 5 ngày cuối tháng 4 này, chị Hương không khỏi vui mừng nghĩ đến chuyện sẽ về thăm nhà.
"Theo lịch thì chỉ được nghỉ 2 ngày, tôi thấy không đủ nên đã định xin nghỉ thêm, trừ vào ngày phép năm. Giờ nếu được nghỉ 5 ngày theo đề xuất, tôi sẽ có đủ thời gian sắp xếp về quê, lại không bị mất 2 ngày phép", chị Hương hào hứng tính toán.
Nữ công nhân cho hay chị dự định chiều 27/4, sau khi tan làm sẽ cùng chồng chở theo con về nhà để kịp sáng 28 tổ chức nấu ăn, làm bữa liên hoan nhỏ ở nhà. Sau đó, gia đình sẽ tận hưởng, nghỉ ngơi trong những ngày ở quê rồi tranh thủ quay về thành phố trong ngày 1/5.
Tương tự, nam công nhân Văn Sơn (32 tuổi, ngụ tại quận 7) cho hay dịp lễ 30/4-1/5 này, anh cũng sẽ tranh thủ về quê bằng tiền tích cóp nhiều tháng qua. Anh Sơn kể đã nhiều năm anh không được tận hưởng kỳ nghỉ dài ở quê nhà Vĩnh Long. Nếu có về, thời gian thăm ba mẹ cũng chỉ chớp nhoáng 1-2 ngày.
Từ đầu năm đến nay, anh được tăng ca trở lại, thu nhập hồi phục như trước nên cuộc sống sinh hoạt cũng thoải mái hơn. Vì thế, anh quyết định tận dụng thời gian này về thăm nhà.
"Cuộc sống tuy vất vả nhưng chắc tôi sẽ tạm gác, dành thời gian cho gia đình nhiều hơn. Tình hình khó khăn chung, tôi cũng không ép bản thân áp lực quá nhiều. Về quê ăn bữa cơm nhà với ba mẹ, thăm họ hàng người thân đã lâu không gặp cũng là cách để giải tỏa áp lực nơi thành phố. Tôi trông chờ lắm việc được nghỉ 5 ngày để không bị trừ phép năm", anh Sơn chia sẻ.
Trong công văn sáng 10/4, Văn phòng Quốc hội đã nhất trí với đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH về việc hoán đổi ngày làm việc bình thường (29/4) và làm bù sang ngày khác, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định để người lao động được nghỉ 5 ngày liên tục.
Cùng ngày, Bộ Tài chính cũng có công văn thống nhất với nội dung dự thảo công văn gửi Thủ tướng Chính phủ của Bộ LĐ-TB&XH về việc hoán đổi ngày nghỉ dịp 30/4-1/5.
Như vậy, đến nay đã có 8 cơ quan cho ý kiến về việc hoán đổi ngày 29/4 làm bù sang dịp khác để kỳ nghỉ 30/4-1/5 kéo dài 5 ngày như đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH.
Bộ LĐ-TB&XH cho biết, sau khi có đầy đủ ý kiến của các Bộ, ngành, cơ quan soạn thảo mới tổng hợp, tham mưu lãnh đạo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Trước đó, Bộ LĐ-TB&XH có văn bản gửi xin ý kiến 15 bộ, ngành về việc đề xuất hoán đổi ngày làm việc dịp nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 1/5.
Bên cạnh nghỉ lễ 30/4-1/5, trong tháng 4 này, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động cũng được nghỉ ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 Âm lịch rơi vào thứ năm ngày 18/4. Đây là ngày làm việc trong tuần của người lao động nên lịch nghỉ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 chỉ trọn 1 ngày là thứ năm ngày 18/4 (tức ngày 10/3 Âm lịch).
Nếu đề xuất hoán đổi ngày làm việc để kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 được kéo dài 5 ngày liên tiếp được thông qua, trong tháng này, người lao động sẽ được nghỉ lễ 6 ngày.