Gia Lai

Lão nông mày mò nuôi thỏ thương phẩm, thu về hàng trăm triệu mỗi năm

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Từ mô hình nuôi thỏ thương phẩm đã giúp lão nông Trần Ngọc Thưởng (61 tuổi, tổ 4, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) thu về gần 300 triệu đồng mỗi năm.

Ông Trần Ngọc Thưởng (quê huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) đã bôn ba khắp các tỉnh từ: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước với đủ nghề mưu sinh. Lúc tuổi đã lớn, ông Thưởng đã quyết định về mảnh đất Gia Lai để trồng cây cà phê, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, cây cà phê luôn rơi vào điệp khúc "mất mùa, mất giá".

Chính vì vậy, ông Trần Ngọc Thưởng đã trăn trở về việc phát triển thêm mô hình chăn nuôi nhằm giúp phát triển kinh tế gia đình.

Làm giàu từ mô hình nuôi thỏ thương phẩm trên Gia Lai

Những năm đầu, do thiếu vốn và không nắm được nhu cầu của thị trường, kỹ thuật chăn nuôi nên ông Thưởng gặp không ít khó khăn. Thời gian đầu, ông chỉ nuôi vài cặp thỏ, gà, vịt, lợn nhưng chỉ nuôi theo hình thức tự phát nhỏ lẻ nên lời lãi chẳng được là bao.

Không chịu lùi bước, năm 2015, ông mạnh dạn vay vốn đầu tư xây dựng chuồng trại, mua thêm con giống như: 5 con bò sinh sản, 50 cặp thỏ giống, 10 con heo sọc dưa và hơn 200 con gà, vịt. Trong chăn nuôi ông chú trọng công tác phòng trừ dịch bệnh và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật; về mùa nắng nóng, có hệ thống làm mát phun sương nên đàn vật nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, không dịch bệnh.

Cộng thêm vào đó là sự tìm tòi học hỏi từ sách báo, truyền hình, trực tiếp tham quan thực tế tại các mô hình ở nhiều nơi. Trong đó, ông Thưởng chú trọng đến phát triển loại giống thỏ Úc.

Lão nông mày mò nuôi thỏ thương phẩm, thu về hàng trăm triệu mỗi năm - 1
Sau khi trồng cây cà phê kém hiệu quả, ông Thưởng đã mày mò đầu tư vào mô hình nuôi thỏ thương phẩm

Ông Thưởng chia sẻ: "Để tìm ra con vật thích hợp trên mảnh đất Gia Lai, tôi đã xin hội nông dân được đi tham quan các mô hình kinh tế. Lúc này, tôi nhận thấy thỏ là loài vật có vốn đầu tư thấp, không kén chọn thức ăn và có thể tận dụng các loại rau, cỏ dại sẵn có trong vườn nên mua 50 cặp con thỏ giống về nuôi".

"Ban đầu, do tôi chưa hiểu về kỹ thuật chăn nuôi thỏ nên rất nhiều con bị chết. Số còn lại thì sinh trưởng và phát triển rất chậm. Vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm từ nhiều trang trại khác nhau, tôi đã xây lại chuồng trại ấp ám, lắp đèn sưởi và kỹ lưỡng trong khâu chọn thức ăn. Dần đưa thỏ vào mô hình nuôi khép kín. Nhờ vậy mà đàn thỏ phát triển khỏe mạnh và sinh sản đều theo cấp số nhân", ông Thưởng chia sẻ.

Lão nông mày mò nuôi thỏ thương phẩm, thu về hàng trăm triệu mỗi năm - 2

Sau gần 7 năm nuôi, ông Thưởng đã sở hữu hơn 1.000 con thỏ. Mỗi năm thu về hơn 300 triệu doanh thu bán thịt thương phẩm

Sau gần 7 năm, ông Thưởng đã mở rộng quy mô trang trại, đầu tư nuôi giống thỏ Úc. Hiện tại, trang trại của ông có gần 1.000 con lớn có nhỏ có, mỗi con thỏ mẹ đẻ từ 5 đến 7 lứa mỗi năm, mỗi lứa từ 6 - 8 con. Thời gian nuôi để thỏ giống bắt đầu sinh sản khoảng 6 tháng. Theo đó, thỏ thương phẩm nuôi khoảng 4 tháng sẽ có trọng lượng từ 2,5 - 3,2 kg, lúc này có thể xuất bán ra thị trường.

Mỗi tháng, trang trại của ông Thưởng xuất khoảng 300 con thỏ thương phẩm cho các hàng quán, nhà hàng tại tỉnh Gia Lai và các tỉnh lân cận như Kon Tum, Đăk Lăk với giá khoảng 80 - 100 ngàn đồng/kg. Đồng thời, ông Thưởng còn bán thỏ giống khoảng 70 ngàn đồng/kg. So với chăn nuôi gia súc, gia cầm thì nuôi thỏ mang lại hiệu quả cao hơn rất nhiều. Sau khi trừ đi mọi chi phí, bình quân gia đình Thưởng thu nhập cũng gần 300 triệu đồng mỗi năm. Tận dụng nguồn thức ăn, ông Thưởng đang mở rộng mô hình "đa con" với khoảng gần 30 con heo lai và hàng trăm con gà thịt. Từ nguồn này đã giúp ông thu thêm khoảng 150 triệu đồng/năm.

Lão nông mày mò nuôi thỏ thương phẩm, thu về hàng trăm triệu mỗi năm - 3
Nhờ vận dụng kiến thức, ông Thưởng đã dùng những thức ăn tự nhiên để giúp tăng cường đề kháng cho thỏ và thịt thơm ngon hơn.

Ông Thưởng chia sẻ: "Bên cạnh nguồn thức ăn, vệ sinh chuồng trại thì gia đình còn tận dụng các sản phẩm nông nghiệp được trồng xung quanh vườn theo phương pháp hữu cơ như, cỏ ghi lê, lá sả, bắp, bèo trứng...để cho thỏ ăn thêm. Điều này đã giúp gia đình tiết kiệm được từ 20 đến 30% chi phí so với sử dụng thức ăn công nghiệp. Ngoài ra, nhờ ăn những thức ăn hữu cơ đã giúp cho thỏ lớn nhanh và ít bị bệnh, thịt chắc, con giống khỏe…Song song, gia đình còn phát triển thêm các vật nuôi khác để hỗ trợ nhau, tránh trường hợp rớt giá, dịch bệnh.".

Đồng thời, nguồn phân thỏ ông Thưởng đã sử dụng để nuôi trùn quế rồi lấy từ phân trùn quế chế biến thành phân hữu cơ dùng cho cây cảnh, hoa lan và các rau củ quả khác trong vườn.

Ông Lâm Văn Nhơn, Chủ tịch Hội Nông dân phường Chi Lăng (TP.Pleiku, Gia Lai) cho biết: "Tại tổ 4, mô hình chăn nuôi tổng hợp khép kín của ông Thưởng đã mang lại hiệu quả cao. Theo đó, ông Thưởng vừa nuôi thỏ giống và thỏ thịt, heo sọc dưa lai, trồng rau nhằm phát triển kinh tế. Ông Thưởng đã biết tận dụng lợi thế về đất đai, dám nghĩ dám làm và đã áp dụng tham gia các lớp tập huấn của Hội tổ chức và đã thành công. Trong thời gian tới, Hội nông dân sẽ lấy từ mô hình của ông Thưởng để tuyên truyền cho các hội viên trên địa bàn toàn phường có điều kiện học tập và nhân rộng mô hình chăn nuôi".