Lao động huyện nghèo đi XKLĐ được hỗ trợ vay 100% kinh phí
(Dân trí) - Mức vốn vay tối đa bằng 100% chi phí người lao động đóng theo hợp đồng đã ký với doanh nghiệp, tổ chức theo quy định pháp luật. Việc vay vốn theo chương trình này không phải thực hiện bảo đảm tiền vay.
Đây là một phần nội dung Quyết định 27/2019/QĐ-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ ký duyệt về tín dụng đối với người lao động tại huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đến năm 2020.
Theo đó, người lao động được nhận hỗ trợ vay vốn tham gia xuất khẩu lao động khi đáp ứng các điều kiện như: Có hộ khẩu thường trú từ 12 tháng trở lên tại các huyện nghèo, có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Đồng thời, người lao động được phía nước ngoài chấp nhận vào làm việc và đã ký hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp theo quy định của pháp luật.
Về lãi suất cho vay, người lao động thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số được vay với lãi suất bằng 50% vay vốn đối với hộ nghèo do Chính phủ quy định. Người lao động khác tại huyện nghèo được vay bằng lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo do Chính phủ quy định; lãi suất nợ quá hạn bằng 130% so với lãi suất vay vốn quy định nêu trên.
Thời hạn cho vay không quá thời gian làm việc ghi trong hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ký giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp theo quy định pháp luật.
Ngân hàng Chính sách xã hội thỏa thuận với người lao động về việc trả gốc nhưng tối đa không quá 12 tháng/lần. Trường hợp đến hạn, người lao động không trả được nợ thì Ngân hàng Chính sách xã hội theo dõi vào kỳ tiếp theo.
Lãi tiền vay được thu theo kỳ hạn đã thỏa thuận trong Hợp đồng tín dụng hoặc Sổ vay vốn. Trường hợp, người lao động có nhu cầu trả lãi theo tháng thì Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện thu theo đề nghị của người lao động.
Ngân hàng Chính sách xã hội xử lý nợ rủi ro vốn vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo quy định pháp luật.
Hoàng Mạnh