1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Lao động xuất khẩu về nước: Khó tìm việc làm với mức lương mong muốn

Hiện nay, số lượng lao động trẻ của Việt Nam đi xuất khẩu sang nước ngoài làm việc là rất lớn. Lao động đi xuất khẩu về nước từ các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc được đánh giá là có trình độ, kỹ năng, ý thức tổ chức kỷ luật. Tuy nhiên, nhiều người sau khi về nước vẫn còn loay hoay tìm kiếm công việc phù hợp.

Loay hoay tìm việc phù hợp

Theo ước tính, Việt Nam hiện có hơn 500.000 lao động đang làm việc trong 30 ngành công nghiệp khác nhau ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, bình quân mỗi năm gửi về nước khoảng 2,5 tỷ USD.

Kết thúc năm 2018, ghi nhận kỷ lục là năm thứ 5 liên tiếp số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt ngưỡng 100.000 lao động/năm.

Lao động xuất khẩu về nước: Khó tìm việc làm với mức lương mong muốn - 1

Nhiều lao động xuất khẩu về nước vẫn loay hoay tìm việc làm (Ảnh minh họa) 

Số liệu thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), năm 2018, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 142.860 người, vượt 30% so với kế hoạch năm, tăng 6% so với năm 2017.

Trong đó, thị trường đứng đầu về lượng tiếp nhận có thể kể đến: Nhật Bản: 68.737 lao động, Đài Loan (Trung Quốc): 60.369 lao động, Hàn Quốc: 6.538 lao động. Hằng năm, lượng tiền người lao động gửi về nước khoảng 2 - 2,5 tỷ USD, với mức tăng trung bình trong giai đoạn từ 2010-2017 là 6-7%/năm.

Riêng tại Hà Tĩnh, theo báo cáo của UBND tỉnh, có năm lượng tiền gửi về nước hơn 4.000 tỷ đồng, xấp xỉ bằng 50% tổng thu nội địa trong tỉnh.

Tháng 3/2019, tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội đã diễn ra Phiên giao dịch việc làm dành cho người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS và thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản theo Chương trình IM Japan về nước.

Nhiều vị trí việc làm tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư Hàn Quốc và Nhật Bản thu hút người lao động quan tâm. Phiên giao dịch việc làm thu hút gần 70 đơn vị tham gia, trong đó có 30 doanh nghiệp có vốn đầu tư của Hàn Quốc, Nhật Bản. Các doanh nghiệp cần tuyển dụng gần 1 nghìn vị trí việc làm, với mức thu nhập từ 5 triệu đến 25 triệu một tháng tùy từng vị trí việc làm, tương xứng với trình độ chuyên môn của người lao động.

Tuy nhiên, có một nghịch lý xảy ra là nhiều lao động sau khi hết hợp đồng làm việc tại nước ngoài trở về nước không tìm được việc làm phù hợp, dù được đào tạo và có kỹ năng nghề cao. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp trong nước lại đang thiếu hụt lao động có tay nghề, trình độ cao.

Nhiều lao động khi trở về nước cho biết, họ có rất ít thông tin về nhu cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Để kiếm sống, họ thường kinh doanh nhỏ lẻ hoặc làm tạm thời tại một doanh nghiệp trong nước với mức lương không tương xứng với trình độ.

Có thời gian từng làm việc ở Hàn Quốc 5 năm, anh Lê Văn Dũng (Nghĩ Xuân, Hà Tĩnh) cho biết đã quen với môi trường làm việc công nghiệp nên khi về Việt Nam cảm thấy môi trường làm việc không phù hợp.

Thời gian bên Hàn Quốc, công việc anh làm chủ yếu liên quan đến lĩnh vực cơ khí với mức lương từ 2.500 – 3.000 USD, sau khi đã trừ tất cả chi phí. Bên cạnh đó, công ty còn hỗ trợ nhà ở, bữa ăn cho người lao động, nếu người lao động thuê trọ ở ngoài sẽ được công ty hỗ trợ tiền thuê nhà và chi phí đi lại.

Về nước được gần 1 năm nay, nhưng anh Dũng vẫn loay hay chưa tìm được một công việc phù hợp. “Tôi muốn tìm một công việc gần nhà với mức lương từ 12 – 15 triệu đồng, nhưng tôi đã phỏng vấn vài ba công ty, họ chỉ trả mức lương 7 triệu đồng, chênh lệch thu nhập so với bên kia nhiều quá. Do vậy tôi không đi làm, ở nhà mở một cửa hàng nhỏ kinh doanh. Nếu việc kinh doanh thuận lợi tôi sẽ ở nhà, còn không thì sang năm lại tiếp tục đi nữa”, anh Dũng cho hay.

Cũng như anh Dũng, anh Nguyễn Văn Hưng (huyện Hà Trung, tỉnhThanh Hóa) cũng là một lao động làm việc tại Hàn Quốc. Anh Hưng làm việc trong ngành thực phẩm, lương giao động cũng từ 40 - 50 triệu đồng.

Anh đã đi gần 10 năm nay nhưng cũng không muốn về Việt Nam bởi mức lương chênh lệch quá nhiều. Anh Hưng cho biết trước đây cũng đã từng có ý định về nước làm ăn cho gần vợ, gần con nhưng sau một thời gian tìm việc cảm thấy không phù hợp vì mức lương quá thấp nên lại tiếp tục xuất khẩu sang Hàn Quốc làm việc.

Cần có sự liên kết chặt chẽ giữa cung và cầu

Không chỉ các lao động trên, đây cũng là thực trực trạng chung của rất nhiều lao động đã từng làm việc ở nước ngoài trở về, khiến “cung” chưa gặp “cầu”.

Do được đào tạo những kỹ năng lao động chất lượng cao, có thu nhập cao nhưng khi về nước không tìm được việc làm phù hợp với kỹ năng và mức lương tương xứng nên nhiều lao động nản, chấp nhận thất nghiệp hoặc làm việc khác chờ cơ hội có việc làm thu nhập cao như khi làm việc ở nước tiếp nhận lao động xuất khẩu.

Hiện trong Luật Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chỉ quy định chung trong Điều 59 và 60 là khuyến khích các doanh nghiệp tiếp nhận tuyển dụng lao động về nước vào làm việc và khuyến khích tạo việc làm.

Nhiều tỉnh, thành phố chưa có thống kê chính thức lao động đã trở về nước là bao nhiêu, cũng chưa có văn bản hiện thực hóa các chính sách hỗ trợ với nhóm lao động này. Phần lớn người lao động tự mày mò tìm việc. Rõ ràng đây là sự lãng phí rất lớn về nhân lực chất lượng cao.

Ở góc độ nhà tuyển dụng, đã có rất nhiều công ty đưa ra thông báo tuyển số lượng lớn nhân sự bổ sung, đặc biệt luôn ưu tiên những lao động đã từng làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản có tay nghề. Tuy nhiên, đại diện các doanh nghiệp này thừa nhận khó tuyển được lao động phù hợp, lí do là người lao động thường đòi hỏi mức lương cao.

Trước những thực tế như vậy, đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội khẳng định rằng, người lao động vẫn có nhiều cơ hội vì hiện có một số lượng không nhỏ các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam. Thậm chí, các phiên giao dịch việc làm được tổ chức tại trung tâm này thường thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia, việc làm có mức lương từ 15 – 20 triệu đồng/ tháng là không hiếm.

Bên cạnh đó, các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế đều nhận định rằng, trong điều kiện Việt Nam hiện nay, nếu người lao động khẳng định được năng lực thì thực tế cơ hội việc làm khi về nước là rất rộng mở.

Riêng về mức lương, đa phần lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc hay Nhật Bản đều có thu nhập tốt hơn so với mức chi trả của các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Dù vậy, mặt bằng lương cho nhiều vị trí tại các doanh nghiệp hiện nay là phù hợp với thị trường Việt Nam. Do đó, nếu người lao động kỳ vọng quá cao sẽ rất khó có sự gắn kết với doanh nghiệp và tìm kiếm cơ hội việc làm.

Trong những năm gần đây, Trung tâm Lao động ngoài nước, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đều tổ chức hội chợ việc làm dành riêng cho lao động xuất khẩu về nước. Đây chính là cơ hội để người lao động có thể tìm kiếm việc làm phù hợp với kinh nghiệm và trình độ tay nghề.

Thực tế, cơ hội việc làm dành cho người đi xuất khẩu lao động về nước vẫn rất lớn vì doanh nghiệp FDI tại Việt Nam luôn có nhu cầu tuyển dụng người có kỹ năng, kinh nghiệm, ngoại ngữ và đặc biệt là tác phong làm việc công nghiệp.

Theo Kim Tiến/Lao động Thủ đô