Liên tục mưa trái mùa, chủ vườn lo "trắng tay" khi trồng hoa Tết

Nguyễn Vy

(Dân trí) - "Lắm lúc, tôi cũng không hiểu vì sao phải vất vả như thế, có lẽ vì mình đam mê cái nghề đã gắn bó, nuôi sống gia đình hơn 30 năm qua", chủ vườn hoa Tết tại TPHCM nói.

Thời tiết thất thường, chi phí gấp đôi

Giữa trưa, dưới trời nắng gắt, chị Trịnh Thị Kim Lan (ngụ tại TPHCM) cặm cụi lặt từng nụ hoa cúc cho kịp tiến độ. Chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2025, chị Lan không giấu được nỗi lo lắng khi nhắc đến tình hình kinh doanh và dự báo sức mua sắp tới.

Liên tục mưa trái mùa, chủ vườn lo trắng tay khi trồng hoa Tết - 1

Chị Lan tất bật lặt nụ cho kịp tiến độ ra hoa, phục vụ Tết Nguyên đán 2025 (Ảnh: Nguyễn Vy).

Nhớ lại mùa Tết năm 2024, chị Lan cho hay 8.000 chậu hoa đủ loại chỉ được thương lái đặt mua hơn một nửa, còn lại chị buộc phải tự mang ra chợ bán lẻ. Cả năm cày cuốc vất vả nhưng lợi nhuận "không thấm vào đâu".

Từ tháng 6, chị đã bắt đầu mùa vụ mới để kịp chuẩn bị cho Tết. Lo cung vượt cầu như năm ngoái, chị giảm số lượng trồng, duy trì ở mức 7.000 chậu, gồm các loại như cúc pha lê, cúc đại đóa, cát tường… Riêng hoa mào gà, chị Lan trồng hạn chế vì loại này kén người mua.

"Những mối sỉ gắn bó hàng chục năm thì nay có người không trụ nổi khó khăn đã bỏ nghề; người cố gắng gồng gánh thì nhập ít lại, vì sợ không thể bán hết", chị Lan nói.

Ngoài sức mua giảm, chủ vườn hoa lại méo mặt khi thời tiết năm nay thất thường, nhiều trận mưa trái mùa.

Liên tục mưa trái mùa, chủ vườn lo trắng tay khi trồng hoa Tết - 2

Công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ nên chị Lan phải trực tiếp xuống vườn để làm thì mới yên tâm (Ảnh: Nguyễn Vy).

"Mỗi khi mưa lớn, tôi trở tay không kịp. Hoa vừa được phun thuốc xong lại trôi hết, hôm sau lại phải phun lại. Có lúc, hạt giống tôi vừa gieo cũng bị cuốn đi. Những lúc như vậy chỉ đành bất lực, tốn công sức và chi phí gấp đôi", chị Lan bộc bạch.

Nữ chủ vườn cho hay nếu dùng lưới che lại thì phải tốn công mở ra kiểm tra liên tục. Năm nay, vì tiết kiệm chi phí nên chị chỉ thuê 7 nhân công làm thời vụ, không đủ nhân lực để làm thêm việc. Đến giờ, chị Lan vẫn chưa công bố giá hoa Tết, còn phải chờ xem tình hình thị trường.

Liên tục mưa trái mùa, chủ vườn lo trắng tay khi trồng hoa Tết - 3

Nhiều chủ vườn giảm số lượng trồng vì sợ ế ẩm (Ảnh: Nguyễn Vy).

Cách đó không xa, một chủ vườn ở làng hoa Thới An cũng thừa nhận thời tiết năm nay ảnh hưởng nhiều đến sinh trưởng của cây và sản lượng hoa, tăng chi phí đầu tư, chăm sóc. Tình hình kinh tế năm nay khó khăn nên vườn hoa chỉ trồng 30.000 chậu, giảm 10.000 chậu so với năm trước.

"Dù việc kinh doanh khó khăn, chủ vườn vẫn đảm bảo thu nhập cho chúng tôi. Tôi hi vọng Tết sắp tới, người dân sẽ ủng hộ nhiều hơn để công sức vun trồng cả năm được đền đáp", ông Hai Hùng (50 tuổi), nhân công tại vườn hoa, chia sẻ.

Bám trụ nghề vì đam mê

Bày tỏ với vẻ tự hào, chị Lan bộc bạch xem vườn hoa là "đứa con" tinh thần của mình. Theo nghề từ khi mới 20 tuổi, thấm thía cái vất vả nên đối với chị, mỗi chậu hoa thành phẩm là công sức cả năm dài của người nông dân.

Dù là chủ nhưng chị Lan hiếm khi vắng mặt ở vườn hoa. Nhân công tưới cây, bón phân, xới đất, chị Lan đều giám sát, cùng ngồi làm. Lắm lúc, nhân công ở vườn đã về hết, chỉ còn vợ chồng chị làm đến tối muộn mới nghỉ ngơi.

Liên tục mưa trái mùa, chủ vườn lo trắng tay khi trồng hoa Tết - 4

Kinh tế khó khăn, chị Lan vẫn kỳ vọng và bám trụ vào nghề nông (Ảnh: Nguyễn Vy).

"Vào những lúc cao điểm, các con cũng đến phụ nhưng chia sẻ thật với mẹ là nhất quyết không theo nghề, vì vất vả quá, chủ yếu lấy công làm lãi thôi. Nhiều người nói đùa rằng tôi là chủ vườn hoa nên chắc giàu lắm, nhưng thật ra là giàu tình cảm", chị Lan nói nửa đùa, nửa thật.

Giao thừa năm ngoái, trong tiếng pháo hoa rộn rã, chị Lan nhớ mình còn ngồi ở chợ Tết, rầu rĩ nhìn những chậu hoa chưa kịp bán hết. Thế nhưng, chị tự nhủ mọi thứ sẽ dần tốt hơn, chị sẽ giữ được cái nghề nuôi sống cả gia đình mình hơn 30 năm qua.

Liên tục mưa trái mùa, chủ vườn lo trắng tay khi trồng hoa Tết - 5

Nhân công bón phân cho chậu hoa tại vườn (Ảnh: Nguyễn Vy).

"Nghề nào cũng vất vả cả, khó khăn thì khó khăn chung. Chúng tôi giờ đây chỉ có thể hi vọng Tết năm nay người dân ủng hộ, mua hoa thật sớm, để người nông dân cũng có tiền, yên tâm ăn Tết như bao gia đình khác", bà Lan nói.