Những nghề đang "khát" nhân lực, tuyển dụng với mức lương ngàn USD
(Dân trí) - Sau dịch Covid-19, nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng, du lịch, thương mại, quy hoạch hạ tầng, công nghệ thông tin... tăng mạnh, mức lương hàng ngàn USD/tháng.
Theo báo cáo mới nhất của Navigos, quý 2/2022 có hơn 36.000 việc làm được đăng tải, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021.
10 ngành có tỷ lệ tuyển dụng tăng "vọt" gồm: Công nghệ thông tin/Phần mềm; Tài chính/Đầu tư; Bán hàng; Marketing; Kế toán; Xây dựng dân dụng; Hành chính/Kế toán; Ngân hàng; Kiểm toán; Điện/Điện tử.
Những năm gần đây, công nghệ thông tin luôn "bùng nổ" và thu hút hàng chục ngàn nhân sự mỗi năm. Khi dịch Covid-19 bùng phát, ngành này ngày phát triển và nở rộ hơn. Thống kê cho thấy, thu nhập bình quân của một kỹ sư công nghệ thông tin mới ra trường thường dao động từ 10-20 triệu đồng/tháng. Không ít sinh viên mới ra trường thậm chí có thể hưởng lương 30-40 triệu đồng/tháng.
Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine, nhiều hợp đồng và đơn đặt hàng liên quan đến công nghệ thông tin được chuyển về thị trường Việt Nam càng khiến ngành này thu hút nhiều nhân lực.
Các vị trí tuyển dụng chủ yếu là các vị trí thiên về kỹ thuật: Phát triển phần mềm - Kỹ thuật dữ liệu - Kỹ sư DevOps - Kỹ sư Trí tuệ nhân tạo (AI)… và các vị trí không thiên về liên quan đến kỹ thuật như Trưởng phòng kinh doanh… Các vị trí tuyển dụng chủ yếu ở cấp trung thay vì cấp cao do đây là phân khúc có biến động nhiều nhất sau dịch Covid.
Ngoài yêu cầu về chuyên môn, các kỹ sư công nghệ cần phải có kỹ năng Tiếng Anh tốt, có sự linh hoạt, thích nghi cao, có tính kỷ luật trong công việc khi không có sự giám sát chặt chẽ từ người quản lý.
Tiếp theo đó, ngành Digital Marketing có tốc độ phát triển cao, tùy theo từng vị trí tuyển dụng mà mức lương dao động từ 10 - 30 triệu đồng. Theo xu thế chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, các vị trí việc làm Digital Marketing luôn được các nhà tuyển dụng săn đón.
Ngành kỹ thuật ô tô, cơ khí cũng được nhận định đang là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn được ưu tiên phát triển. Kỹ thuật ô tô và cơ điện tử là 2 ngành học rất hấp dẫn, khả năng xin được việc cao, thậm chí mức lương khởi điểm có thể đạt từ 10 - 20 triệu đồng/tháng. Với kỹ sư có kinh nghiệm 1 - 3 năm làm việc, thu nhập lên tới 50 triệu đồng/tháng.
Cùng với đó, ngành logistics cũng đang có mức tuyển dụng "khủng". Theo thống kê trong 3 năm tới, lĩnh vực logistics cần khoảng 18.000 lao động. Theo tổng cục Thống kê, mức lương khởi điểm của một nhân viên logistics tại Việt Nam vào khoảng 350 - 500 USD/tháng; mức lương trung bình của vị trí quản lý logistics là 3.000 - 4.000 USD/tháng và Giám đốc chuỗi cung ứng là 5.000 - 7.000 USD/tháng.
Theo thống kê của Trung tâm dự báo Nhân lực và Thị trường lao động TPHCM, trong năm 2021, cả nước cần một triệu nhân lực cho ngành học thiết kế đồ họa. Năm 2022, nhu cầu ở ngành này ngày càng tăng và sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường cũng có thể kiếm thêm từ 5 - 10 triệu đồng.
Sinh viên mới ra trường có mức lương trên 10 triệu đồng và hơn 15 triệu đồng với sinh viên có một chút kinh nghiệm. Những nhân sự có tính sáng tạo với những phong cách độc, lạ có thể được trả lương lên đến 3.000 USD/tháng.
Theo Sở LĐ-TB&XH TPHCM, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ và tiếp tục phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu.
Tiếp tục tập trung quy hoạch, đầu tư phát triển các ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng, du lịch, thương mại, quy hoạch hạ tầng dịch vụ để thành phố tiếp tục là trung tâm lớn nhất về hoạt động cảng, logistic và dịch vụ xuất khẩu miền Nam. Trên cơ sở đó, nhu cầu nhân lực các ngành, lĩnh vực này cũng có xu hướng tăng, thu hút nguồn nhân lực.
Giai đoạn 2022 - 2025, dự báo nhu cầu nhân lực bình quân mỗi năm tại TPHCM có khoảng 310.000 - 330.000 chỗ làm việc. Trong đó, 4 ngành công nghiệp trọng yếu chiếm 21%, cụ thể: ngành cơ khí chiếm 5%; điện tử - công nghệ thông tin chiếm 8%; chế biến tinh lương thực thực phẩm chiếm 4%; hóa dược - cao su chiếm 4%.
Nhu cầu nhân lực 9 ngành dịch vụ chủ yếu chiếm tỷ trọng 55%, trong đó, Thương mại chiếm 13%; du lịch chiếm 9%; giáo dục - đào tạo chiếm 6%; tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm chiếm 5%; y tế chiếm 5%; vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng - hậu cần hàng hải và xuất nhập khẩu chiếm 5%; bưu chính - viễn thông và công nghệ thông tin - truyền thông chiếm 5%; kinh doanh tài sản - bất động sản chiếm 4%; dịch vụ thông tin tư vấn, khoa học - công nghệ chiếm 3%.