Lao động sang Hàn Quốc làm việc cần lưu ý điều này để tránh bị hủy hợp đồng

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc sau khi hoàn thành các thủ tục, cần yên tâm chờ đợi lịch xuất cảnh, không nóng vội, liên hệ với chủ sử dụng lao động dẫn đến bị hủy hợp đồng.

Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) vừa thông tin cảnh báo đến người lao động đăng ký dự tuyển Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (Chương trình EPS), tránh tình trạng bị hủy hợp đồng. 

Theo đó, cơ quan này nhận được thông tin từ Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD Korea) về việc một số người lao động sau khi được chủ sử dụng lao động lựa chọn, ký hợp đồng lao động trực tiếp, hoặc thông qua người quen liên hệ với chủ sử dụng lao động để hỏi thông tin về kế hoạch xuất cảnh.

Trước tình hình trên, HRD Korea cho biết, trong thời gian tới, trường hợp người lao động trực tiếp hoặc thông qua người trung gian biết tiếng Hàn, liên hệ với chủ sử dụng lao động để xác nhận kế hoạch xuất cảnh, chủ sử dụng có thể đánh giá người lao động thông qua các kênh trung gian không chính thức và sẽ hủy hợp đồng lao động.

Lao động sang Hàn Quốc làm việc cần lưu ý điều này để tránh bị hủy hợp đồng - 1

Lao động làm thủ tục xuất cảnh trước khi sang Hàn Quốc làm việc (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Theo quy trình, người lao động sau khi được chủ sử dụng lao động lựa chọn, ký hợp đồng, Trung tâm Lao động ngoài nước sẽ tiến hành thủ tục xin cấp visa (sau khi có lệnh cấp visa), và thông báo đủ điều kiện xuất cảnh tới Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc.

Việc xuất cảnh sẽ căn cứ kế hoạch tiếp nhận của Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc, và chủ sử dụng lao động. Trung tâm Lao động ngoài nước là cơ quan phối hợp thông báo theo kế hoạch tiếp nhận từ phía Hàn Quốc.

Khi có kế hoạch xuất cảnh, Trung tâm sẽ gửi công văn thông báo tới các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi người lao động đăng ký dự thi, nhắn tin vào số điện thoại di động người lao động, và đăng thông tin trên website của Trung tâm tại địa chỉ www.colab.gov.vn.

Trung tâm Lao động ngoài nước đề nghị người lao động sau khi hoàn thành các thủ tục yên tâm chờ đợi lịch xuất cảnh, không nóng vội, liên hệ với chủ sử dụng lao động dẫn đến bị hủy hợp đồng theo lý do nêu trên.

Hiện nay, Hàn Quốc đang tiếp nhận lao động Việt Nam làm việc trong các ngành sản xuất chế tạo, nông nghiệp, ngư nghiệp, xây dựng, đóng tàu. Việt Nam chưa phái cử lao động sang Hàn Quốc làm việc trong nhóm ngành dịch vụ.

Trung tâm Lao động ngoài nước là cơ quan duy nhất phối hợp với Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc triển khai tuyển chọn phái cử lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS (người lao động được cấp visa E9).

Vì vậy, Trung tâm thông báo để người lao động cảnh giác trước các thông tin sai sự thật, khuyến cáo người lao động có nhu cầu tham gia Chương trình EPS đi làm việc tại Hàn Quốc phải tìm hiểu kỹ thông tin, quy trình, chi phí tại các Sở LĐ-TB&XH, Trung tâm dịch vụ việc làm địa phương, hoặc tại website của Trung tâm Lao động ngoài nước tại địa chỉ www.colab.gov.vn.

Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (gọi tắt là Chương trình EPS) khởi động từ năm 2004. Đến nay, Việt Nam đã đưa khoảng 127.000 người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc.

Đợt tuyển chọn đầu tiên năm 2024, Hàn Quốc dự kiến tiếp nhận 15.400 người trúng tuyển, làm việc trong 5 ngành nghề. Trong đó, chỉ tiêu ngành sản xuất chế tạo hơn 11.200 người, xây dựng 200 người, nông nghiệp gần 900 người và ngư nghiệp khoảng 3.000. Năm nay, phía Hàn Quốc tiếp nhận thêm lao động làm nghề cốt thép, mộc nằm trong nhóm ngành xây dựng.

Thời gian đăng ký dự thi vào cuối tháng 1, kỳ kiểm tra năng lực tiếng Hàn từ ngày 5/3 đến 14/6. Lao động vượt qua vòng này sẽ được kiểm tra tay nghề và đánh giá năng lực vào ngày 16/4-6/7. Qua hai vòng, lao động đủ điều kiện nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc. Ngoài lệ phí đăng ký dự thi 28 USD (khoảng 585.000 đồng), thí sinh không phải nộp thêm khoản nào khác.