1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Lao động Việt đón Tết trên những con tàu giữa trùng khơi

Tiến Thành

(Dân trí) - Vì cuộc sống, nhiều lao động đã lựa chọn làm thuyền viên lênh đênh trên tàu viễn dương. Với đặc thù công việc, các thủy thủ thường ăn Tết xa nhà, đón năm mới giữa trùng khơi.

Đón Tết giữa trùng khơi

Anh Hà Thanh Lương (39 tuổi, trú tại xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình), lao động trên tàu viễn dương, là một trong người tiên phong của địa phương này đến với nghề thủy thủ, quanh năm lênh đênh trên những con tàu vượt đại dương.

Lao động Việt đón Tết trên những con tàu giữa trùng khơi - 1

Anh Hà Thanh Lương (bên phải) đã có hơn 10 năm làm thủy thủ tàu viễn dương (Ảnh: NVCC).

Anh Lương đã có gần 10 năm gắn bó với nghề. Vì đặc thù công việc, lâu lâu anh Lương mới có dịp về thăm gia đình và việc vắng nhà ngày Tết là chuyện thường. Từ ngày vào nghề, anh đã có 4 cái Tết.

"Đời thủy thủ thì phải chấp nhận xa nhà, kể cả ngày Tết, những năm đầu xa gia đình, vợ con nhớ lắm, nhưng rồi cũng dần quen. Dù không về quê nhưng anh em trên tàu chúng tôi cũng cùng nhau đón năm mới, tự tạo cái Tết đầm ấm cho nhau để đỡ nỗi khắc khoải trên biển", anh Lương chia sẻ.

Lao động Việt đón Tết trên những con tàu giữa trùng khơi - 2

Đến nay anh Lương cũng đã có 4 cái Tết xa nhà (Ảnh: NVCC).

Những chuyến tàu hàng thường lênh đênh trên biển cả tháng trời. Do đó, khi rời đất liền những ngày cuối năm, thủy thủ sẽ chủ động mang theo hoa, vật dụng trang trí Tết, để khi Tết đến cùng nhau tô sắc xuân cho con tàu, tạo không gian Tết Việt giữa đại dương mênh mông. Ngày Tết, các lao động tàu viễn dương cũng quây quần, chạm ly chúc mừng năm mới để xua bớt nỗi nhớ gia đình, cổ vũ nhau vui vẻ, cùng cố gắng.

"Ngày gần Tết, thủy thủ đoàn cũng quây quần trang trí tàu cho có không khí, làm bữa cơm tất niên, anh em bên nhau chúc tụng vui vẻ. Đời thủy thủ luôn xa nhà, những ngày Tết, ai cũng có chút trống trải, nhìn về đất liền xa xăm. Có những người mới lên tàu còn khóc tu tu vì nhớ nhà. Tết với thủy thủ chúng tôi nó đặc biệt lắm", anh Lương tâm sự.

Lao động Việt đón Tết trên những con tàu giữa trùng khơi - 3

Ngày Tết, những lao động trên tàu viễn dương cũng sẽ sửa soạn, mở tiệc đón Tết trên tàu (Ảnh: T.L).

Dù gắn bó với nghề đã hơn một thập kỷ, quen với việc ăn Tết xa nhà nhưng mỗi lần như thế, các thủy thủ như anh Lương cũng không khỏi chạnh lòng, nhớ vợ con, gia đình và không khí sum vầy bên mâm cơm chiều 30 Tết.

Theo anh Lương, đời thủy thủ lênh đênh trên biển quanh năm, có lẽ không lúc nào buồn bằng thời điểm giao thừa. Nếu tàu có sóng vệ tinh còn gọi được về cho người thân, còn không thì chỉ biết ngồi ôm điện thoại, mở ảnh gia đình ra ngắm.

Lao động Việt đón Tết trên những con tàu giữa trùng khơi - 4

Bà Hà Thị Hương chia sẻ về người con đang lao động trên tàu viễn dương với phóng viên Dân trí (Ảnh: H.T).

Không chỉ những lao động tàu viễn dương nhớ nhà, những ngày Tết đến, Xuân về, thân nhân của thủy thủ cũng luôn mong ngóng người xa quê sẽ trở về sum vầy.

Bà Hà Thị Hương, trú tại thôn Bắc Hóa, xã Mai Hóa có con trai là lao động tàu viễn dương. Đến nay, con trai bà đã có 2 cái Tết xa nhà. Con trai đi làm có thu nhập cao nhưng vì đi xa nhà nên bà Hương lúc nào cũng thương nhớ con, Tết đến, khi người người nô nức về quê, vợ chồng bà càng thấy mủi lòng.

"Trước lúc đi làm thủy thủ, chưa Tết nào nó vắng nhà nên khi con ở xa không về, gia đình thấy trống vắng lắm. Những lúc con gọi được về thì tôi cũng động viên con cố gắng làm việc, giờ có mạng điện thoại, gọi video được, nhìn thấy con cũng đỡ nhớ hơn nhiều", bà Hương tâm sự.

Tết xa nhà để có tương lai tốt đẹp

Thôn Bắc Hóa, xã Mai Hóa là địa phương miền núi của tỉnh Quảng Bình nhưng điều đặc biệt là có rất nhiều người theo nghề biển. Thôn 300 hộ dân thì có gần 100 người là lao động trên các con tàu viễn dương. Với người dân nơi đây, thanh niên, đàn ông xa nhà ngày Tết không còn là chuyện hiếm.

Lao động Việt đón Tết trên những con tàu giữa trùng khơi - 5

Đời thủy thủ luôn phải xa nhà, vì đặc thù công việc, ngày Tết họ vẫn lênh đênh trên biển (Ảnh: T.L).

Với những thuyền viên làm việc trên tàu viễn dương, họ gọi sự lựa chọn của mình là "cuộc thoát ly", để tìm kiếm cơ hội đổi thay số phận, xây dựng tương lai tốt đẹp. Lựa chọn cuộc sống lênh đênh trên biển nghĩa là chấp nhận đánh đổi cuộc sống xa nhà để có được nguồn thu nhập chăm lo cho gia đình, để con cái được học hành.

Anh Hà Thanh Lương chia sẻ, công việc mang lại cho anh thu nhập cao và ổn định để gửi về gia đình. Anh cũng được đến nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, biết thêm nhiều điều mới.

Lao động Việt đón Tết trên những con tàu giữa trùng khơi - 6

Mặc dù vất vả, xa nhà nhưng đổi lại lao động tàu viễn dương có thu nhập cao (Ảnh: T.L).

Khi thấy công việc này là "cứu cánh" để thoát nghèo, anh Lương đã hỗ trợ người thân trong gia đình cùng tham gia làm thuyền viên tàu viễn dương. Rồi bà con trong làng, trong xã cũng tìm đến nhờ hướng dẫn, hỗ trợ để được đi tàu viễn dương. Từ đó đến nay, anh Lương giúp hơn 600 lượt người trong và ngoài xã làm thuyền viên tàu biển.

"Mình bắt đầu đi từ tàu trọng tải 80.000 tấn rồi chuyển qua các tàu 180.000, 400.000 tấn. Mức lương ban đầu 15-20 triệu đồng/tháng, khi đi lâu có kinh nghiệm thì lương sẽ tăng lên. Như mình bây giờ mà đi thì cũng khoảng 50-60 triệu đồng/tháng. Cũng nhờ vậy mà anh em lao động tàu viễn dương mới có tiền gửi về, xây dựng nhà cửa khang trang, chăm lo cho con cái học hành tốt hơn", anh Lương cho biết.

Lao động Việt đón Tết trên những con tàu giữa trùng khơi - 7

Thôn Bắc Hóa, xã Mai Hóa là một địa phương miền núi nhưng có rất nhiều người theo nghề biển.

Chấp nhận xa nhà, lênh đênh trên những con tàu viễn dương để có cuộc sống ấm no cũng là lựa chọn của anh Cao Văn Phong (51 tuổi, trú tại thôn Bắc Hóa. Theo anh Phong) 47 tuổi mới lên tàu đi biển. So với nhiều người trong thôn, anh lựa chọn lối rẽ mưu sinh khá muộn. Sau 3 năm làm việc, mức thu nhập của anh giờ đây đã hơn 30 triệu đồng/tháng.

"Thế cũng coi như là thoát cảnh cơm đùm, áo vá. Giờ đây còn sức khỏe, còn cố gắng đi được năm nào, tốt năm đó. Tôi còn có thằng út năm nay đang học lớp 9 nên cố gắng làm việc xa nhà để kiếm tiền lo cho con. Lao động tàu viễn dương vất vả, xa nhà nhưng đổi lại có thu nhập, Tết đến cũng no ấm hơn, có điều kiện làm nhà cửa, cuộc sống đỡ vất vả hơn trước rất nhiều", anh Phong nói.

Lao động Việt đón Tết trên những con tàu giữa trùng khơi - 8

Hiện nay nhiều thôn xóm của xã Mai Hóa, những ngôi nhà mới khang trang đã mọc lên. Sự đổi thay đó một phần nhờ vào nguồn thu nhập đến từ của các lao động tàu viễn dương.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Mai Hóa cho biết, những năm gần đây, nhiều người dân trên địa bàn lựa chọn làm thuyền viên trên tàu viễn dương. Hiện trên địa bàn xã có hơn 200 người là thủy thủ tàu viễn dương.

Nhờ thu nhập cao, nghề thuyền viên đã giúp cho nhiều người, nhiều gia đình thay đổi số phận. Hiện nay, ở nhiều thôn xóm của xã Mai Hóa, những ngôi nhà mới khang trang đã mọc lên. Sự đổi thay đó một phần nhờ vào nguồn thu nhập đến từ các lao động tàu viễn dương.