Lao động hồi hương nửa muốn đi, nửa muốn ở lại quê "làm nhiêu ăn bấy nhiêu"
(Dân trí) - Nhiều lao động hồi hương trong đợt dịch vừa qua vẫn chưa trở lại nơi làm cũ. Họ còn chần chừ nửa muốn đi xa, nửa muốn ở lại quê nhà.
Ghi nhận của PV Dân trí tại Bạc Liêu, nhiều người lao động hồi hương từ đợt dịch trước Tết Nguyên đán 2022 vẫn chưa trở lại các tỉnh, thành như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương… để làm việc.
Tâm lý chung của họ là không muốn quay lại làm, cũng có một số thì còn chần chừ "nửa muốn đi, nửa muốn ở lại".
Chị Phan Thị Chi (38 tuổi, ngụ huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) cùng chồng rời quê lên Bình Dương vài năm qua. Chị làm công nhân gỗ, chồng làm thợ hồ. Mỗi ngày, vợ chồng chị cũng kiếm được 500.000-600.000 đồng. Hơn một năm, cả 2 cũng tích lũy được một số tiền.
Khi dịch bùng phát trước Tết Nguyên đán 2022, vợ chồng chị tốn kém không ít. Nên khi về quê an toàn với con cái, vợ chồng chị chẳng còn dư giả bao nhiêu.
"Vợ chồng tôi đi làm ăn xa, bỏ đứa con trai lại quê nhà ở với ông bà nội chăm sóc và học tập. Đi thì nhớ con nhưng vì mưu sinh phải chịu. Dịch xảy ra hết sức khó khăn, 2 vợ chồng cố gắng về được quê nhà. Về đây, sống chung với con cái, người thân thấy vui lắm. Qua tết rồi, ở quê lại không có việc làm ổn định, 2 vợ chồng tính đi lên lại Bình Dương nhưng thấy cũng ngán lắm", chị Chi chia sẻ.
Theo chị Chi, ngán là do dịch vẫn còn đó, rồi đi làm cả năm nhưng cuối cùng cũng không dư giả gì. Do đó, 2 vợ chồng vẫn còn đang chần chừ, chưa quyết định có nên đi nữa hay không.
Theo vợ chồng chị Chi, dù thu nhập ở quê không bằng ở xứ người nhưng dù sao cũng đỡ tốn kém hơn. "Ở quê thì có nhà ở luôn, không phải tốn nhà trọ, chi phí sinh hoạt cũng rẻ hơn. Chưa kể lại gần con cái, người thân nên chắc là vợ chồng tôi chưa muốn đi ngoài tỉnh làm", chị Chi tâm sự.
Cũng hồi hương như vợ chồng chị Chi trong đợt dịch trước Tết Nguyên đán 2022, chị Nguyễn Thị Điệp (33 tuổi, ngụ thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) vẫn ở nhà và chưa có dự tính trở lại TPHCM làm việc.
"Nói thật là đợt dịch vừa rồi sợ lắm. Vừa rồi về tới nhà là may lắm rồi. Về đây tạm thời sống nương tựa cha mẹ. Cha mẹ cũng lớn tuổi, cũng không muốn mình đi làm ăn xa quê nữa. Ở quê tìm việc làm cũng có nhưng có thể thu nhập không cao. Thấy nhiều công ty thủy sản đang tuyển công nhân, mình cũng dự tính xin vào làm. Có thể thu nhập ít hơn nhưng ở gần nhà cũng khỏe, an tâm hơn, làm bao nhiêu thì ăn bấy nhiêu vậy", chị Điệp nói dự tính.
Gia đình anh Nguyễn Văn Trung (45 tuổi, ngụ TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) có 2 vợ chồng và 3 đứa con cũng kéo nhau về quê tránh dịch trước Tết Nguyên đán 2022. Đến nay, cả nhà cũng đang chần chừ chưa muốn lên lại Bình Dương để làm.
Theo anh Trung, sau Tết Nguyên đán 2022, anh cũng xoay sở được công việc phụ hồ để kiếm thu nhập lo cho gia đình. "Công việc có chút nặng nhọc, thu nhập không cao nhưng tôi thấy an tâm hơn là ở xứ người. Nói gì thì nói, ở nhà có gì ăn nấy, làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu, đỡ tốn kém những chi phí khác. Trước mắt thì tôi tính ở quê làm vậy, đến sau nữa thì mới tính tiếp", anh Trung bày tỏ.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Hoàng Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Bạc Liêu (trực thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu) cho biết, qua nắm được thì nhiều lao động hồi hương sau Tết Nguyên đán đã quay trở lại nơi cũ ở các tỉnh, thành miền Đông Nam bộ làm việc khi tình hình dịch đã tạm ổn.
Một số lao động khác dù không quay lại chỗ làm cũ nhưng thông qua giới thiệu hoặc đi theo bạn bè, người thân ra ngoài tỉnh để tìm việc làm mới. Tuy nhiên, vẫn có nhiều lao động đã ở lại quê nhà, đến Trung tâm dịch vụ việc làm Bạc Liêu để tìm việc phù hợp, kiếm thu nhập mưu sinh. Công việc ở trong tỉnh chủ yếu là lao động phổ thông như công nhân thủy sản, may mặc... với mức lương không quá cao nhưng cơ bản cũng tạm ổn định cuộc sống.