Lao động VN tại Thái Lan: Hàng chục ngàn lao động sẽ được đảm bảo pháp lý

(Dân trí) - Thỏa thuận vừa được Bộ Lao động Thái Lan (đại diện cho Chính phủ Thái Lan) và Bộ LĐ-TB&XH VN (đại diện cho Chính phủ VN) ký cuối tháng 7 đã mở ra khung pháp lý và cơ hội việc làm ổn định cho người lao động mỗi nước làm việc tại nước bên kia.

Thỏa thuận khung pháp lý giữa VN - Thái Lan giúp lao động 2 nước yên tâm làm việc.

Thỏa thuận khung pháp lý giữa VN - Thái Lan giúp lao động 2 nước yên tâm làm việc.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), hai văn bản được ký kết giữa các cơ quan quản lý lao động (Thỏa thuận về phái cử và tiếp nhận lao động, Bản ghi nhớ) là những cam kết cụ thể hóa việc thỏa thuận của 2 bên.

Theo đó, Bản ghi nhớ về hợp tác lao động là cơ sở cần thiết để tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa VN và Thái Lan nhằm thúc đẩy và phát triển hợp tác về lao động giữa hai nước.

Nội dung của Bản ghi nhớ về hợp tác lao động gồm 9 điều quy định mục đích của việc ký kết Bản ghi nhớ hợp tác, những lĩnh vực hợp tác cụ thể trong lĩnh vực lao động, phương thức và nguyên tắc hợp tác.

Cụ thể, việc hợp tác có thể được thực hiện thông các phương thức khác nhau như việc trao đổi cách thức thực hiện và thông tin một cách tốt nhất, trao đổi chuyên gia, tham gia dự án, hội thảo và đối thoại.

Trong khi đó, Bản Thỏa thuận về phái cử và tiếp nhận lao động là khung pháp lý để lao động VN sang làm việc tại Thái Lan, cũng như lao động Thái Lan sang làm việc tại VN một cách hợp pháp theo quy định của pháp luật hai nước.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước: “Tính đến tháng 3/2010, đã có 100.338 lao động chuyên nghiệp và lành nghề được cấp giấy phép lao động ở Thái Lan. Nhật Bản đứng đầu danh sách với 23.060 giấy phép lao động. Tiếp đó là Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines, Anh, Bắc Ireland và Hoa Kỳ. Gần 2/3 giấy phép cho người lao động nước ngoài là của cán bộ cấp cao, các nhà quản lý và gần một phần tư là cho các chuyên gia”.

Thỏa thuận này có 15 Điều, quy định về các nội dung: Quyền và trách nhiệm của người sử dụng lao động; quy trình phái cử và tiếp nhận lao động; hợp đồng lao động; định hướng và đào tạo; visa, giấy phép lao động và các dịch vụ y tế; giải quyết tranh chấp...

Thái Lan đang thiếu hụt lao động có chuyên môn và tay nghề, và lao động phổ thông ở nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực xây dựng, lao động kỹ thuật cao. Do nguồn cung lao động trong nước không đáp ứng được trong một số ngành nên nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài rất lớn.

Thái Lan đã thu hút một số lượng lớn người lao động trong lĩnh vực quản lý và lao động lành nghề từ một loạt các quốc gia trên thế giới.

Thái Lan bắt đầu thu hút lao động nước ngoài với mức lương thấp từ các quốc gia có chung biên giới từ đầu những năm 1990, bắt đầu với 10 tỉnh đường biên của Myanmar (vào năm 1992), sau đó mở rộng sang Campuchia, Lào và toàn bộ các tỉnh khác ở Myanmar.

Trước tình hình lao động các quốc gia láng giềng nhập cư bất hợp pháp tăng, Chính phủ Thái Lan đã ký bản ghi nhớ (MOU) với ba quốc gia cho việc tuyển dụng chính thức lao động nhập cư. Biên bản ghi nhớ với Lào được ký kết vào năm 2002, với Campuchia được ký vào 5/2003 và với Myanmar đã được ký kết trong tháng 6/2003.

Theo ước tính của các cơ quan chức năng của Thái Lan, số lượng người VN hiện đang làm ăn tại Thái Lan là hàng chục ngàn người. Do sang làm việc trái phép tại Thái Lan nên điều kiện làm việc và quyền lợi của người lao động không được đảm bảo, dễ gặp rủi ro.

Số lao động trên sang Thái Lan dưới hình thức miễn thị thực giữa hai nước rồi tìm cách ở lại tìm việc làm bất hợp pháp, chủ yếu làm các công việc phổ thông như phục vụ tại các nhà hàng, bán hàng, giúp việc gia đình…

Hoàng Mạnh