Lên mạng kể chuyện hậu thất nghiệp, lao động trẻ kiếm 176 triệu đồng/tháng
(Dân trí) - Nộp đơn xin nghỉ việc tại công ty, chật vật kiếm việc làm khi thị trường cạnh tranh cao, Lu Xixi (quốc tịch Trung Quốc) quyết định trở thành blogger ghi lại cuộc sống hậu thất nghiệp.
Giải pháp dự phòng thất nghiệp
Ở tuổi 30, Lu Xixi quyết định nghỉ việc tại công ty phát triển mạng xã hội ByteDance, nơi làm việc nhiều người mơ ước. Cô từng làm ở 3 công ty phát triển mạng xã hội tại Trung Quốc, chịu đựng khối lượng công việc quá tải liên tục trong 6 năm, hiếm khi được nghỉ ngơi.
Sau thời gian dài kiệt sức, nữ nhân sự quyết định tạm nghỉ việc để "bảo dưỡng" sức khỏe.

Lu Xixi nghỉ việc và chia sẻ kinh nghiệm dứt bỏ cuộc sống áp lực trên các nền tảng mạng xã hội (Ảnh: Lu Xixi).
Tuy nhiên, thị trường việc làm ngày càng cạnh tranh, cô không thể tìm được công việc nào khác. Lu tận dụng kinh nghiệm làm việc dày dặn của mình, đăng tải thông tin tìm việc lên mạng xã hội, thu hút hơn 1.000 lượt thích. Cô tìm được một số hợp đồng quảng cáo nhưng thu nhập vẫn không bằng mức lương cũ.
"Vợ chồng tôi từng là nhân viên tại đây, liên tục chứng kiến hàng loạt đợt sa thải tàn khốc. Cả hai chúng tôi đều đã gần 30 tuổi và rất có thể sẽ nằm trong danh sách cắt giảm nhân sự, dù cho có cố gắng chăm chỉ cống hiến", Lu chia sẻ.
Vì quá chán nản, cô đã quay video ghi lại câu chuyện xin nghỉ việc và cuộc sống trong khoảng thời gian thất nghiệp của mình và đăng tải lên mạng xã hội. Các video của Lu thu hút hơn 120.000 người theo dõi trên các nền tảng kỹ thuật số.
Kênh cá nhân có sức hút, cô bắt đầu phát trực tiếp bán hàng, quảng cáo, chia sẻ kiến thức... Công việc sáng tạo nội dung giúp nữ nhân sự làm tự do kiếm được hơn 50.000 NDT (tương đương với khoảng 176 triệu đồng) vào tháng 8/2024.
Ngày càng có nhiều lao động trẻ vừa thất nghiệp như Lu quyết định trở thành blogger (người kể chuyện trên nền tảng mạng xã hội). Nền tảng phân tích dữ liệu Feigua chia sẻ, số lượng người đăng tải nội dung "tôi vừa nghỉ việc" đã tăng lên 21.232 người tính đến tháng 6/2024.

Ngày càng nhiều công ty công nghệ tại Trung Quốc đào thải nhân viên liên tục (Ảnh minh họa: Stringer/Reuters).
Lu Xixi so sánh việc viết blog cũng giống như các công việc gọi xe và giao đồ ăn, đều là giải pháp dự phòng phổ biến cho những người thất nghiệp. Vì thế, dù công việc này kiếm nhiều tiền nhưng họ chỉ nên xem đây là "phao dự phòng" tạm thời.
Yuanbaomei, một tài khoản blogger chuyên làm nội dung tương tự, chia sẻ rằng dù có 15.000 người theo dõi, cô vẫn gặp áp lực về tài chính.
"Liệu số tiền này có đủ không? Sau này tôi có còn kiếm được nhiều tiền như vậy nữa không?", đó là những câu hỏi bất an thường trực với Yuanbaomei.
Vì thế, chỉ 2 tháng sau, cô đã quay trở lại thị trường việc làm ở khu vực chính thức.
Thách thức với ngành công nghiệp việc làm từ Internet
Theo Xia Zhinan, một trưởng khoa ở Viện nghiên cứu Newrank, lao động trẻ chọn làm công việc sáng tạo nội dung trên mạng xã hội như cách để thể hiện cảm xúc, suy nghĩ trong lúc rơi vào giai đoạn khó khăn của sự nghiệp.
Điều này phản ánh sự bất mãn của lực lượng lao động trẻ đối với môi trường và phong cách làm việc kiểu truyền thống. Nội dung của các blogger chuyên làm nội dung xin nghỉ việc và thất nghiệp thu hút lượng lớn người xem là do họ tạo được sự đồng cảm cho lượng lớn người cùng cảnh ngộ.
Tuy nhiên, công việc này thường không ổn định. Việc tạo và quản lý nội dung mỗi ngày là công việc tốn nhiều thời gian và đòi hỏi cao, thường chỉ duy trì được trong khoảng 6 tháng. Nếu họ không thể tạo ra lưu lượng truy cập và kiếm tiền từ nội dung của mình thông qua quảng cáo hoặc bán hàng, các blogger này sẽ nhanh chóng gặp phải vấn đề về thu nhập.

Sinh viên tham dự một hội chợ việc làm ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc (Ảnh: AFP).
Trong những năm gần đây, thị trường việc làm gây áp lực lớn cho lao động tại Trung Quốc, đặc biệt khi các công ty thường xuyên cắt giảm chi phí, sa thải nhân viên.
Số liệu thống kê mới nhất từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của những người từ 16 đến 24 tuổi tại Trung Quốc, không bao gồm sinh viên, là 17,6% vào tháng 9. Trước đó, Trung Quốc từng ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm thanh niên đạt mức cao kỷ lục là 21,3%.
Ngành công nghiệp Internet là động lực chính thúc đẩy thị trường việc làm tại Trung Quốc đang chứng kiến tình trạng sa thải liên tục trong những năm gần đây. Năm 2023, Alibaba đã sa thải khoảng 20.000 nhân viên, số lượng nhiều nhất trong một thập kỷ. Lực lượng lao động của Tencent cũng giảm khoảng 3.000 người.