1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Lao động tự trả lương nguy cơ cao "lọt lưới an sinh"

Xuân Hinh

(Dân trí) - Lao động tự tạo việc làm, tự trả lương khi không tham gia bảo hiểm sẽ không được hưởng các chế độ phúc lợi xã hội. Khi hết tuổi lao động sẽ không có lương hưu, không có BHYT để chăm sóc y tế.

Lao động tự trả lương nguy cơ cao lọt lưới an sinh - 1

Sau đại dịch Covid-19, nhiều công nhân phải rời bỏ khu vực chính thức, chuyển qua hình thức lao động tự do (Ảnh: Hữu Khoa).

Sau đại dịch Covid-19 và ảnh hưởng từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, nền kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh. Ở Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2022 có gần 1,1 triệu người thất nghiệp, nhiều người trong số họ vốn là công nhân ở các khu công, vùng công nghiệp trọng điểm lớn đã phải rời bỏ các trung tâm, đô thị về quê, chuyển sang làm việc trong khu vực lao động phi chính thức.

Trước những khó khăn trên, hai năm qua, Đảng và Nhà nước đã triển khai hàng loạt các chính sách an sinh xã hội để đảm bảo đời sống người dân. "Lưới an sinh" đã hỗ trợ kịp thời và khẳng định vai trò là chỗ dựa vững, giúp sức người lao động thêm năng lượng ứng phó đại dịch và phục hồi hoạt động sản xuất.

Những chính sách an sinh nổi bật thời gian qua gồm: Nghị quyết số 42/NQ-CP, Nghị quyết số 68/NQ-CP hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Đặc biệt, Bộ LĐ-TB&XH đã tăng cường mở rộng diện bao phủ, nâng cao mức hỗ trợ, trợ cấp bảo trợ xã hội, kịp thời hỗ trợ các đối tượng xã hội gặp khó khăn.

Trong năm 2021, toàn quốc đã thực hiện chính sách trợ cấp xã hội hằng tháng đầy đủ cho trên 3,13 triệu người thuộc diện hưởng bảo trợ xã hội với tổng kinh phí trên 18.000 tỷ đồng; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 108/2021/NĐ-CP về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng.

Từ ngày 1/1/2022, khoảng 3 triệu người được tăng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng thêm 7,4% và khoảng hơn 300.000 người tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm theo số tiền tuyệt đối sau khi đã được hưởng mức tăng chung 7,4%.

Như vậy, có thể khẳng định, "lưới an sinh" luôn có vai trò đặc biệt trong việc đảm bảo an sinh cho người dân dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Tuy nhiên, một số người lao động vì những lý do riêng đã tự tách mình ra khỏi hệ thống "lưới an sinh". Không ít người đã chọn rút bảo hiểm xã hội một lần rồi hối hận...

Lao động tự trả lương nguy cơ cao lọt lưới an sinh - 2

Lao động tự trả lương có nguy cơ "lọt lưới an sinh" (Ảnh: Hữu Khoa).

Trước nguy cơ nhiều lao động tự trả lương "lọt lưới an sinh", Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM Lê Văn Thinh nhận định, người lao động lựa chọn, dịch chuyển khu vực doanh nghiệp, làm việc theo hợp đồng lao động sang khu vực phi chính thức (gồm người lao động không có quan hệ lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động hoặc người tự tạo việc làm), đồng nghĩa với việc không tham gia bảo hiểm xã hội sẽ gặp nhiều thiệt thòi trong việc thụ hưởng các chế độ phúc lợi xã hội theo quy định của pháp luật khi còn trong độ tuổi lao động.

Thời gian qua, nhiều lao động tự trả lương cũng chịu không ít thiệt thòi khi không được hưởng các chính sách an sinh. Trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát, người dân cũng đã thấy rõ những lợi ích khi tham gia chế độ bảo hiểm xã hội.

"Đối với người lao động khi hết tuổi lao động, nghỉ hưu sẽ không có các khoản hỗ trợ như lương hưu, BHYT để chăm sóc y tế. Tất cả những quyền lợi này khi tham gia bảo hiểm xã hội sẽ giúp giảm gánh nặng tài chính cho gia đình và bản thân người lao động khi hết tuổi lao động, giảm gánh nặng cho xã hội", ông Thinh nhấn mạnh.

Lao động tự trả lương nguy cơ cao lọt lưới an sinh - 3

Nhà nước luôn quan tâm đến đời sống của nhóm lao động phi chính thức và khuyến khích người lao động tự do, tự trả lương tham gia bảo hiểm tự nguyện (Ảnh: Hải Long).

Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, để hạn chế tình trạng trên, Nhà nước quy định và tổ chức loại hình tham gia BHXH tự nguyện mà người lao động phi chính thức khi tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.

Đồng thời, Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH có nêu: "Bảo hiểm xã hội tự nguyện (với các chế độ hưu trí, tử tuất hiện nay, từng bước mở rộng sang các chế độ khác) dựa trên đóng góp của người lao động không có quan hệ lao động; có sự hỗ trợ phù hợp từ ngân sách nhà nước cho nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp, lao động khu vực phi chính thức để mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội".

Như vậy, người lao động ở khu vực phi chính thức vẫn được Đảng và Nhà nước thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất để tham gia BHXH nhằm mục đích mở rộng độ bao phủ BHXH đến mọi tầng lớp người lao động, góp phần ổn định đời sống xã hội nói chung.

Lao động tự trả lương nguy cơ cao lọt lưới an sinh - 4

Khi hết tuổi lao động, nhiều lao động phi chính thức gặp khó khăn vì không có lương hưu (Ảnh: Hải Long).

Giám đốc BHXH TPHCM Phan Văn Mến cũng chỉ rõ, lao động phi chính thức không được nhận hỗ trợ từ các chương trình trợ cấp xã hội, chính sách lao động, các quan hệ lao động; không được hưởng các chế độ BHXH như chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động… Khi phải nghỉ làm việc, người lao động trong trường hợp này sẽ mất đi nguồn thu nhập đang có, gây không ít khó khăn cho bản thân và gia đình họ.

"Khi hết tuổi lao động, những người này không có nguồn thu nhập ổn định. Khi không may bị ốm đau, bệnh tật thì không có chế độ trợ cấp y tế, phải đối mặt với gánh nặng chi phí khám chữa bệnh rất cao khi tuổi già, sức yếu, cần sự chăm sóc y tế thường xuyên hoặc khi không may bị bệnh hiểm nghèo", ông Mến phân tích.

Do vậy, người lao động ở khu vực phi chính thức cần tham gia BHXH tự nguyện để được bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, bảo đảm an toàn, an ninh và an sinh xã hội, tránh những rủi ro, bất trắc khi khó khăn, khi về già.