Lao động trình độ ĐH: Thu nhập trung bình đạt 7,49 triệu đồng/tháng
(Dân trí) - “Khảo sát cho thấy, nhóm lao động có trình độ đại học và trên đại học có thu nhập cao nhất với 7,49 triệu đồng/tháng, giảm so với quý 1/2017. Nhóm này cũng có mức giảm cao nhất so với quý 1/2017 với 736.000 đồng, tương đương 8,9%”.
Bà Chử Thị Lân - thành viên Ban biên tập Bản tin thị trường lao động VN (Bộ LĐ-TB&XHXH) công bố thông tin lao động việc làm quý 2/2017. Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức chiều 15/9 tại Hà Nội.
Đối tượng thống kê của Bản tin nằm trong nhóm lao động làm công hưởng lương. Theo đó, mức thu nhập của nhóm lao động này giảm so với quý 1/2017. Theo bà Chử Thị Lân, nguyên nhân chính của việc giảm mức thu nhập vì trong quý 2/2017 các công việc có tính chất mùa vụ đã giảm nhiều so với quý 1/2017.
Trong quý 2/2017, thu nhập bình quân tháng từ việc làm chính của lao động được thống kê đạt 5,2 triệu đồng, giảm 197.000 đồng so với quý 1/2017 và tăng 349.000 đồng so với cùng kỳ năm 2016.
Đáng lưu ý, thu nhập của nhóm lao động có trình độ sơ cấp là 6.040.000 đồng, cao hơn nhóm có trình độ trung cấp và cao đẳng.
Theo bà Chử Thị Lân, một trong những điểm đặc biệt của Bản tin quý 2/2017 là mặc dù đa số lao động trong các ngành đều có thu nhập giảm so với quý 1/2017, nhưng lao động trong ngành vận tải, kho bãi và dịch vụ lưu trú và ăn uống thu nhập vẫn tăng.
"Điều này phản ánh sự phù hợp với kết quả tăng trưởng của các ngành vận tải, kho bãi và dịch vụ lưu trú trong quý 2/2017. Đồng nghĩa với nhu cầu sử dụng lao động cũng tăng lên theo nhịp độ phát triển kinh tế và phản ánh quy luật của thị trường lao động" - ông Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học lao động (Bộ LĐ-TB&XH) bổ sung.
Phân tích của Bản tin cũng cho thấy, quý 2/2017, thu nhập trung bình của nhóm lao động có hợp đồng lao động không xác đinh thời hạn cao nhất, gấp 1,79 lần so với nhóm có thu nhập thấp nhất, nhóm không có hợp đồng lao động.
Quý 2/2017, có 20,7 % lao động làm công hưởng lương thuộc nhóm thu nhập thấp, giảm so với quý 1/2017, trong đó 83,2 % là lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật và 48,7 % là lao động giảm đơn. “Điều này cho thấy ít nhiều sự điều chỉnh về bất bình đẳng trong thu nhập” - bà Chử Thị Lân nói.
Hoàng Mạnh