Gia Lai:
Lão nông "hô biến" dừa khô thành cây cảnh trị giá tiền triệu
(Dân trí) - Những quả dừa khô bỏ đi được lão nông ở cao nguyên Gia Lai sáng tạo thành những cây cảnh bonsai có thế độc, lạ, trị giá hàng triệu đồng.
Quả dừa khô là thứ mà bấy lâu nay người ta vẫn nghĩ chúng chỉ để làm giống, lấy dầu, qua bàn tay khéo léo của ông Nguyễn Văn Tấn (68 tuổi, trú thôn Dlâm, xã Chư A Thai, Phú Thiện, Gia Lai), biến thành những cây dừa cảnh tiền triệu.
Được trưng bày trong lễ hội Cầu mưa huyện Phú Thiện năm 2022, cây dừa cảnh của ông Tấn gây chú ý với du khách bởi cây có dáng, thế vô cùng độc đáo.
Ông Tấn cho biết, gia đình có trồng hơn 100 cây dừa trên mảnh đất 3600m2 từ năm 1998. Vì số lượng dừa trên cây quá nhiều, dừa khô tràn lan nên toàn vứt đi mà không dùng. Từ đó, ông đã suy nghĩ và tìm hiểu để chế tác nên những cây dừa cảnh bonsai.
"Với hơn 100 gốc dừa ở vườn, mỗi năm thu hàng nghìn quả dừa để bán. Lúc đó, những quả khô chỉ biết lấy làm giống hoặc bán cho họ làm dầu dừa. Nhìn quả dừa trồng mà không kịp thu hoạch để nó như vậy thì lòng tôi lại não nề. Sau khi tìm hiểu, tôi đã suy nghĩ và chế tác theo ý thích của mình. Không ngờ những quả dừa làm cảnh này lại được người dân ưa chuộng", ông Tấn chia sẻ.
Ông Tấn dành hẳn nhiều tháng trời để tìm hiểu kỹ thuật làm ra cây dừa cảnh thông qua mạng Internet. Ông còn học hỏi kinh nghiệm sáng tạo dáng thế của những người đi trước thông qua hội nhóm.
Đầu năm 2020, ông đã hái dừa trên cây, nhặt quả khô dưới đất để nghiên cứu. Lúc đó, ông đã thử nghiệm trên trăm quả dừa nhưng chỉ có gần 50% trong số đó là nảy mầm và sống sót.
Ông Tấn cho biết: "Lúc mới làm chỉ có vài chục trái nảy mầm, còn lại là hư hết vì tôi lần đầu làm nên chưa kiểm soát lượng nước, độ ẩm. Sau này, tôi chỉ ủ khoảng chừng 10 quả để tiện chăm sóc, điều chỉnh độ ẩm tốt hơn".
Khi dừa nảy mầm, ông Tấn mang những quả đó để vào chậu đất để cho nó ra rễ, lá. Sau 8 tháng miệt mài chăm sóc, ông Tấn đã có được chậu dừa cảnh tuyệt đẹp, thế độc, lạ. Sau đó, ông đã chụp sản phẩm đầu tay của mình đăng lên mạng xã hội và được nhiều người đặt mua.
Ông Tấn cho biết thêm, để có một chậu dừa cảnh tuyệt đẹp, thế độc, lạ thì ông phải tốn rất nhiều công sức vì có rất nhiều quy trình thực hiện. Đầu tiên cần quả dừa khô không bị thối, mốc. Tiếp đó là công đoạn tách vỏ dừa khô ra, lộ phần gáo dừa. Từ đó, ông dùng dao để gọt đi xơ dừa còn dính, phần sần sùi trên bề mặt và dùng máy cạo gáo dừa được bóng.
Đất trồng dừa cảnh ra rễ nhanh là trộn cám dừa, trấu, phân bò. Khi đã cắm dừa vào đất trong chậu thì cần phải tưới nước thường xuyên, cắt tỉa lá để tránh lá phát triển không đúng mong muốn.
Qua khoảng 8 tháng chăm sóc, ông có thể xuất bán với giá từ 500.000-1.500.000 đồng/cây. Ngoài ra, ông Tấn còn sơn màu và viết chữ lên quả dừa theo yêu cầu của khách hàng.
Hiện tại ở nhà ông Tấn gần 100 chậu dừa cảnh (đang nảy mầm và đủ tuổi xuất bán). Với giá bán từ 500.000-1.500.000 đồng/chậu (tùy vào tuổi thọ, thế cây thiết kế). Khách hàng chủ yếu ở TP Pleiku (Gia Lai), còn có ngoài tỉnh như Bình Định, Phú Yên...
Trong dịp Tết năm 2022 vừa qua, nhiều khách hàng thích thú tham quan, chỉ trong 2 ngày ông đã bán được gần 40 chậu cây dừa cảnh. Theo ông Tấn lý giải, chậu dừa cảnh thế trực có ý nghĩa là con người đó đứng thẳng và luôn hiên ngang mọi sóng gió, giông bão. Còn thế thác đổ mang hàm nghĩa con người bị vấp ngã nhưng vẫn đứng lên đấu tranh, sống kiên cường trước khó khăn.
Để thu hút được khách hàng nhiều hơn, trong thời gian tới, ông Tấn tiết lộ sẽ nghiên cứu nhiều dáng thế đẹp mắt, độc, lạ. Ông sẽ thiết kế bonsai dừa theo hình con vật đại diện cho dịp Tết qua các năm.
Ông hy vọng nhiều nông dân trồng dừa sẽ làm được loại hình nghệ thuật này, một phần nào đó tái chế được quả dừa khô bỏ đi. Nếu hộ dân nào muốn làm thì ông luôn sẵn sàng hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm.