Chàng trai bị hàng triệu người "quay lưng" vì chế giễu Gen Z thất nghiệp

Hạ Di

(Dân trí) - "Xin được một công việc thật sự khó đến vậy sao?", câu nói của một người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội tại Trung Quốc, khiến dư luận tranh cãi.

Yang Yue (quốc tịch Trung Quốc), một người nổi tiếng trên mạng xã hội Douyin, đã khiến cư dân mạng phẫn nộ khi có phát ngôn xem thường những thanh niên thất nghiệp.

Chàng trai bị hàng triệu người quay lưng vì chế giễu Gen Z thất nghiệp - 1

Chàng trai nổi tiếng trên mạng xã hội bị người theo dõi "quay lưng" vì chế giễu nam thanh niên thất nghiệp (Ảnh: Douyin).

Theo đó, anh đã đăng tải video lên mạng, với nội dung bày tỏ quan điểm bằng giọng điệu đùa cợt: "Xin được một công việc thật sự khó đến vậy sao?".

Sau đó, anh còn chế giễu danh hiệu "những chiến binh công lý xã hội không biết sợ hãi" của những người được sinh ra sau năm 2000.

"Những người này không phải là thế hệ chuyên dọn dẹp văn hóa làm việc độc hại nơi công sở sao? Họ thậm chí còn không thể tham gia vào lực lượng lao động của đất nước", Yang nói.

Nhanh chóng, đoạn video này đã thu hút hơn 8 triệu lượt xem và hàng trăm nghìn lượt tương tác. Nhiều người bày tỏ sự phản đối trước phát ngôn gây tranh cãi của Yang.

Trong khoảng thời gian nhạy cảm, khi Trung Quốc đang có tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao (17,1%), nhiều người xem thuộc thế hệ Z (những người được sinh ra trong khoảng năm 1997-2012) càng trở nên phẫn nộ trước nhận định này của Yang.

Họ cho rằng bị xúc phạm khi Yang nói thế hệ Z không cố gắng để thoát khỏi cảnh thất nghiệp, trong khi anh chưa bao giờ tự mình nộp đơn xin việc.

Không lâu sau, hơn 1 triệu tài khoản đã ấn hủy theo dõi trang mạng xã hội của Yang. Mặc dù anh đã lên tiếng xin lỗi, nhiều người vẫn không tha thứ cho anh.

Được biết, Yang Yue bắt đầu trở thành người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội khi còn là sinh viên của trường Đại học Bắc Kinh. Sau khi nhận bằng thạc sĩ vào năm 2021, anh bắt đầu trở thành người sáng tạo nội dung toàn thời gian.

Zhao Yue (24 tuổi), tốt nghiệp chuyên ngành báo chí, cho rằng nhận định của Yang là hoàn toàn sai lệch. Theo đó, thanh niên ngày nay là thế hệ lớn lên trong môi trường giáo dục vô cùng cạnh tranh. Bản thân họ liên tục bị gây sức ép phải luôn nỗ lực để thành công.

Thời gian qua, Chính phủ Trung Quốc đã đưa việc giảm tỷ lệ thanh niên thất nghiệp thành mục tiêu cấp bách của đất nước. Dù vậy, tình trạng suy thoái kinh tế khiến doanh nghiệp hạn chế tuyển dụng sinh viên mới ra trường vẫn là một vấn đề nan giải.

Theo www.sixthtone.com