Lao động tự do chật vật nuôi con nhỏ trong mùa dịch Covid-19

Phạm Công

(Dân trí) - Tác động của dịch Covid-19 khiến nhiều lao động tự do rơi vào cảnh thất nghiệp, sống cầm cự qua ngày. Càng khó khăn hơn với họ, khi nhiều lao động phải chăm lo cho con nhỏ.

Nhiều năm trước, chị Chu Thị Bích Ngoan quê ở Thanh Ba (Phú Thọ) thuộc diện không có nghề nghiệp ổn định. Cách đây 4 năm, chồng chị đi làm xe ôm ở Hà Nội và đón mẹ con chị xuống ở cùng. Giờ đây, vợ chồng chị đang loay hoay mưu sinh giữa mùa dịch ở Thủ đô. 

"Trước khi dịch bùng phát, tôi bán xôi buổi sáng, thời gian còn lại sẽ đi bán hàng rong những món đồ dùng rẻ tiền. Chồng tôi làm xe ôm ở bến xe Mỹ Đình cũng chẳng kiếm được là bao. Dịch bệnh bùng phát khiến ít khách. Hai vợ chồng tôi chỉ kiếm được khoảng 300.000 đồng/ngày" - chị Chu Thị Bích Ngoan chia sẻ.

Năm nay 33 tuổi, người phụ nữ này đã có 4 người con. Con trai cả học lớp 4 được chị gửi ở quê ông bà trông nom. Còn 2 con gái nhỏ sinh đôi đã 5 tuổi và con trai út 2 tuổi, được chị đưa xuống Hà Nội để tiện chăm sóc.

Lao động tự do chật vật nuôi con nhỏ trong mùa dịch Covid-19 - 1

Chị Ngoan cùng 3 đứa con nhỏ vẫn đi bán hàng khi nhiệt độ ngoài trời lên đến 40 độ C. 

Cuộc sống vốn đã vất vả vì đông con, từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, gia đình chị càng trở nên khó khăn hơn. Thu nhập của cả gia đình không đủ để trang trải cho cuộc sống.

Nhiệt độ ngoài trời những ngày này lên đến 40 độ C, thế nhưng vì cuộc sống mưu sinh, 3 đứa trẻ vẫn phải theo mẹ ra đường.

Chị Chu Thị Bích Ngoan tâm sự: "Dịch bệnh khiến lao động nghèo như chúng tôi không có thu nhập. Tôi cùng các con đi khắp nơi chỉ mong bán được hàng, nhưng dịch bệnh mãi không hết, bán hàng rất khó khăn. Trước đây, chưa có dịch còn có đồng ra đồng vào phòng lúc con cái ốm đau, giờ đây chỉ mong đủ ăn hàng ngày".

Sắp tới, 2 cô con gái cùng vào lớp một, tiền đóng học, tiền quần áo, sách vở đang là nỗi lo không nhỏ với người phụ nữ này. Dịch bệnh kéo dài, chị đang tính đến chuyện đưa các con về quê để tìm một công việc khác.

Với thu nhập eo hẹp như hiện nay, việc kiếm được một khoản tiền chuẩn bị cho các con vào năm học mới thực sự là bài toán khó với gia đình chị.

Cũng rơi vào hoàn cảnh khó khăn khi dịch bệnh bùng phát trở lại, chị Lê Thị Hoa quê ở Thuận Thành (Bắc Ninh), chia sẻ: "Vợ chồng tôi gửi một đứa con nhỏ đang học lớp 6 cho ông bà nội trông để xuống Hà Nội mưu sinh được 3 năm nay. Hàng ngày, tôi bán hàng ăn còn chồng làm lái xe cho một công ty vận tải trên địa bàn quận Hoàng Mai".

Lao động tự do chật vật nuôi con nhỏ trong mùa dịch Covid-19 - 2

Gần một tháng qua, chị Hoa ở nhà trông con và không có thu nhập.

Trước đây, chưa có dịch Covid-19, cả hai vợ chồng chị thu nhập khoảng 15 triệu đồng/ tháng. Dịch bệnh bùng phát trở lại bất ngờ, công việc của chị dừng hẳn, chồng thì đi làm một ngày lại nghỉ mấy ngày vì thiếu việc.

Chị Lê Thị Hoa tính đến chuyện đưa nốt đứa con nhỏ 2 tuổi về quê nhưng quê nhà cũng là ổ dịch nên tạm thời chưa thể về được. Trước đây, đứa con nhỏ được chị gửi mẫu giáo gần nhà, nay dịch bệnh 2 mẹ con ở nhà trông nhau.

Trong căn phòng trọ nhỏ chưa đầy 20 m2 lợp mái tôn ở phường Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội), gần một tháng qua, chị không có thu nhập. Chi phí sinh hoạt hàng ngày của gia đình 2 đứa con nhỏ và bố mẹ già đang đè nặng lên đôi vai vợ chồng chị Lê Thị Hoa.

"Những lần trước, dịch bùng phát ở một số địa phương nên chồng tôi vẫn có việc đều, lần này coi như dừng hẳn vì nhiều tỉnh thành có dịch, cuộc sống thấy khó khăn hơn rõ rệt. Cứ tình hình này kéo dài, có khi cả nhà phải về quê để giảm chi phí sinh hoạt" - chị Lê Thị Hoa tâm sự.

Không chỉ với chị Hoa, chị Ngoan mà nhiều lao động tự do đang nuôi con nhỏ khác, dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại và có những diễn biến hết sức phức tạp đã đẩy họ vào tình cảnh khó khăn. Với họ, mong ước lớn nhất là dịch bệnh sớm qua đi để có thu nhập chăm lo cho con cái.

Trao đổi về vấn đề này, bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, trước mắt, các bậc cha mẹ cần bình tĩnh, tin tưởng và tuân thủ các hướng dẫn, quy định của cơ quan có chuyên môn trong công tác phòng chống dịch bệnh.

"Dịch bệnh cũng là dịp để cha mẹ, người chăm sóc trẻ dành thời gian cho con nhiều hơn, đặc biệt là về mặt tâm lý để trẻ được phát triển cân bằng", bà Vũ Thị Kim Hoa chia sẻ.

Bên cạnh đó, vấn đề an toàn và sức khỏe của trẻ cũng cần được quan tâm, chú trọng trước diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19. Thời gian này, việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh cần được đặt lên trên hết.